Gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới chính thức bước vào tháng lễ Ramadan

25/04/2020 21:21 PM | Xã hội

Gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hôm nay chính thức bước vào tháng lễ ăn chay Ramadan.

Tháng lễ linh thiêng nhất của người Hồi giáo này diễn ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đều áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, tụ tập để ngăn chặn dịch Covid-19. Dù những thói quen tụ họp gia đình hay cầu nguyện tập thể vốn không thể thiếu trong tháng lễ quan trọng này của người Hồi giáo không được phép diễn ra, song trên hết tinh thần sẻ chia và bao dung không bao giờ mất đi.

Tháng lễ Ramadan năm nay có thể nói là khác biệt nhất từ trước đến nay đối với gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo tại châu Á và Bắc Phi. Hầu hết các quốc gia đã ban hành các lệnh cấm cầu nguyện tại đền thờ hoặc tụ họp người thân và bạn bè trong các bữa “xả chay”, bữa ăn tối quan trọng kết thúc một ngày nhịn ăn trong tháng lễ của người Hồi giáo.

Một tín đồ Hồi giáo tại Jerusalem chia sẻ: “Năm nay tất cả đều đóng cửa. Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa và tất cả các đền thờ Hồi giáo khác đã đóng cửa.”

“Mọi cánh cửa vẫn đang đóng. Đây chắc chắn là tháng lễ Ramadan khác biệt nhất đối với thế giới Hồi giáo và tất cả người Hồi giáo”, một tín đồ khác cho biết.

Tại thánh địa Mecca thiêng liêng của người Hồi giáo ở Saudi Arabia, các buổi cầu nguyện chỉ có thể diễn ra với số lượng người tham gia hạn chế và dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh. Theo Quốc vương Saudi Arabia Salman, dù rất buồn khi tháng lễ Ramadan năm nay không thể có các buổi cầu nguyện theo nhóm song điều quan trọng nhất vẫn bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân.

Là một trong 5 trụ cột của người Hồi giáo, Tháng lễ Ramadan năm nay bắt đầu từ ngày 24/4 đối với phần lớn các quốc gia Hồi giáo và từ hôm nay 25/4 đối với người Iran, Ma-rốc và những người Hồi giáo theo dòng Shiite tại Iraq và Lebanon.

Trong tháng lễ Ramadan, người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh sẽ thức dậy từ sớm để ăn một bữa trước bình minh gọi là "suhoor", và sau khi mặt trời lặn, họ sẽ ăn một bữa tối “xả chay” được gọi là "iftar", kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày. Mọi người cũng tụ tập tại các thánh đường Hồi giáo để cầu nguyện. Một số quốc gia Trung Đông đã nới lỏng một số quy định hạn chế trong tháng lễ Ramadan như Ai Cập, Tunisia, Algeria hay Libya.

Tại Ai Cập, nơi ghi nhận hơn 3.600 ca mắc Covid-19, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly ngày 24/4 thông báo sẽ rút ngắn một tiếng thời gian giới nghiêm vào ban đêm, bắt đầu từ 21 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, và được áp dụng trong suốt tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cấm tụ tập đông người, nhà chức trách đã hối thúc các tín đồ cầu nguyện tại nhà khi tất cả các thánh đường trong nước đều đóng cửa. Không thể chia sẻ các bữa ăn iftar với những người khó khăn theo truyền thống trong tháng Ramadan, nên từ hôm qua, các tổ chức phi chính phủ tại đây đã phân phát lương thực như mỳ và đường tới những người dân nghèo.

Là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia đã kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo trên toàn quốc hạn chế các hoạt động tín ngưỡng đông người, cũng như những cuộc thăm viếng phần mộ của người thân và di chuyển về quê trong tháng lễ.

Người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải Indonesia Adita Irawati cho biết: “Chúng tôi triển khai lệnh cấm tạm thời đối với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không, cũng như xe lửa và phương tiện cá nhân và xe máy đi vào hoặc rời khỏi các khu vực điểm nóng. Đây là một phần của các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn.”

Những hoạt động tụ tập đông người này có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh Indonesia đang chứng kiến số ca tử vong do Covid-19 cao nhất Đông-Nam Á với hơn 600 ca trong tổng số hơn 6.000 ca mắc.

Tại Nga, các tín đồ sẽ phải cầu nguyện tại nhà, mà không cần đến nhà thờ. Người đứng đầu Hội đồng Giáo sĩ của Nga Ravil Gainoutdine kêu gọi các tín đồ coi đây như một thử thách của thánh Allah.

Ở Trung Á, các nước Kyrgyzstan và Uzbekistan đã cấm tổ chức các buổi lễ cầu nguyện đông người và các cuộc họp gia đình sau khi xác nhận các trường hợp mắc Covid-19. Tại Tajikistan, quốc gia tới nay vẫn chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào, chính quyền nước này kêu gọi các tín đồ đón tháng Lễ Ramadan một cách an toàn để tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Tại thủ đô Dushanbe, tỷ lệ người dân ra đường với khẩu trang và khăn che mặt cũng cao hơn so với ngày thường./.

Theo Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM