Gần 200 trẻ đầu tiên trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cha mẹ nhất định phải biết điều này để đảm bảo an toàn cho con

14/04/2022 15:31 PM | Sống

Trong 28 ngày sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 và đặc biệt là 48 giờ đầu, cha mẹ cần theo dõi liên tục sức khoẻ của trẻ để có những biện pháp kịp thời.

Cha mẹ nên làm gì khi con tiêm vắc xin COVID-19

Sáng 14/4, Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng" năm 2022.

Ngay sau lễ phát động, gần 200 học sinh khối lớp 6 của Trường THCS Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là những trẻ đầu tiên thuộc nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi của nước ta được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ trong nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ước tính đến tháng 4 và tháng 5-2022, khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Như vậy, trong quý II-2022, Bộ Y tế sẽ tiêm đủ cho 8,2 triệu trẻ này. Với những trẻ đã mắc Covid-19 sẽ trì hoãn tiêm chủng sau 3 tháng. Như vậy, khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm vào tháng 7 và tháng 8-2022.

Gần 200 trẻ đầu tiên trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cha mẹ nhất định phải biết điều này để đảm bảo an toàn cho con - Ảnh 1.

Học sinh khối 6 của trường THCS Trần Quốc Toản đủ điều kiện được tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay sau lễ phát động. Ảnh: Hà Nội mới

Vắc xin sẽ được tiêm cho nhóm trẻ lớp 6 rồi hạ dần độ tuổi tiêm cho trẻ nhỏ hơn. Có hai loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna (khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần).

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các phụ huynh cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm.

- Không nên cho trẻ uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

- Nếu thấy trẻ sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 30 phút.

Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cha mẹ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ

Trước đó, tại tọa đàm Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đưa ra những lưu ý quan trọng về những phản ứng trẻ có thể gặp phải sau tiêm đối với từng loại vắc xin. Cụ thể:

1. Đối với vắc xin Pfizer

Các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%). "Phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi khi tiêm vaccine phòng COVID-19"- bà Hồng cho biết;

Gần 200 trẻ đầu tiên trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cha mẹ nhất định phải biết điều này để đảm bảo an toàn cho con - Ảnh 2.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;

2. Đối với vắc xin Moderna

Các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;

Phản ứng thường gặp là : Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm;

Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da;

Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Nhiều phụ huynh lo lắng việc tiêm vắc xin COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài. PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định vắc xin COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.

Gần 200 trẻ đầu tiên trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19: Cha mẹ nhất định phải biết điều này để đảm bảo an toàn cho con - Ảnh 3.

Cho trẻ ăn cháo, súp để dễ tiêu hoá

Trẻ tiêm vắc xin COVID-19 nên ăn gì?

Trước khi tiêm, cha mẹ hãy cho trẻ ăn như bình thường và tăng cường thêm nhiều thực phẩm giàu vitamin, chất dinh dưỡng như: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein nạc.

Đặc biệt, cung cấp đầy đủ nước vào ngày tiêm phòng vắc xin COVID-19 để giúp trẻ chống lại sự mệt mỏi và đau nhức cơ bắp, hai tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêm chủng.

Sau khi tiêm, nếu trẻ sốt sẽ bị mất nước qua da và hơi thở nhiều nên việc cần làm là bù dịch và năng lượng cho cơ thể. Trẻ cần được nghỉ ngơi lấy lại sức, uống nhiều nước; sử dụng thức ăn mềm dễ tiêu hóa như cháo, súp…; thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (như rau xanh, hoa quả); thực phẩm được chế biến với nghệ (một gia vị vốn nổi tiếng với đặc tính chống viêm).

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM