Founder Vua Cua nhắn nhủ startup mì ramen Seichou Machi ở Shark Tank mùa 7: Tuổi trẻ máu lửa, tôi không sợ "chết" vì chưa biết từ này viết thế nào

31/07/2024 08:45 AM | Kinh doanh

"Nếu hỏi rằng tuổi trẻ có gì nhiều nhất, tôi sẽ trả lời ngay: không sợ "chết", vì chưa biết từ này viết thế nào. Nhớ lại thời còn máu lửa, các anh bạn tôi thường nhắc đến "nguồn lực", nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm nhiều. Giờ ngẫm lại, nếu quay về quá khứ chắc tôi vẫn sẽ phớt lờ, bởi vì chưa đi mưa chưa sợ ướt", chị Thư hồi tưởng lại sự nhiệt huyết tuổi trẻ thuở đầu khởi nghiệp.

Mới đây, Founder Vua Cua - chị Đoàn Thị Anh Thư đã chia sẻ trên trang cá nhân quan điểm về startup mì ramen Seichou Machi sau khi tập đầu tiên của Shark Tank được lên sóng. 

Founder Vua Cua nhắn nhủ startup mì ramen Seichou Machi ở Shark Tank mùa 7: Tuổi trẻ máu lửa, tôi không sợ "chết" vì chưa biết từ này viết thế nào- Ảnh 1.

Founder startup mì ramen Seichou Machi

Dựa trên những kinh nghiệm chị đã có từ Vua Cua, chị Thư bày tỏ sự ấn tượng với hai nhà sáng lập của Machi Ramen bởi sự nhiệt huyết và tự tin. Bởi chị đã nhìn thấy ở hai bạn hình ảnh của chính mình khi thuyết trình ở Shark Tank mùa 4.

"Nếu hỏi rằng tuổi trẻ có gì nhiều nhất, tôi sẽ trả lời ngay: không sợ "chết" vì chưa biết từ này viết thế nào. Nhớ lại thời còn máu lửa, các anh bạn tôi thường nhắc đến "nguồn lực", nhưng lúc đó tôi cũng không để tâm nhiều. Giờ ngẫm lại, nếu quay về quá khứ chắc tôi vẫn sẽ phớt lờ, bởi vì chưa đi mưa chưa sợ ướt", chị Thư hồi tưởng lại sự nhiệt huyết tuổi trẻ thuở đầu khởi nghiệp.

Cụ thể, chị Anh Thư đã nhận xét về startup mì ramen qua 3 tiêu chí.

1. Mô Hình Đầu Tư

Với kế hoạch gọi vốn 2,5 tỷ đồng để đầu tư cả nhà hàng và sản phẩm đóng gói, chị Thư cho rằng đây là điều không khả thi. Có hai cách để sản xuất sản phẩm đóng gói:

Đầu tư xưởng sản xuất: Với quy mô nhỏ, số tiền 2,5 tỷ đồng không đủ để đầu tư một xưởng sản xuất, đặc biệt khi phải đầu tư cả nhà hàng cùng thời điểm.

Chưa kể, đầu tư sản xuất là một mảng phức tạp, kể cả khi founder đã có kinh nghiệm làm ở một nhà máy tại Nhật nhiều năm.

Mỗi sản phẩm khác nhau thì quy trình sản xuất và máy móc đều khác. Trong đó, điểm phức tạp nhất đó là cân bằng giữa công suất sản xuất và khả năng tiêu thụ.

Gia công sản phẩm: Gia công sản phẩm trong nước sẽ gặp khó khăn lớn về giá thành. Dù sản phẩm có độc quyền, việc cạnh tranh với các sản phẩm gián tiếp khác là một rào cản lớn, nhất là trong giai đoạn suy thoái kinh tế khi túi tiền khách hàng bị thắt chặt.

Ở thị trường tại Việt Nam, việc bước ra ngoài để ăn một tô mì hay hủ tiếu (cạnh tranh trực tiếp/ gián tiếp) đều rất dễ, appfood lại có chi phí giao hàng rẻ. Chị Thư cho hay, vì thế ở Việt Nam, các sản phẩm ready-to-eat (đồ ăn sẵn) đông lạnh là một thị trường rất khó scale up (mở rộng quy mô).

2. Nguồn Lực

Ngoài tài chính, founder cần xem xét về nguồn lực con người và quỹ thời gian. Khi sản phẩm đã được làm ra, cần có người bán hàng dù là online hay offline.

Điều này bao gồm quản lý bán hàng, công nợ, thu tiền và vận hành giao nhận. Vận hành một nhà hàng cũng rất khác so với quản lý nhiều nhà hàng. Các khâu như bếp, vận hành, marketing, kế toán và quản lý kho đều phải được quản lý chặt chẽ.

3. Thị Trường và Định Vị

Mì ramen là món ăn rất nổi tiếng của Nhật Bản và có nhiều thương hiệu Nhật đã thành công tại Việt Nam nhờ vào vận hành tinh gọn. Thương hiệu Nhật nhưng giá chỉ khoảng 65.000 VND/tô được coi là rẻ đối với phân khúc khách hàng trẻ thích trải nghiệm.

Nếu sử dụng thương hiệu Việt Nam và bán mỗi tô mì với giá trên 100.000 VND, nhưng giá vốn chỉ chiếm 30%, thì có thể do vận hành quá cồng kềnh. Điều này làm cho sản phẩm khó cạnh tranh với các thương hiệu Nhật tại Việt Nam.

Mở một tiệm có thể thành công nhưng mở nhiều hơn một tiệm thì cần tính toán kỹ lưỡng mô hình bình dân hay cao cấp. F&B mùa suy thoái mà phân khúc giữa giữa, không cao cũng không thấp, rất dễ "tèo".

Từ những phân tích trên, founder Vua Cua đã khuyên startup mì ramen Seichou Machi nên tiếp tục kiên định với đam mê,nhưng cần cân nhắc lại mô hình kinh doanh và chiến lược vận hành. Nghiên cứu kỹ thị trường, tối ưu hóa nguồn lực và vận hành một cách hiệu quả sẽ giúp startup tiến xa hơn.

- Xác định thế mạnh bản thân và đội ngũ: Hiểu rõ khả năng và điểm mạnh của mình và đội ngũ để phát huy tối đa năng lực.

- Đánh giá nguồn lực: Xem xét kỹ lưỡng tài chính, con người, và quỹ thời gian để đảm bảo mọi nguồn lực được sử dụng hiệu quả.

- Quyết định mô hình kinh doanh: Từ phân tích trên, đưa ra quyết định rõ ràng về việc tập trung vào sản phẩm đóng gói hay mở rộng hệ thống nhà hàng. Mỗi mô hình đòi hỏi chiến lược và nguồn lực khác nhau, vì vậy cần lựa chọn cẩn thận để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, chị Thư còn gợi ý một thương hiệu khác có thể tham khảo, được ra mắt vào thời COVID-19 là Ramen Raijin. Meishou có thể tìm hiểu thương hiệu này để có lựa chọn phù hợp.

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM