Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’

23/08/2023 09:14 AM | Sống

Đang có tất cả từ tiền bạc, danh vọng đến sự nghiệp lẫy lừng… nhờ Eva de Eva mang lại, bỗng dưng Founder Dung Tô ‘buông’. Chị ở ẩn 2 năm và bất ngờ xuất hiện trở lại với một câu chuyện hoàn toàn mới.

Tốt nghiệp Đại học, sau 10 năm “tự lực cánh sinh”, làm đủ vị trí từ nhỏ đến lớn, kinh qua nhiều vị trí quản lý tại Heineken, Tiger và Thuốc lá 555, Dung Tô bỗng rẽ ngang sang kinh doanh thời trang. Suy nghĩ đơn giản những ngày đầu đã khiến thương hiệu của chị có những bước tiến “thần tốc”, đưa từ 1 cửa hàng trên phố Tràng Thi đến con số 30-40 cửa hàng chỉ sau vài năm sau đó.

Con đường trải đầy hoa hồng nhưng cũng lắm những mũi gai. Bước vào ngành với vốn kiến thức không quá chuyên sâu, chị từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành và quản trị, sau 9 năm thương hiệu ở đỉnh cao, bỗng rơi vào cảnh “điêu đứng” vì một chút tham vọng. Nhưng sau đó, chị vẫn vực dậy được, “cứu” doanh nghiệp từ khoản lỗ 80 tỷ trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận hơn 20 tỷ giữa những năm Covid.

Vực dậy được “đứa con tinh thần” ở bên lề cửa tử, doanh nghiệp trở lại đà phát triển, chị Dung Tô bỗng “buông tay”, bán thương hiệu mình gây dựng cho người khác. Bẵng đi một thời gian, chị quay trở lại với một vai trò mới - một “giáo viên” đi dạy nhưng không đặt mục tiêu kiếm tiền cho việc này.

Khác với hình dung của tôi khi đọc những thông tin về người phụ nữ đứng sau thương hiệu thời trang đình đám, trước kia, chị để một mái tóc ngắn, luôn mặc đồ màu đen, vẻ ngoài lãnh đạm, mạnh mẽ. Nhưng lần này gặp chị, tôi thấy ở chị hình ảnh người phụ nữ cá tính, khác hoàn toàn so với những gì tôi trông thấy 2 năm trước. Một câu hỏi đặt ra trong đầu tôi, chuyện gì đã xảy ra sau khi Dung Tô bán thương hiệu của mình, để tạo nên sự thay đổi lớn này trong 2 năm?

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 1.

Vượt qua sóng gió, vực dậy được đứa con tinh thần sau khủng hoảng, nhưng 2 năm trước, chị lại buông tay Eva de Eva khiến ai nấy đều bất ngờ. Điều gì khiến chị lại đưa ra quyết định này?

Nếm trải đủ vất vả khi làm kinh doanh, tôi thầm nghĩ, chẳng lẽ, cuộc đời mình cứ luôn vất vả như vậy ư? Còn đâu thời gian dành cho mình, cho gia đình và con cái nữa? Sau những biến cố đã trải qua, tôi cảm thấy mệt mỏi và nghĩ rằng là có lẽ đây là điểm dừng của mình. Tôi quyết định dừng lại, không còn ham muốn cho về tiền bạc và danh vọng nữa.

Trước kia, tôi cứ mải mê làm việc, công việc cứ thế cuốn tôi theo. Tôi từng làm việc với cường độ kinh khủng, từ 8h sáng đến 12h đêm không nghỉ ngoài giờ ăn. Tôi làm liên tục như vậy nhiều năm trời. Làm thời trang rất bận, ngược lại làm ra kết quả kinh doanh tốt, tôi lại càng ham hơn. Lúc mới lập Eva là tôi ham tiền, còn khi làm rồi thì tôi ham việc, không nghĩ gì đến tiền nữa.

Và cuộc đời bất chợt cho tôi một cú “tát” làm tôi bừng tỉnh. Nếu công việc kinh doanh cứ thăng hoa như 10 năm đầu, còn lâu tôi mới hiểu được điều mình thật sự muốn là gì. Chỉ khi có một cú ngã, tôi mới ngộ ra giá trị thật trong cuộc sống của mình, thứ mình cần vốn chỉ là một cuộc sống rất đỗi bình thường. Nếu tôi chưa vấp ngã, có lẽ bây giờ tôi vẫn đang còn chạy theo danh vọng, tiền bạc. Thời điểm ấy, tôi quyết định từ bỏ tất cả là vì thế!

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 2.

Khi từ bỏ, giao “đứa con tinh thần” của mình vào tay người khác, lúc ấy, chị đã nghĩ gì?

Hãy thử tưởng tượng mình có một “đứa con”, mình giành tâm huyết, hy sinh rất nhiều thứ cho nó nhưng lại rơi vào tay người khác, mà bản thân mình còn không biết người mới này sẽ “chăm sóc” đứa con của mình ra sao. Cảm giác lúc ấy đau như vậy… Nhưng lúc ấy, tôi chọn điều quan trọng nhất với mình. Mỗi sự lựa chọn đều có cái giá của nó và mình phải chấp nhận. Đặt lên bàn cân để lựa chọn, mình và con cái mình hay đứa con tinh thần này, đau xót lắm!

Trước đó, tôi chưa có ý định hoàn toàn rời bỏ Eva, khi gặp nhà đầu tư mới, tôi nghĩ mình rất may mắn khi gặp được đúng người đánh giá cao thương hiệu của mình. Tôi xem như có thêm nhà đầu tư, không coi dứt bỏ “đứa con của mình” mặc dù trên hợp đồng đã bán 100% cổ phần. Trong quá trình làm việc, tôi thấy tầm nhìn, mục tiêu kinh doanh của họ không giống với tôi. Nếu tôi và họ cứ làm cùng nhau như vậy, sẽ chẳng đi đến đâu được cả, tôi quyết định rời đi.

Rời đi như vậy, chị có chút tiếc nuối nào không?

Một trong những ưu điểm của tôi là khi một việc, một con người nào đó dù mình đã từng tin tưởng, quý mến thế nào nhưng họ không như những gì mình nghĩ, tôi sẽ rời bỏ một cách lạnh lùng, không một chút vương vấn.

Nghĩ về quá khứ thì tôi cũng cảm thấy xót nhưng tiếc thì không. Ngay cả khi tôi quyết định từ bỏ, nhân viên của tôi còn không nghĩ là tôi có thể ra đi một cách lạnh lùng như thế. Thậm chí, tôi bỏ theo dõi Eva từ facebook đến các trang web. Mọi người đã tưởng tượng nhiều “khung cảnh” tôi sẽ buông tay Eva de Eva thế nào nhưng không ai nghĩ tôi có thể rời đi một cách dứt khoát, lạnh lùng như vậy.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 3.

Quyết định buông bỏ “đứa con tinh thần” của mình năm xưa đã ảnh hưởng đến chị như thế nào?

Với tôi, quyết định năm ấy, là cơ duyên, là bài học. Bài học lớn nhất tôi nhận được là biết mình muốn gì. Trước đây, tôi cũng chỉ nghĩ là mình muốn tiền, mình muốn rất giàu, phải rất nhiều tiền. Sinh ra trong gia đình nghèo, cuộc sống của tôi rất vất vả. Tôi tự lập từ năm mình học cấp 3. Hồi đó, đã có những lúc tôi áp lực, vất vả đến mức nếu cứ sống như vậy, mình có tương lai hay không? Đã có lần, tôi phải lang thang ngoài đường, không biết đi đâu, về đâu. Tôi có những tổn thương trong tuổi thơ của mình mà đến giờ vẫn chưa thể chữa lành. Từ năm cấp 3 đến khi học Đại học, tôi cũng tự mình bươn chải, làm đủ thứ việc để kiếm sống, có tiền đóng học.

Tuổi thơ thiệt thòi hơn so với bạn bè trang lứa và tôi không muốn các con của mình sẽ giống như mình. Tôi muốn mình phải có cuộc sống vật chất đầy đủ con cái mình sung sướng như người khác, không thể vất vả và thiệt thòi như mình được. Mục tiêu cuộc sống lúc ấy của tôi là phải rất giàu. Nhưng khi đạt được, tôi lại không cảm thấy hạnh phúc.

Ngày trước, một tháng tôi có thể kiếm được vài tỷ cho đến hàng chục tỷ nhưng tôi không có thời gian để tiêu tiền. Tôi ăn mặc rất đơn giản thậm chí là ngồi trên một đống quần áo, tôi có thích quần áo nữa đâu. Tôi nhận ra giàu có không phải mục đích cuộc sống của mình, nó chỉ là phương tiện thôi. Điều mình cần là sự bình yên, sự trải nghiệm. Bây giờ đơn giản là lên phố chơi cùng con, thấy con mình cười là tôi thấy hạnh phúc rồi.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 4.

Cuộc sống của chị sau khi buông bỏ Eva, lui về “ở ẩn” có sự thay đổi như thế nào?

Tôi có được 2 năm hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Tôi được làm những điều mình thích, đi chơi golf, tu tập, thiền, đi du lịch với bạn bè… Thời gian này, tôi cũng tu tập và được tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống. 2 năm này, tôi có được sự bình yên mà mình muốn. Lúc ấy, tôi đã ước là từ bây giờ cho đến hết cuộc đời, tôi được sống như 2 năm hạnh phúc ấy. Nhưng nghĩ lại, cuộc sống mình mà cứ ăn chơi như thế thôi thì vô nghĩa quá, mình cần phải làm việc gì có giá trị mà không quá vất vả.

Tôi thấy đây mới đúng là cuộc sống mình thích chứ không phải cuộc sống giống trước đây. Cuộc sống trước đây, thành công, danh vọng, tiền bạc, vật chất, tôi có đủ nhưng không làm cho tôi hạnh phúc. Sau này, sống một cuộc sống bình thường của một người bình thường, làm những gì mình thích, tôi cảm thấy rất vui với nó.

Dường như, bản thân chị cũng thay đổi rất nhiều so với trước kia?

Thời gian ở ẩn 2 năm đã làm tôi thay đổi hoàn toàn. Bây giờ nhiều người nói rằng tôi trẻ hơn so với tôi của cách đây 10 năm, từ ngoại hình cho đến tính cách bên trong. Mọi người đều bảo tôi khác hoàn toàn so với trước đây nhưng tôi nghĩ mình không thay đổi mà chỉ tìm lại chính mình trước kia. Áp lực cuộc sống, công việc tạo cho tôi một chiếc mặt nạ, lâu dần, lớp này chồng lên lớp khác, nó biến tôi trở thành một con người khác. Nhưng mọi sự thay đổi đều đến rất tự nhiên.

Tôi theo học một khóa thiền là để chữa lành. mình Trước kia, tôi không biết mình bị trầm cảm, nhưng sau khi học, tôi phát hiện ra mình bị trầm cảm 15 năm. Đó là lý do trước đây tôi luôn cảm thấy mình không hạnh phúc. Trải qua khóa thiền ấy, tôi đã tự chữa lành tự quan sát mình để không bị cái gì cuốn đi cả.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 5.

“Cái được” lớn nhất khi chị quyết định buông bỏ vật chất, tiền bạc, danh vọng trước kia là gì, thưa chị?

Sau khi buông bỏ danh vọng, gỡ bỏ cái áo doanh nhân xuống, tôi nhận được sự bình an, hạnh phúc. Đây cũng là thứ tôi đánh mất trong suốt nhiều năm về trước. Nhưng khi tôi đánh mất mọi thứ thì tôi lại tìm được hạnh phúc của bản thân mình.

Bây giờ tôi mới thấy được là mình. Trước đây, tôi nghĩ mình giàu nhưng bây giờ mới thật sự giàu này. Bởi người giàu là người có thời gian, không phải người giàu là người có tiền đâu (cười). Tôi thấy khi mình đánh mất đi nhiều thứ, tôi lại có được sự giàu có đến từ tâm hồn, còn tiền bạc thì vẫn đủ tiêu thôi. Cái được nhất là giàu có về tinh thần.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 6.

Chị có nhắc đến “cú tát”, “cú ngã đau” khiến chị thay đổi hoàn toàn. Liệu đó có phải là khó khăn của chị vào năm 2017, trong quá trình tái định vị thương hiệu, tham vọng mở 100 cửa hàng, chẳng ngờ khiến công ty đứng trên bờ vực phá sản?

Đúng vậy. Tôi tự làm nó khó khăn lên đấy (cười). Sau 10 năm đạt được những thành công nhất định, tôi lại có những ham muốn lớn hơn. Lúc ấy, tôi tái định vị thương hiệu, thay vì chỉ tập trung vào các khách hàng công sở thì tôi muốn thương hiệu của mình có thể phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, như cách mà tôi làm cách đây 10 năm.

Nhưng 10 năm sau đã khác, việc dùng cảm tính để xây thương hiệu của mình lớn hơn mà không dựa dựa vào các phân tích, nhận định dẫn đến hàng loạt các chiến lược kinh doanh của tôi thất bại. Bài học xương máu mà tôi rút ra và cũng là một bài học cho các thương hiệu thời trang là: Ý định bán 1 sản phẩm cho nhiều người sẽ có nhiều rủi ro khi mình không có nhiều kinh nghiệm. Thay vì bán 1 sản phẩm cho nhiều người thì phải bán được nhiều sản phẩm cho 1 người.

Thời gian này, những khó khăn mà chị phải nếm trải là gì?

Sau cú ngã ấy, Eva đã rơi vào tình trạng thua lỗ nặng, lợi nhuận không còn nữa và có khả năng là tôi phải đóng cửa công ty, tuyên bố phá sản. Lúc ấy, quỹ đầu tư cũng xin rút lui vì khoản lỗ nặng. Tôi đã nhiều lần muốn từ bỏ nhưng nghĩ lại “bây giờ mình từ bỏ thì mấy trăm nhân viên, các đại lý đồng hành với mình bao nhiêu năm, họ sẽ ra sao?”. Lúc này, nếu mình từ bỏ thì mình hèn quá. Bằng mọi giá, mọi cách, tôi phải nỗ lực đứng lên bằng được.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 7.

Chị vực dậy sau những khủng hoảng đó ra sao, thưa chị?

Lúc này, tôi đi một con đường bài bản, không theo cảm tính của mình nữa. Tôi kết hợp với những chuyên gia hàng đầu về kinh doanh thời trang, họ có tư vấn tôi làm lại chiến lược sản phẩm, chiến lược thương hiệu. Sự kết hợp của cả hai đưa ra những quyết định đúng, tôi đã vực lại được công ty.

Khi giải quyết khủng hoảng này, tôi chỉ nghĩ, bây giờ mình tập trung vào hai thứ, sản phẩm và khách hàng, những việc khác gạt hết sang một bên. Sản phẩm và khách hàng đã giúp mình phát triển đến tầm này thì bây giờ thứ cứu mình cũng chính là sản phẩm và khách hàng. Tôi dành toàn bộ tâm trí và tâm lực của mình cho sản phẩm và khách hàng của mình. Sau khi vực dậy, tôi cũng mua lại toàn bộ cổ phần công ty.

Giờ đây ngẫm lại, cú ngã này, đúng là đau thật, nhưng nó lại là một “món quà” với tôi…

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 8.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 9.

Điều gì khiến chị coi cú ngã khiến mình điêu đứng, doanh nghiệp đứng kề cận “cửa tử” lại chính là một “món quà”?

Cú ngã năm xưa đã nhắc nhở tôi cần đi một con đường mới, thực hiện sứ mệnh mới, đó là đi chia sẻ kiến thức cho các bạn trẻ kinh doanh thời trang. Và cũng chính cú đau này cho tôi thêm kinh nghiệm, bài học. Đã có lúc tôi từng nghĩ, tại sao mình cũng sống tốt như người khác nhưng mình lại luôn gặp trắc trở, khó khăn như vậy? Tình cờ đi chia sẻ trong một workshop, có một bạn khán giả ngồi dưới đã nói với tôi: Thường những người có sứ mệnh truyền cảm hứng thì họ phải trải qua nhiều khó khăn hơn người bình thường thì họ mới có trải nghiệm để chia sẻ và truyền cảm hứng được.

Tôi thấy đúng là vậy, tôi bị thôi thúc đi dạy, như một sứ mệnh vậy. Thời gian tôi nghỉ, có nhiều bạn trẻ tự tìm đến tôi hỏi kinh nghiệm. Khi các bạn đặt câu hỏi, tôi thấy các bạn giống mình ngày xưa quá. Tôi có sự đồng cảm vì trước kia, tôi cũng mong có người giúp tôi trả lời câu hỏi đó nhưng không tìm được ai. Thế nên 2 năm nghỉ ngơi, tôi bắt đầu đi dạy nghiêm túc.

Việc đi dạy, trở thành người dẫn đường cho các founder trẻ sau 2 năm “gap year”, đem lại cho chị những trải nghiệm mới như thế nào?

Là doanh nhân khi rút lui khỏi chiến trường, tôi mới có cơ hội chia sẻ những điều này. Những bí mật về kinh doanh thời trang nếu trước kia vẫn làm kinh doanh, tôi sẽ không nói ra đâu (cười). Thậm chí, có những cây đa cây đề trong ngành thời trang lại cắp sách đi học nghiêm túc, ghi chép rất đầy đủ làm tôi cực kỳ bất ngờ. Đứng trên bục giảng, tôi nhìn xuống và thấy mọi người nghe rất tập trung, tôi cảm thấy rất vui. Tôi càng hạnh phúc hơn khi họ áp dụng những kiến thức ấy để công việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn. Tôi tự nhiên cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 10.

Chị cảm thấy như thế nào với vai trò mới này của mình?

Tôi vẫn sống với đam mê thời trang của mình nhưng ở một vị hình thái khác, vị trí tinh thần khác. Khi đi dạy, tôi cảm thấy mình đang mang lại giá trị cho những người xung quanh. Còn trước đây làm thời trang, tôi chỉ đơn thuần là làm giàu, tích lũy tài sản cho bản thân.

Khi chọn đúng đường, tôi làm mọi thứ rất thuận lợi và “enjoy” với điều đó. Thời gian đầu làm kinh doanh, tôi cũng rất thuận lợi, nhưng sau đó, sự thuận lợi kéo theo sự bận rộn, càng làm, càng mệt, càng stress. Nhưng đi dạy lại khác, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, lúc này tôi thấy mình lựa chọn đúng rồi.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 11.

Tôi vẫn thật tò mò, Dung Tô của 15 năm trước, bước ra một lĩnh vực không mấy liên quan sẽ có một khởi đầu đặc biệt ra sao?

Tôi bắt đầu với một suy nghĩ rất “ngây thơ”. Tôi chọn thời trang xuất phát từ nhu cầu có trang phục đẹp, phù hợp để đi làm của một dân công sở. Tôi chỉ nghĩ mình có nhu cầu thì những người làm công sở khác cũng có mong muốn tương tự như vậy. Hồi ấy, các thương hiệu thời trang công sở ở Việt Nam rất ít nên tôi làm một thương hiệu đáp ứng đúng cái “thiếu” đó.

Viên gạch đầu tiên của tôi là một cửa hàng ở số 69, phố Tràng Thi, rộng 100m2 như một “phát súng đầu tiên” để mọi người biết đến thương hiệu của mình. Cửa hàng đầu tiên của một thương hiệu non trẻ, mới thành lập lại rộng gần 100m2 nên nhiều người đoán già đoán non “liệu cửa hàng này bao giờ thì sập?”. Và thật may là nó không sập (cười).

Chỉ sau vài năm, chị làm cách nào để đưa từ 1 cửa hàng lên 30 – 40 cửa hàng chỉ trong vài năm sau đó và đạt đến con số 50 cửa hàng vào năm 2020?

Sản phẩm của tôi khi ra mắt ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Việc mở bao nhiêu cửa hàng chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của tôi. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ, trước kia mình đi làm thuê 50 triệu đồng/tháng, bây giờ có được một cửa hàng của riêng mình mang về lợi nhuận 100 triệu/tháng để không phải đi làm thuê là được rồi.

Tôi cũng không có ước vọng gì cao sang, may mắn là đáp ứng được đúng nhu cầu của thị trường nên thương hiệu tự do phát triển ngoài dự tính ban đầu. Khi mở cửa hàng đầu tiên, tôi thấy khách hàng ở khu vực xa hơn phải đến đây để mua hàng nên tôi sẽ mở thêm một cửa hàng để họ không phải đi xa. Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, không nằm trong kế hoạch của tôi lúc đầu.

Đó là sự may mắn của tôi. Lúc ấy, tôi không có kiến thức, kinh nghiệm gì nhiều nên tôi chỉ làm đúng những gì mình nghĩ. Và thật may, những điều tôi nghĩ, “cái liều” của tôi lại đúng với thị trường.

Founder Dung Tô của Eva de Eva: Dứt áo ra đi, lạnh lùng rời công ty sau khi bán 100% cổ phần vì ‘quá đau’, bất ngờ với vị trí mới sau 2 năm ‘ở ẩn’ - Ảnh 12.

Và chìa khóa của việc tăng trưởng “thần tốc” chính là sản phẩm, thưa chị?

Đúng vậy. Một sản phẩm thật sự tốt sẽ không có giới hạn nào cho sự phát triển. Lúc ấy, các đại lý ở các tỉnh cũng tự tìm đến tôi, tôi cũng không mất tiền đầu tư để tìm kiếm. Làm ra được sản phẩm đáp ứng đúng được các yêu cầu của khách hàng thì sự phát triển diễn ra rất nhanh. Khi bạn có một bản kế hoạch kinh doanh hoành tráng, có vốn đầu tư rất lớn nhưng sản phẩm không đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng thì tiền bạc, công sức của bạn coi như “đổ xuống sông, xuống biển”.

Với những kinh nghiệm lèo lái thương hiệu phát triển thăng hoa, “cứu” thương hiệu của mình khi đứng bên bờ “cửa tử”, cùng với vai trò mới - một cô giáo như bây giờ, chị dành lời khuyên gì cho các bạn founder trẻ nếu muốn dấn thân vào thị trường thời trang?

Trước khi ra làm chủ, các bạn nên dành cho mình 2-3 năm là ít nhất để đi làm thuê các công ty thời trang. Những thứ mà bạn học được ở trường đời không có trường lớp nào dạy được cả. Từ kinh nghiệm của tôi, trước khi bạn quyết định “làm chủ” thì hãy suy nghĩ đến việc mình muốn gì. Nếu bạn muốn có cuộc sống bình yên, vui vẻ thì đừng bao giờ chọn làm chủ. Hạnh phúc và thành công không đi đôi với nhau, bạn có thành công thì sẽ không được hạnh phúc và ngược lại.

Kinh doanh thời trang cực kỳ khó, vất vả. Ngoài cần kiến thức, quy trình, kinh nghiệm như các ngành khác, còn tồn tại một áp lực là yếu tố sáng tạo. Trong thời trang luôn cần sự mới mẻ, một ngày bạn không nghĩ ra một yếu tố sáng tạo, mới mẻ nào, thì đây là điểm dừng của bạn. Sự mới mẻ ấy đòi hỏi người làm thời trang không ngừng tư duy, sử dụng chất xám của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

PV Minh Nguyệt- Thiết kế: Hà Mĩ

Từ khóa:  eva de eva , dung tô
Cùng chuyên mục
XEM