Gần 30 tuổi không có 100 triệu là thất bại? Chuyên gia: “Giàu 30 tuổi chớ mừng, khó 30 tuổi cũng đừng vội lo”
Cô gái 9x khẳng định “cuộc đời của chúng ta có nhiều thứ để nói hơn là tiền".
Leng Keng (tên thật Lê Thị Xuân - sinh năm 1992), cựu sinh viên của Đại học Ngoại thương. Cô không ít lần “gây bão” mạng xã hội với những quan điểm độc lạ. Mới đây nhất, Leng Keng đã đăng tải clip Tiktok với câu mở đầu “Gần 30 tuổi mà trong tài khoản không có 100 triệu là thất bại, thất bại thật sự chứ không phải đùa đâu”.
Clip chỉ dài 1 phút nhưng ngay lập tức tạo ra cuộc tranh cãi của cư dân mạng. Không lâu sau, kênh Tiktok Thái Hà tuyển dụng đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình.
Chủ nhân của kênh là Nguyễn Thái Hà (sinh năm 1993, Hà Nội). Cô chính là một trong số những nhân vật được các bạn trẻ "chọn mặt gửi vàng" trong hành trình định hướng nghề nghiệp cho bản thân như vậy.
Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành một đơn vị chuyên về tuyển dụng và là Diễn giả tại nhiều Hội thảo Hướng nghiệp, Giảng viên Học phần Chinh phục nhà tuyển dụng tại nhiều trường đại học lớn. Ngoài ra, cô cũng sở hữu kênh TikTok chuyên về tuyển dụng - định hướng nghề nghiệp - phát triển bản thân đạt 260k người theo dõi và hơn 70 triệu lượt xem.
Không có 100 triệu liệu có phải thất bại?
Nói về clip gây tranh cãi, Thái Hà bày tỏ: "Mình đã xem hết clip và thấy rằng trừ câu đầu tiên, thì phần còn lại cũng hợp lý. Thực ra, nếu các bạn nghe kỹ, nghe hết những gì clip đó nói và vượt qua được cảm giác khó chịu khi nghe câu đầu tiên... thì những điều bạn ấy nói hợp lý mà".
"Bởi vì nói về tư duy quản lý tài chính cũng như vai trò của việc tích lũy, thì nó (nội dung clip) không có sai. Thậm chí con mình 6 tuổi đã được dạy về tư duy tài chính", cô cho biết thêm.
Không phủ nhận quan điểm được đưa ra bởi Tiktoker Leng Keng, song, Thái Hà muốn nói về con số 100 triệu và cột mốc 30 tuổi có thực sự quan trọng đến như thế hay không?
Nữ giám đốc trẻ cho rằng, 30 tuổi tương đương với 1/3 đầu tiên của cuộc đời con người. Giai đoạn này giống như bước xây móng của ngôi nhà. "Khi người ta xây móng, chẳng ai mang thước đo là độ cao mà chỉ nói về độ chắc chắn thôi", cô bày tỏ. Vậy độ vững chắc của con người trong giai đoạn 30 tuổi đến từ cái gì?
Theo Thái Hà, độ vững chắc này đến từ sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, khả năng học tập, tư duy, vun bồi tri thức... Ngoài ra, nó còn đến từ việc xây đắp các mối quan hệ. "Từ tất cả những thứ đó, nó mới đi đến tiền". Nhưng vấn đề là cả 4 cái vốn nói trên đều cần tiền. Mọi người cần tiền để đầu tư cho tri thức, sức khỏe, mối quan hệ…
Đừng lấy tiền làm thước đo độ thành công
Quan điểm của Thái Hà là "nếu trong 30 năm đầu tiên, nếu mang tiền ra làm thước đo thì mình thấy không hợp lý".
Nói về khía cạnh phòng thân, nữ giám đốc cho biết ngoài việc để ra một khoản tiền, chúng ta còn có nhiều cách khác. Cô lấy dẫn chứng em trai của cô đi làm được 2 năm và không có 100 triệu trong tài khoản. Thế nhưng, chàng thanh niên có "dắt túi một bảo hiểm sức khỏe". Nhờ đó, khi nằm viện vì sốt xuất huyết, cậu chỉ phải chi trả 4-5 triệu (trong tổng số hơn 30 triệu), còn lại là bảo hiểm chi trả. Đó cũng là một cách để phòng thân mà không cần 100 triệu trong người, cũng không cần tìm tới sự trợ giúp của bố mẹ.
"Trong trường hợp chúng ta đen đủi gặp những bệnh ốm đau, hiểm nghèo, thì 100 triệu đúng như hạt muối bỏ biển khơi, không giải quyết được việc gì cả", nữ giám đốc bổ sung.
Bên cạnh đó, cô cũng gợi ý mọi người nên tập trung xây dựng tiềm lực tài chính thay vì gửi tiết kiệm. Cô giải thích: "Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp là khả năng huy động vốn cho việc sản xuất kinh doanh. Với mỗi cá nhân cũng thế".
Thái Hà tiết lộ bản thân không bao giờ có 100 triệu trong tài khoản nhưng nếu cần, cô có thể huy động gấp 100 lần con số đó. Tiềm lực tài chính của một con người sẽ dựa vào uy tín của cá nhân đó. Mà uy tín thì được xây dựng từ 4 nguồn vốn đã được đề cập ở trên.
Cuối cùng, cô khẳng định tiền không nên được đưa ra làm thước đo thành công của một con người. "Đơn giản vì cuộc đời của chúng ta có nhiều thứ để nói hơn là tiền".