Gần 40.000 ca nhập viện và 36 người tử vong vì sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) đang tăng nhanh, đe dọa bùng phát dịch tại khu vực các tỉnh phía Nam. Ngành y tế cảnh báo, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cả cộng đồng.
Thông tin trên được xác nhận tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch SXH khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM chiều hôm qua, 13/6.
Dịch SXH đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh phía Nam |
Theo BS Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa kiểm soát phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TPHCM, thống kê đầu năm đến nay tại 20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 39.317 ca mắc SXH nhập viện điều trị, tăng 82% so cùng kỳ; trong đó có 36 ca tử vong; 1.193 trường hợp bệnh nặng.
Riêng trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong tăng nhanh, trong đó số mắc chiếm 50% trên tổng ca bệnh tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% trên tổng số tử vong vì SXH tích lũy từ đầu năm.
Hiện các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị SXH như các bệnh viện nhi đồng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và bệnh viện tuyến quận huyện trên địa bàn TPHCM mỗi đơn vị trung bình trong ngày đang tiếp nhận hàng chục ca mới mắc đến khám và điều trị. Các bác sĩ cảnh báo năm nay, số lượng bệnh nhân SXH nặng đang tăng cao hơn so với năm trước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị biến chứng, tử vong.
TS.BS Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Cục Y tế Dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh khu vực phía Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát SXH, tăng cường giải pháp diệt bọ gậy loăng quăng để ngăn chặn nguy cơ SXH bùng phát trên diện rộng. Bên cạnh đó Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần chủ động chung tay phòng chống dịch, có hình thức xử lý phù hợp đối với những điểm gây phát sinh dịch bệnh.
“Các tổ phòng chống SXH và cộng tác viên không thể đi hết từng hộ gia đình để xử lý nguy cơ. Do đó, cuộc chiến chống SXH cần bắt đầu bằng ý thức của mỗi người dân, từng người, từng nhà nếu chủ động kiểm soát, diệt bọ gậy loăng quăng, diệt muỗi, ngủ mùng thường xuyên… sẽ là giải pháp hiệu quả nhất để tránh nguy cơ mắc SXH” – TS Lương Tâm nói.