"Game" hay của VNG trên sàn chứng khoán: Chỉ với hơn 110 triệu đồng, cổ phiếu lập đỉnh mới, "bang chủ" Lê Hồng Minh có thêm 720 tỷ đồng
Đó là câu chuyện vô tiền khoáng hậu của ông Lê Hồng Minh, CEO Công ty cổ phần VNG (mã cổ phiếu: VNZ) đang được nhắc đến nhiều trong những ngày qua.
Với 3.525.837 cổ phiếu VNZ đang nắm giữ, tính theo giá đóng cửa ngày 3/2/2022 của VNZ là 444.300 đồng/cổ phiếu, khối tài sản của ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Công ty cổ phần VNG đã tăng lên con số 1.567 tỷ đồng.
Đà tăng xô đổ mọi kỷ lục của cổ phiếu VNZ trong 3 ngày (từ 30/01- 3/2/2023) đã khiến khối tài sản cổ phiếu công nghệ của ông Minh tăng trưởng một cách ngoạn mục, từ 846 tỷ lên tới 1.566 tỷ đồng. Hay nói cách khác, trong 3 ngày, khối tài sản của ông Minh tăng thêm 720 tỷ đồng.
Chuyến tàu tốc hành này đã đưa ông Lê Hồng Minh lần lượt vượt qua ông Đỗ Cao Bảo - thành viên kỳ cựu của HĐQT FPT và bà Trương Thị Thanh Thanh - chị gái của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, chính thức bước chân vào TOP 3 đại gia nắm giữ lượng cổ phiếu công nghệ có giá trị lớn nhất trong tuần đầu tháng 2.
Với biên độ phiên khớp lệnh đầu tiên sau khi chào sàn UpCOM lên đến 40%, VNZ đã lập kỷ lục trở thành cổ phiếu có mức tăng trong một phiên mạnh nhất lịch sử tính theo số tuyệt đối với 96.000 đồng.
Nói thêm về biên độ tăng tới 40% trong phiên khớp lệnh đầu tiên của VNZ. Theo Mục b, Khoản 2, Điều 18 về “Biên độ dao động giá và giới hạn dao động giá” trong quy chế Đăng ký và Quản lý giao dịch chứng khoán chưa niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam ban hành ngày 16/11/2022, biên độ dao động giá 40% với giá tham chiếu được áp dụng cho “ Ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới đăng ký giao dịch đến khi có giá tham chiếu được xác lập từ kết quả của phương thức khớp lệnh liên tục” .
Trước đó, suốt hơn 1 tháng kể từ khi chính thức lên sàn với mức giá 240 nghìn đồng/cổ phiếu, VNZ không xuất hiện bất kỳ giao dịch nào. Bên mua liên tục dồn lệnh nhưng không có bên bán.
Về diễn biến trong tuần qua, chỉ có đúng 3 phiên VNZ xuất hiện giao dịch với 100 cổ phiếu/phiên, với tổng giá trị giao dịch chỉ hơn 110 triệu đồng. Số lượng cổ phiếu sang tay mặc dù rất nhỏ giọt nhưng cũng đủ khiến VNZ kịch trần lên 444.300/cổ phiếu, tiến thẳng lên top 1 mã chứng khoán đắt đỏ nhất Việt Nam.
Cùng với giá trị vốn hóa tăng nhanh chóng, những cổ đông của công ty cũng được hưởng lợi lớn. Trong đó, ông Lê Hồng Minh là một trong những cổ đông lớn, đồng thời là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG (tên cũ là Vinagame) từ năm 2004.
Tại ngày 14/12/2022, ông Minh nắm giữ 6.382.582 cổ phần tương đương 17,81% vốn điều lệ. Trong đó, có 2.856.745 cổ phần đại diện sở hữu, tương đương 7,97% VĐL; số 3.525.837 cổ phần còn lại tương đương 9,84% VĐL là cổ phần cá nhân ông Minh sở hữu.
Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 tại Hà Nội, quê quán ở Đà Nẵng. Ông Minh từng theo học chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Monash ở Úc.
Người liên quan của ông Minh có sở hữu cổ phần VNZ là anh trai ruột, chỉ chiếm 0,13% vốn điều lệ.
Sau khi niêm yết trên sàn UPCoM, VNG thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Lê Hồng Minh sang ông Võ Sỹ Nhân.
Quyết định này được cho rằng để phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể "Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của 01 công ty đại chúng", trích Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Trong điều lệ của VNG cũng quy định nội dung tương tự.
Theo công bố thông tin của VNG hồi tháng 12/2022, ngoài vị trí Tổng Giám đốc VNG, ông Minh còn giữ những vị trí sau ở một số doanh nghiệp:
- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ dữ liệu CNTT Vina
- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dịch vụ mạng Vina
- Thành viên HĐQT tại Công ty CP công nghệ EPI
- Chủ tịch Công ty TNHH Verichains
- Giám đốc công ty VNG Singapore PTE. LTD; MLT Hong Kong Limited; VNG Investment PTE. LTD; Verichains SG PTE. LTD; Instantiapay Holdings PTE. LTD; Funding Asia Group PTE.LTD; Tiki Global PTE.LTD.