Gần 77% phụ huynh Hà Nội đồng ý cho con đi học tại trường

02/11/2021 15:30 PM | Xã hội

850.000 học sinh trên địa bàn TP. Hà Nội đang trong độ tuổi tiêm vaccine COVID-19, trong đó có 350.000 học sinh lớp 10-11-12. Qua khảo sát, gần 77% phụ huynh đồng ý cho con đi học, còn trên 23% vẫn lo ngại do chưa tiêm vaccine.

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 243 về thực hiện Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; và Kế hoạch 245 về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố năm 2021-2022.

Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, với trọng tâm hiện nay là khẩn trương hoàn thiện các trạm y tế lưu động tại các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao gắn với diễn tập các tình huống; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là bình oxy, có giải pháp bổ sung bác sĩ ở nơi còn thiếu.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường. Trước mắt, Hà Nội sẽ xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại các huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; đối với các quận, cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh để xem xét trong thời gian tiếp theo.

 Gần 77% phụ huynh Hà Nội đồng ý cho con đi học tại trường  - Ảnh 1.

Sáng 2/11, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố sau khi thực hiện Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả”.

Tại cuộc họp sáng 2/11 với lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, khẳng định “thích ứng linh hoạt nhưng luôn phải an toàn”. Với câu chuyện học sinh trở lại trường, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội đánh giá sát sao kế hoạch cho một số vùng, một số khối lớp đi học trở lại.

“Chúng ta xác định không thể “zero COVID”, do vậy, an toàn ở đây là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe của học sinh và cho cộng đồng. Bản thân các em học sinh khi không được đến trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và tâm sinh lý. Dịch còn diễn biến trên thế giới, nên khi triển khai học trực tiếp phải có điều chỉnh, đồng thời duy trì học trực tuyến và học qua truyền hình để bổ trợ. Đi học, gặp gỡ, vui chơi với bạn bè không chỉ là nhu cầu của mỗi học sinh mà còn của các gia đình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ khi bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội ghi nhận trung bình 21 ca mắc COVID-19/ngày, trong đó, ca cộng đồng chiếm 23,3%. Với việc thực hiện giám sát người về từ các địa phương có dịch, Hà Nội đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe gần 9.500 người về từ các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, trong những ngày qua số ca mắc COVID-19 mới tại Hà Nội tăng cao khiến nguy cơ lây lan dịch thay đổi, do vậy, việc đưa học sinh trở lại trường phải hết sức thận trọng. Các giải pháp được tính đến như học luân phiên, giảm quy mô… để đảm bảo giãn cách. Song việc quản lý thực hiện nghiêm giãn cách với học sinh sẽ rất khó.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu vấn đề, khi một trường học phát hiện ca dương tính thì thực hiện cách ly thế nào, đóng cửa hay duy trì trường học đều phải được Sở GD-ĐT và thành phố cân nhắc. UBND thành phố đã có dự liệu để các trường học triển khai các giải pháp chống dịch, nhưng sẽ xem xét cụ thể diễn biến dịch trên địa bàn thành phố để điều chỉnh linh hoạt, phù hợp.

Ngành Giáo dục Hà Nội cũng đã xây dựng 4 phương án quay trở lại hoạt động giáo dục an toàn. Hiện 850.000 học sinh trên địa bàn TP. Hà Nội đang trong độ tuổi tiêm vaccine COVID-19, trong đó, 350.000 là học sinh lớp 10-11-12. Qua khảo sát, gần 77% phụ huynh đồng ý cho con đi học, còn trên 23% vẫn lo ngại do chưa tiêm vaccine.

“Quyết định đưa học sinh trở lại trường phải được cân nhắc rất chắc chắn, thận trọng. Hà Nội cũng mong muốn thí điểm đưa học sinh trở lại trường. Theo đó, dự kiến 8/11, 18 huyện, thị xã sẽ cho các khối lớp 5-6-9-10-12 trở lại trường. Các khối lớp khác và học sinh tại 12 quận còn lại của Hà Nội tiếp tục học online. Thực tế đã có nơi, trường học phải đóng cửa sau vài ngày mở cửa trở lại, điều này ảnh hưởng tâm lý học sinh”, ông Chử Xuân Dũng nói.

Hà Nội cũng đã làm rất tốt chương trình Sóng và máy tính - trao được 5.000 máy tính cho các em, điều chỉnh chương trình học để phù hợp với học trực tuyến. Tuy nhiên, với khoảng 10.000 học sinh đang thiếu máy tính, do điều kiện nhập khẩu linh kiện khó khăn, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy để trao 5.000 máy tính còn lại. Các nhà mạng cũng đã khắc phục được tình trạng mạng tại các vùng lõm của thủ đô.

Ngành giáo dục Hà Nội đề xuất sớm đủ vaccine, đặc biệt ưu tiên cho đối tượng học đại học, bởi đây là đối tượng từ các địa phương trở về thủ đô rất lớn./.

Theo Thiên Bình

Cùng chuyên mục
XEM