Financial Times: SoftBank là ‘cá voi trên Nasdaq’
Financial Times: SoftBank là ‘cá voi trên Nasdaq’
SoftBank chính là “cá voi trên Nasdaq” mua hàng tỷ USD hợp đồng phái sinh cổ phiếu Mỹ khiến lĩnh vực công nghệ tăng nóng trước khi bị bán tháo trong phiên 3 và 4/9, Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết.
Các nguồn tin nói tập đoàn của Nhật Bản này mua lượng lớn quyền chọn mua cổ phiếu công nghệ, khiến khối lượng hợp đồng giao dịch lên cao chưa từng có. Một nhà ngân hàng mô tả đây là sự cá cược “nguy hiểm”.
Theo Wall Street Journal, tài liệu gửi cơ quan quản lý cho thấy SoftBank mua gần 4 tỷ USD cổ phiếu Amazon, Microsoft, Netflix và Tesla. Tờ báo dẫn một nguồn tin nói SoftBank cũng dành khoảng 4 tỷ USD để mua quyền chọn mua liên quan đến các cổ phiếu đang nắm giữ. Sau đó, SoftBank có thể chốt lời từ xu hướng tăng giá.
Sự gia tăng khối lượng mua quyền chọn mua – hợp đồng cho phép người sở hữu có quyền mua cổ phiếu với mức giá ấn định trước trong tương lai – thúc đẩy hơn nữa đà tăng của nhiều cổ phiếu công nghệ lớn. Tính riêng tháng 8, giá cổ phiếu Tesla tăng 74%, cổ phiếu Apple tăng 21%, cổ phiếu Alphabet – công ty mẹ của Google – tăng 10% và cổ phiếu Amazon tăng 9%.
Một người hiểu các giao dịch của SoftBank nói tập đoàn “vơ vét” quyền chọn với quy mô lớn đến mức một số người nội bộ cũng lo ngại. “Họ cảm thấy lúng túng vì chưa chuẩn bị cho tình huống này. Nhưng xu hướng vẫn tiếp tục. Con cá voi còn đói”.
SoftBank từ chối bình luận.
Chủ tịch kiêm CEO SoftBank Masayoshi Son. Ảnh: Reuters. |
Động thái trên của SoftBank trên thị trường quyền chọn đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược của tập đoàn này. SoftBank vài năm gần đây đặt cược vào các startup công nghệ thông qua quỹ Vision Fund 100 tỷ USD. Sau khi những khoản đặt cược này chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, SoftBank thiết lập một đơn vị quản lý tài sản phụ trách các khoản đầu tư sử dụng vốn do nhà sáng lập Masayoshi Son đóng góp.
Trong phiên 4/9, Nasdaq có thời điểm giảm 10% từ đỉnh – một đợt điều chỉnh theo định nghĩa thông thường. Sự bùng nổ quyền chọn đồng nghĩa thị trường chứng khoán Mỹ vẫn dễ tổn thương với những đợt biến động mạnh hơn nữa, theo Charlie McElligott, chiến lược gia tại Nomura. “Phố Wall vẫn trong tình thế hiểm nghèo”.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tại Mỹ bắt đầu bị bán tháo từ phiên 3/9. Nasdaq lần lượt mất 4,96% và 1,27% trong hai phiên 3 và 4/9, hai phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.