Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi ‘miễn nhiễm’ với Covid-19, tăng trưởng giữa đại dịch

22/01/2022 14:01 PM | Kinh doanh

Với những gì đã thể hiện trong 2 năm Covid vừa qua của startup Hoa Nắng, đã lần nữa chứng minh cho sự đầu tư đúng đắn của Shark Louis Nguyễn. Với sự xuất hiện của quỹ Beacon Fund, từ nay ‘cá mập’ này không còn cô đơn trên con đường hỗ trợ Hoa Nắng trở thành doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ hàng đầu thị trường.

Founder Đặng Thị Trường An của Hoa Nắng Organic.
Founder Đặng Thị Trường An của Hoa Nắng Organic.

MỐI LƯƠNG DUYÊN VỚI BEACON FUND

Mới đây, theo chia sẻ từ Founder Đặng Thị Trường An thì Hoa Nắng vừa nhận được một khoảng đầu tư từ quỹ Beacon Fund đến từ Singapore.

Được ươm mầm bởi Patamar Capital, Beacon Fund là thành quả của nhiều năm gắn bó và đầu tư vào doanh nhân nữ tại khu vực Đông Nam Á.

Trọng tâm ban đầu của Quỹ Beacon sẽ là các sản phẩm cho vay, phù hợp với doanh nghiệp nữ làm chủ hoặc các doanh nghiệp tập trung phục vụ khách hàng nữ - sở hữu dòng tiền dương và ghi nhận tăng trưởng ổn định. Quy mô đầu tư của Beacon Fund thường dao động từ 500.000 USD đến 2.000.000 USD.

Ngoài ra, Beacon Fund cũng ưu tiên các danh mục đầu tư xoay quanh các ngành nghề chiếm phân bổ cao trong nền kinh tế như nông nghiệp, giáo dục, y tế và dịch vụ (marketing – nhân sự).

Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi không chỉ ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 mà còn tăng trưởng rất tốt trong đại dịch - Ảnh 1.

Thú vị hơn nữa, dù chỉ làm việc online, xong quỹ Beacon Fund đã chấp nhận giải ngân cho startup này chỉ sau 2 tháng trao đổi. Đơn giản bởi Hoa Nắng thỏa mãn tất cả những điều kiện mà Beacon Fund đề ra: có phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, khách hàng chủ yếu là nữ, hoạt động trong ngành nông nghiệp, tăng trưởng ổn định và có dòng tiền dương…

"Ngoài ra, sở dĩ deal đầu tư này có thể kết thúc chớp nhoáng như vậy, là bởi sổ sách của Hoa Nắng rõ ràng – minh bạch. Xuất thân từ dân tài chính và được hỗ trợ định hướng của Shark Louis Nguyễn, nên ngay từ khi khởi nghiệp Hoa Nắng, tôi đã tự đặt ra cho mình mục tiêu là phải tổ chức sổ sách - báo cáo chuyên nghiệp – rõ ràng. Tóm lại, chúng tôi chẳng có gì khuất tất", nữ Founder Đặng Thị Trường An giải thích thêm với chúng tôi.

Còn nhớ, năm 2018, cặp đôi Founder Trường An - Lâm Anh Tú từng lên chương trình Shark Tank Việt Nam để kêu gọi 10 tỷ cho 30% cổ phần Hoa Nắng. Tuy nhiên, vì vấn đề cơ cấu cổ đông khá phức tạp, họ đã bị tất cả các Shark từ chối – trừ Shark Louis. Sau đó, họ đã đồng ý deal đầu tư 10 tỷ cho 51% cổ phần của vị "cá mập" này.

Sau chương trình Shark Tank, dù cổ đông lớn nhất không tiếp tục đồng hành cùng Hoa Nắng song không vì thế mà Shark Louis bội tín. Ông thậm chí còn đầu tư hẳn 10 tỷ đồng cho hoa nắng vì tin vào năng lực – đam mê của Trường An – Anh Tú với mảng nông nghiệp hữu cơ giàu tiềm năng.

Với khoản đầu tư từ Quỹ Beacon, Hoa Nắng Organic sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu mở rộng hoạt động sang các vùng canh tác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ban lãnh đạo Hoa Nắng Organic vẫn đang miệt mài đi tìm và gầy dựng thêm vùng trồng mới – ngoài vùng trồng hiện tại ở vùng ven biển Thạnh Phú – Bến Tre. Trong tương lai xa, startup này còn có ý định tự xây dựng nhà máy để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ lúa gạo hữu cơ, như bánh gạo hoặc gạo sấy…

Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi không chỉ ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 mà còn tăng trưởng rất tốt trong đại dịch - Ảnh 2.
Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi không chỉ ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 mà còn tăng trưởng rất tốt trong đại dịch - Ảnh 3.
Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi không chỉ ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 mà còn tăng trưởng rất tốt trong đại dịch - Ảnh 4.

Vùng trồng ven biển Thạnh Phú – Bến Tre của Hoa Nắng.

Tất cả những động thái nói trên sẽ giúp củng cố vị thế của công ty trong dài hạn, phát triển thêm các dòng sản phẩm hữu cơ có giá trị cao hơn, đa dạng hóa giải sản phẩm và phục vụ nhiều khách hàng hơn.

HOA NẮNG ORGANIC ĐÃ GIẢI THÀNH CÔNG BÀI TOÁN ‘DOANH THU - LỢI NHUẬN’ CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ?

Trở lại câu chuyện với Beacon Fund, hẳn việc Hoa Nắng vượt qua được Covid và bắt đầu có lợi nhuận sau 3 năm ra đời đã gây ấn tượng mạnh với quỹ này. Bởi hiện tại, rất hiếm doanh nghiệp làm trong mảng hữu cơ – đặc biệt là startup tại Việt Nam, kinh doanh có lời.

Vì sao lại thế? Đầu tiên, do trồng hữu cơ rất khó khăn và tốn rất nhiều tiền đầu tư. Muốn trồng ra được nông sản hữu cơ cơ bản – chưa nói đến việc làm các chứng nhận hữu cơ của quốc tế, thì 3 yếu tố đất , nước, không khí của vùng trồng phải được cải tạo trong thời gian khá dài.

Thứ hai, do chi phí đầu tư lớn mà quy mô canh tác hữu cơ ở Việt Nam còn nhỏ khiến giá thành sản phẩm khá cao sẽ khó tiếp cận với phần lớn người tiêu dùng Việt Nam quen với việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ.

Thứ ba, thị trường nông sản hữu cơ vẫn khá bát nháo, không hiếm trường hợp doanh nghiệp chỉ làm ‘3 sạch’ hoặc VietGap hay GlobalGap liền tự nhận mình là organic, khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Đứng trước 1 sản phẩm tự cho mình là hữu cơ, họ thật sự không biết nó có thật là hữu cơ hay không.

Gạo hữu cơ Hoa Nắng thuộc team Shark Louis – Startup hiếm hoi không chỉ ‘miễn nhiễm’ với Covid-19 mà còn tăng trưởng rất tốt trong đại dịch - Ảnh 5.

Founder Anh Tú với sản phẩm Tết của Hoa Nắng Organic.

"Thật ra, nếu phải so sánh, thì giá của gạo Hoa Nắng thậm chí còn cao hơn mặt bằng chung các sản phẩm cùng loại và cùng chuẩn của thị trường một chút. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng tôi nghĩ mình phải giảm giá. Khi Hoa Nắng làm sản xuất – kinh doanh – phân phối sẽ không nhìn vào giá thị trường để định giá sản phẩm, mà nhìn vào chính bản thân mình.

Thay vì tìm cách giảm giá sản phẩm cho ‘bằng chị bằng em’, Hoa Nắng muốn tạo ra loại gạo chất lượng tốt nhất trong khả năng và bán với giá mà chúng tôi cho là xứng đáng. Thay vì kỳ kèo ép giá nông dân, Hoa Nắng chọn nâng cao giá trị hơn nữa để khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm mà cảm thấy xứng đáng", Trường An chia sẻ tiếp.

Về câu chuyện làm thương hiệu: Hoa Nắng rất cẩn trọng trong việc làm thương hiệu cũng như truyền thông. Họ muốn bất cứ thông tin - hình ảnh gì của mình mà công chúng thấy đều phải chuẩn chỉnh và đáng tin cậy. Vì vậy, startup này hiếm khi xuất hiện PR – marketing ồ ạt trên truyền thông.

Hơn nữa, không phải bây giờ, mà ngay từ những ngày đầu, Hoa Nắng đã nghĩ ‘nếu làm phải làm tới nóc’, nên dù là một thương hiệu chưa có danh tiếng trên thị trường, họ vẫn cố đầu tư để lấy các chứng nhận chất lượng quốc tế.

Như thế, dù là startup, song Hoa Nắng đã có 5 năm kinh nghiệm ở trên mặt trận hữu cơ. Chinh phục hầu hết các chuẩn hữu cơ uy tín như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Ở khía cạnh khác, với nhiều startup, Covid-19 tác động xấu trong khi Hoa Nắng thì ngược lại. Đại dịch chỉ khiến họ gặp chút khó khăn trong việc vận hành kinh doanh hoặc logistic song lại được quan tâm nhiều hơn khi người dân ngày càng quan tâm tới sức khoẻ và sẵn sàng trả giá cao để sử dụng gạo organic.

Tuy nhiên, nếu nói rằng "Hoa Nắng đã giải thành công bài toán ‘doanh thu - lợi nhuận’ cho ngành nông nghiệp hữu cơ là quá vội vàng"; bởi con đường phía trước còn rất dài và nhiều thử thách.

"Mình sẽ cố gắng từng bước cùng team Hoa Nắng phát triển thêm nhiều sản phẩm hữu cơ hơn nữa ngoài lúa gạo phục vụ cho mọi bữa cơm ngon lành của người tiêu dùng trong thời gian sắp tới", chị Trường An chia sẻ khi nói về định hướng phát triển tương lai của Hoa Nắng.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM