F0 tại Hà Nội tăng cao: Những đối tượng nào dễ bị nặng, nguy kịch?
Theo các BS điều trị bệnh nhân COVID tại bệnh viện ở Hà Nội, đa số F0 bị nặng là người trên 80-90 tuổi, không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền.
Giảm bệnh nhân chuyển nặng
Trong nhưng ngày gần đây, số ca F0 tại Hà Nội liên tục tăng cao. Vào ngày 10/12, số ca tại Hà Nội đã lên tới con số 863 ca, ngày 9/12 là 704 ca. Các ngày trước đó số ca bệnh tại Hà Nội cũng luôn duy trì ở mức cao từ 500-700ca/ngày.
Khi số lượng F0 tăng lên từng ngày đã trở thành áp lực không hề nhỏ đối với đội ngũ nhân viên y tế. BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay: "Đội ngũ bác sĩ trong bệnh viện đã phải tăng cương thời gian, công năng làm việc. Với tình hình phức tạp của dịch bệnh, tất cả các bác sĩ ở các chuyên ngành buộc phải đào tạo lại, cập nhật kiến thức để vừa tham gia điều trị các bệnh nhân thông thường, vừa chống dịch".
Để thích ứng với việc vừa điều trị cho bệnh nhân F0 vừa phải duy trì khám chữa bệnh thường xuyên, bệnh viện Thanh Nhàn đã phải phân chia thành 3 vòng: Vòng 1 là vòng lõi: Là nơi trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19; Vòng 2 vòng bên ngoài vòng lõi sẽ có một bác sĩ trưởng khoa phụ trách từng khu vực một; Vòng ngoài, bệnh viện có một tiểu ban điều trị kết nói online qua zalo, giao ban trực tuyến để hội chẩn cho bệnh nhân.
Theo bác bác sĩ Hường hiện tại bệnh viện đang điều trị 36 bệnh nhân nặng cần thở oxy, trong đó có 8 bệnh nhân phải thở máy. Đa số ca bệnh nặng là trên 80-90 tuổi, không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền.
Bệnh nhân nặng chủ yếu ở người cao tuổi - Ảnh minh hoạ.
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, đến sáng 10/12, bệnh viện đang điều trị 158 F0, có 21 bệnh nhân Covid-19 nặng.
Cụ thể, trong số 21 F0 nặng, có 7 trường hợp phải thở máy, lọc máu. Tỷ lệ tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 với F0 nặng khoảng 70%. Đa số F0 nặng, nguy kịch là những người trên 90 tuổi, có người 100 tuổi.
Tính từ ngày 8/5 đến nay, bệnh viện đã điều trị khỏi cho hơn 1.200 bệnh nhân.
Bệnh viện cũng có sự chuẩn bị để nhằm giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng, tỷ vong. Cụ thể, về nhân lực tham gia điều trị có 300 người, trong đó hơn 100 y bác sĩ được đào tạo về hồi sức để hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng ở tầng 3.
"Bệnh viện có 3 xe cấp cứu và đã chuẩn bị nguồn oxy đủ cho mấy trăm bệnh nhân. Chúng tôi có 20 chục khối oxy lỏng, 17.000m3 khí. Ngoài ra, máy thở, trang thiết bị kèm theo và thuốc men cũng được đảm bảo", TS. Thường cho biết.
28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.760 F0
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính trong năm 2021, toàn thành phố ghi nhận 16.857 ca bệnh, trong đó có 6431 ca cộng đồng và 10.425 ca đã được cách ly.
Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 10/11 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 12.778 ca mắc (trung bình 206,55 ca/ngày), trong đó 4809 ngoài cộng đồng (39,46%), 5897 tại khu cách ly (48,38%), 2044 tại khu phong tỏa (16,77%), 28 ca nhập cảnh (0,21%).
Toàn thành phố giám sát 25.190 người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, phát hiện 355 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Về công tác điều trị, các bệnh viện của trung ương, Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị, trạm y tế lưu động đang tiếp nhận và điều trị cho 7.651 trường hợp F0.
Trong đó, 02 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cho 233 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1.760 bệnh nhân. Trong ngày có thêm Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận điều trị F0 với 10 bệnh nhân.
Hà Nội: Tăng cường phòng chống biến chủng mới Omicron
"Chê" bác sĩ trẻ khám bệnh, người phụ nữ lập tức đi tìm bệnh viện khác và cái kết bất ngờ
Cơ sở thu dung điều trị thành phố tiếp nhận điều trị cho 3.897 người, trong đó cơ sở ký túc xá Phenikaa (493), cơ sở điều trị Đền Lừ III (865), cơ sở điều trị Thượng Thanh (759), cơ sở điều trị Pháp Vân - Tứ Hiệp (1.780). Các trạm y tế của các quận, huyện điều trị cho 1761 người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Kết quả tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi, trong ngày toàn thành phố thực hiện được 15.929 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng này là 12.388.995 mũi.
Kết quả tiêm vắc xin cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày thực hiện được 1558 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 291.464 mũi/302.788 trẻ đạt 96,26%.
Kết quả tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-14 tuổi, trong ngày thực hiện được 6772 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 342.497 mũi/391.465 trẻ, đạt tỷ lệ 87,49%.
Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0 và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.