Gã bác sĩ nhổ răng miễn phí, tay lái xe xăm trổ, chủ tiệm bánh mì chưa kịp khai trương và "liều thuốc giảm đau" cho Hà Nội
Họ gặp nhau như định mệnh, ở tấm lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch khiến Hà Nội phải điêu đứng, để cùng chung tay "giảm đau" cho thủ đô.
1. Trong nhóm Facebook "Hà Nội - Giúp nhau mùa dịch", bác sĩ Hòa Nguyễn khiến không ít người phải "trố lồi mắt" với lời "quảng cáo" ngọt như mía lùi. Rằng Hà Nội những ngày giãn cách, ai gặp trường hợp cấp cứu về răng, như đau răng cấp tính, viêm tủy cấp, hoặc... gãy vì nghiến răng nhiều, vợ chồng đi ra vào không tránh kịp va răng vào nhau mà gãy... hãy gọi gã, sẽ có xe đến tận nhà đón đưa đến bệnh viện của gã để chữa miễn phí, rồi được xe chở về tận nhà.
Câu chuyện tưởng như đùa ấy, hóa ra lại là sự thật. Tuấn Anh - nhân vật sẽ được kể ngay dưới đây là một trường hợp như thế. Nhổ răng số 8, rút tủy răng số 7 để thoát khỏi những đêm trằn trọc vì đau răng, gã mãi vẫn chưa hiểu vì sao mình lại không "được" trả tiền. Vì ông bạn đồng niên chưa từng quen biết là viện trưởng viện nha khoa Hòa Nguyễn nói là làm, chứ còn sao nữa.
2. Tuấn Anh - năm nay đã đầu 4 đít tiểu học là thành viên của một nhóm lái xe mùa dịch này chuyên đưa đón miễn phí bệnh nhân xuất viện từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đi đến các điểm chốt xung quanh Hà Nội và ngược lại. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe miễn phí như thế cần mẫn đưa những bệnh nhân ngoại tỉnh về nhà và vào viện.
Tuấn Anh kể về chuyến xe đầu tiên mùa dịch của mình. Sau màn chào hỏi lúc mới lên xe, gã hỏi: "Chị ơi thế cháu nhà mình bị làm sao ạ?". "Ung thư máu anh ạ". Gã lặng người, miệng bỗng dưng đắng ngắt. Ừ nhỉ, bệnh nhân ngoại tỉnh về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị, chẳng phải toàn bệnh nặng sao. Quãng đường từ viện đến cầu Phù Đổng đột nhiên dài ra, đi trong câm lặng.
Phía trong cái vẻ bên ngoài xăm trổ nhằng nhịt, vẫn là một con tim nóng hổi, rung động trước những hoàn cảnh đáng thương. Hơn chục năm xuôi ngược dọc Việt Nam để làm không ít công tác thiện nguyện, tưởng chừng đã chai sạn trước mọi thứ, câu trả lời của người mẹ là hành khách đầu tiên của chuyến xe miễn phí mùa dịch này, gã vẫn phải len lén lau nước mắt.
Gã tâm sự với bác sĩ Hòa, rằng những việc tốt gã làm ngày hôm nay là để trả nợ đời, là để bù đắp cho những tháng ngày không phẳng lặng ngày còn thanh xuân. Và để tìm được cảm giác sống có ý nghĩa cùng những người bạn mà gã yêu quý.
3. Chuyến xe đầu tiên của hai nhân vật nhắc đến ở trên đi cùng nhau, họ ghé qua gặp một cô gái. Cô gái ấy là mẹ đơn thân, gửi con ở quê Yên Bái cho bà ngoại, nhờ chị dâu vay hộ ít tiền xuống Hà Nội đầu tư xe bánh mì để gây dựng thương hiệu. Chuẩn bị xong đâu đấy vào thứ Sáu, dự định thứ Hai mở hàng thì Chủ Nhật có lệnh cấm nên mọi thứ vẫn chưa bắt đầu.
Rốt cuộc, cô quyết định rằng mở hàng không cần phải thu được tiền về. Giờ cô lại muốn đơn bánh đầu tiên của mình sẽ làm, để nhờ anh bác sĩ mang đi ủng hộ những người khó khăn hơn mình. Anh bác sĩ của những chuyến xe, những ca làm răng cấp cứu miễn phí đã nói ở trên.
Trao cho hai gã vài chục cốc cà phê cùng vài chục chiếc bánh mì hoa cúc, bánh bao bột lúa mì đen còn nóng hổi, thơm lừng, cô giải thích cho quyết định chung tay giúp đỡ người dân Hà Nội khó khăn trong mùa giãn cách:
"Vì em tự lập từ nhỏ anh ạ. Sau đó em từ quê xuống Hà Nội đã mười năm nay. Em là mẹ đơn thân. Lúc bầu con em 8 tháng, em vẫn ngồi vỉa hè bán bánh giò. Em bị lừa cũng nhiều. Ngược lại, em được người khác giúp cũng nhiều, nên hơn ai hết em hiểu cảm giác khi mình khó khăn - cần sự giúp đỡ nhiều như thế nào anh ạ, dù chỉ là ít ỏi.
Em khó có con, nên khi có, dù em không thể mang lại cho con một gia đình đầy đủ, em vẫn lựa chọn làm mẹ đơn thân. Các cụ bảo: "Phúc đức tại mẫu". Em muốn mình sống tốt, san sẻ khó khăn với mọi người - trong khả năng của em, để sau này con gái sẽ gọi là có một chút ít công đức của mẹ nó anh ạ.
Nói thật em cũng khó khăn lắm, nhưng em nghĩ mình cho đi, sau đó mình sẽ lại nhận về. Cuộc sống cân đo đong đếm nhiều mệt lắm anh à. Vả lại em gặp được chủ nhà tốt lắm, bớt cho em mỗi tháng một triệu tiền thuê. Thôi thì nhiều người khó khăn hơn, coi như em chia sẻ một phần".
Chuyến xe ấy, điểm đến là Phúc Tân - phường đang phải cách ly vì 5 ca F0 trong cùng một gia đình. Trên xe không chỉ có cà phê và bánh của Liên Phùng - tên Facebook của cô gái ấy.
4. Sáng thứ Bảy, gã lái xe xăm trổ chằng chịt lao vào Phúc Tân để khảo sát những hoàn cảnh khó khăn, để thực hiện chương trình giúp đỡ những người dân nghèo Hà Nội gặp khó khăn trong mùa giãn cách - chương trình mà gã bác sĩ bỏ tiền, bỏ công ra làm để "thực hiện trách nhiệm với cộng đồng".
Trước đấy một ngày, họ đã cùng nhau đi phát hơn 1 tấn gạo, 650 kg bí xanh cùng gần 5 nghìn quả trứng gà cho những hộ gia đình khó khăn, và dự kiến sẽ đi phát thêm ở một vài quận nữa.
Giọng gã lái xe gấp gáp qua điện thoại: "Không ổn rồi ông ơi, có một hộ gồm 14 người lao động ngoại tỉnh thuê chung nhà. Đang phải cách ly tại nhà vì liên quan đến F0. Họ đang đói. 14 người. Cách ly ít nhất nửa tháng đấy. Liệu có làm gì được không nhỉ?".
"Ông về đây đi".
Trước khi gặp cô gái, hai gã kéo nhau... đi siêu thị. Chất đầy một xe thịt, rau, nước mắm, mì chính, bột canh, xà phòng... Quẳng lên xe thêm bao gạo 50 cân, ghé mua thêm vài thùng nước, rồi hối hả đi như ma làm.
Bốc thùng nước suối tặng các lực lượng chức năng đang trực chốt, cùng bánh và cà phê, hai gã hối hả theo chân cán bộ phường trực chỉ căn nhà đang có 14 người cách ly. Vần bao gạo, khiêng thùng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trước của nhà, họ đứng ra xa chờ những những trong nhà ra lấy. Nhắn với vài lời động viên chúc họ cách ly tốt, hai gã lại bươn bả đi tặng gạo, thực phẩm cho hai gia đình rất khó khăn trong phường. Rồi chở nước đến từng chốt.
Họ hẹn ngày mai sẽ chở 1 tấn gạo đến chia cho những hộ lao động ngoại tỉnh đang mắc kẹt tại đây. Rồi đến tối, gã bác sĩ nhận được cuộc điện thoại xin 1 tấn gạo cho 200 công nhân người dân tộc thiểu số mắc kẹt ở Chương Dương. Gã gật đầu.
"Hết tiền thì mình đi xin, ông ạ! Bệnh nhân của tôi nhiều lắm, lại quý tôi lắm. Yên tâm đi!", gã bác sĩ động viên gã lái xe.
Sáng nay, cô gái có chiếc xe bánh mì "chưa kịp khai trương đã phải đóng cửa" lại pha cà phê, sẽ lại tự tay mình nướng bánh để nhờ hai gã mang đi. Còn hai gã chắc hẳn vừa đi phát gạo, vừa phải bàn mưu tính kế để kiếm thêm tiền hòng " giảm đau " cho Hà Nội.
"Lúc tôi nhổ răng cho ông, tôi phải tiêm thuốc tê cho đỡ đau. Hà Nội cũng thế ông ạ. Hà Nội cần giảm đau, để có thể cùng cả nước trụ vững cho đến khi dịch dã đi qua. Phải giảm đau cho Hà Nội, ông ạ!".
Nếu ai đó ở Hà Nội mùa dịch này khó khăn trong việc di chuyển, nhất là từ bệnh viện, hãy gọi cho gã lái xe: Tuấn Anh - 0987616789.
Còn đau răng khẩn cấp, cần cấp cứu về răng, hãy gọi cho gã bác sĩ: Bác sĩ Hòa - Viện trưởng Viện công nghệ nha khoa Shibi - 0902869669.
Đều MIỄN PHÍ.
Hoặc muốn giúp đỡ trường hợp nào cực kỳ khó khăn trong mùa giãn cách - gọi cả hai.