Founder giảm giờ làm từ 100 xuống còn 35 giờ/tuần: Làm ít hơn nhân viên, công ty kiếm hàng chục triệu USD mỗi năm
Trước đây, tuy Barnaby Lashbrooke làm việc hơn 100 giờ/tuần nhưng việc kinh doanh của công ty lại không phát triển.
Barnaby Lashbrooke (40 tuổi) xây dựng công việc kinh doanh đầu tiên của mình năm 17 tuổi. Anh thành lập công ty lưu trữ trang web và nhanh chóng có hàng nghìn người dùng. “Đôi khi, tôi làm việc liên tục trong suốt 24, thậm chí là 36 giờ mà không ngủ. Điều này xảy ra ngay cả sau khi tôi đã thuê một nhóm nhỏ”, Lashbrooke cho biết.
Năm 2006, Lashbrooke bán công ty rồi ngay lập tức bắt đầu công ty tiếp theo mang tên Time và điều hành nó cho đến nay. Đây là công ty chuyên kết nối trợ lý ảo với các doanh nghiệp và cá nhân cần dịch vụ này.
Trong những năm đầu tiên điều hành Time, Lashbrooke vẫn duy trì thói quen làm việc cũ của mình. Anh thường làm việc tới 100 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Có thời điểm, Lashbrooke mệt mỏi đến nỗi không thể bước ra khỏi giường vào buổi sáng.
Mặc dù vậy, công việc kinh doanh của anh lại không phát triển. Và chỉ vài năm sau, Lashbrooke rơi vào trạng thái kiệt sức. Thời điểm đó, anh bắt đầu suy nghĩ lại về câu nói “Chỉ cần làm việc chăm chỉ, mọi thứ đều có thể xảy ra” mà anh tâm đắc. “Tôi xem xét lại điều đó và tự hỏi nếu nó không đúng thì sao?”, Lashbrooke kể lại.
Lashbrooke quyết định bắt đầu một cuộc thử nghiệm. Thay vì làm việc nhiều như trước, anh cắt giảm đáng kể thời gian cho công việc. Hầu hết các nhân viên của anh khi đó làm việc khoảng 37 giờ mỗi tuần.
Vì vậy, Lashbrooke giới hạn số giờ làm việc của mình xuống còn 35 giờ/tuần. Và điều đáng mừng là khi sức khỏe tinh thần của Lashbrooke được cải thiện, doanh thu của công ty đã tăng từ 1 triệu USD mỗi năm vào năm 2011 lên hơn 12 triệu USD mỗi năm ở thời điểm hiện tại.
Lashbrooke sau đó viết một cuốn sách về thành công này vào năm 2019 để chia sẻ cách anh vừa cắt giảm thời gian làm việc vừa giúp doanh nghiệp của mình phát triển một cách đáng kể.
Khi xem xét cách làm việc mới, Lashbrooke nhận ra rằng không có giới hạn về số giờ làm việc có nghĩa là “không có gì quá khẩn cấp”. Trước đó, anh làm việc nhiều đến mức không cần phải chọn lọc bất cứ điều gì.
Tuy nhiên, khi giới hạn số giờ làm việc mỗi tuần, đột nhiên anh phải trở nên rất chọn lọc về việc mình sẽ dành thời gian để thực hiện. “Tôi phải ưu tiên những việc có thể giúp phát triển hoạt động kinh doanh của công ty”, Lashbrooke cho biết.
Sự thay đổi trên thực sự là một thách thức đối với Lashbrooke. Cách xử lý của anh là sử dụng một bảng thông tin được chia làm bốn phần để đánh giá mức độ ưu tiên. Trong đó, mỗi phần thể hiện một mức độ khẩn cấp khác nhau.
Việc điền đầy đủ thông tin vào đây giúp Lashbrooke biết được những hoạt động nào trong danh sách việc cần làm thực sự là chìa khóa để giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và những hoạt động nào mình có thể giao cho cấp dưới.
“Đối với tôi, điều khó nhất làm quen với việc có những thứ mà tôi đã gắn bó từ lâu nhưng lại không phải điều quan trọng”, Lashbrooke chia sẻ.
Một chiến thuật hữu ích khác mà Lashbrooke sử dụng là lên danh sách việc cần làm. “Tôi dùng Google Calendar như danh sách việc cần làm của mình. Nó giúp bạn gắn thời gian vào các công việc, điều mà tôi nghĩ là rất quan trọng trong việc cố gắng giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ”, Lashbrooke cho biết.
Sử dụng Google Calendar cũng “cho phép bạn lập kế hoạch cho một số loại công việc nhất định vào thời điểm bạn ở trong trạng thái tốt nhất để thực hiện chúng”, anh nói thêm. Ví dụ: Lashbrooke thích lên lịch các cuộc họp vào buổi sáng vì đó là lúc anh tràn đầy năng lượng nhất và thích tương tác với mọi người và dành thời gian tập trung cho các hoạt động sáng tạo vào buổi chiều.
Nguồn: CNBC