F0 bị ung thư: "Cuộc chiến kép" của những bệnh nhân cận kề cửa tử

21/09/2021 09:07 AM | Xã hội

Bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong rất lớn. Người bệnh thường kèm theo các biến chứng tràn dịch phổi, tim, bụng...

Mong muốn vượt qua cửa tử

Bà Sương, 54 tuổi, phát hiện mắc Covid-19 qua xét nghiệm định kỳ khi đang chuẩn bị hóa trị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức. Bà phải ngưng đợt hóa trị, cách ly điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức số 1.

Khi nhập viện, bà khá mệt, phải thở oxy, bụng to phải hút dịch ổ bụng nhiều lần, kèm điều trị giảm đau. Chiều 18/9, sau khi hút khoảng 2 lít dịch trong ổ bụng, bà Sương cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đỡ đau đớn.

"Điều trị ung thư gần ba năm nay, lúc nhận chẩn đoán mắc Covid-19 tôi rất lo lắng, sợ mình không đủ sức vượt qua", bà Sương nhớ lại. Khi mới vào viện, mỗi ngày nghe tin người này người kia không qua khỏi, bà càng hoang mang. Nhờ sự trấn an, động viên của các y bác sĩ, bà mới dần vững tâm, giữ tinh thần thoải mái để chiến đấu với bệnh.

 F0 bị ung thư: Cuộc chiến kép của những bệnh nhân cận kề cửa tử - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 tại BV Thủ Đức.

Đã tiêm một mũi vaccine ngừa Covid-19 do Khoa Ung bướu tổ chức hồi giữa tháng 8, bà hồi phục khá thuận lợi, âm tính sau hơn một tuần điều trị. "Tôi chỉ mong sớm ổn để trở lại tiếp tục hóa trị, lúc trước đã từng gián đoạn do giãn cách ngại đến bệnh viện", bà Sương chia sẻ.

Bà Sương là một trong số hơn 50 F0 ung thư tại Khoa điều trị Ung bướu, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1 (chung cư Bình Minh, trực thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức). Chung cư Bình Minh được chuyển công năng thành nơi điều trị Covid-19 quy mô 1.500 giường (trong đó khoảng 100 giường hồi sức) hồi cuối tháng 8.

Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên tại TP HCM có khoa điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 trong bối cảnh lượng bệnh nhân này gia tăng.

Ở phòng bệnh bên cạnh, bà Hà, 65 tuổi, cũng đang chống chọi với những cơn đau do bệnh Covid-19 trên cơ địa ung thư cổ tử cung. Bà trải qua gần hai tuần thở máy, đang được bác sĩ dùng những biện pháp điều trị tích cực nhất với mong muốn bà có thể may mắn vượt qua cửa tử.

Tín hiệu tích cực

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ (Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức kiêm Trưởng khoa Điều trị bệnh nhân Ung bướu, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1) cho biết trong số các F0 ung thư, rất nhiều người đã là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Theo bác sĩ Vũ, điều dễ nhận thấy với các bệnh nhân này là bệnh diễn tiến nhanh và nặng với tỷ lệ tử vong tại đây lên đến 25-30%, gấp 10-12 lần so với tỷ lệ trung bình của Việt Nam (2,5%) và thế giới (2,1%). Theo y văn thế giới thì bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có tỷ lệ tử vong khoảng 30-40%. Do đó, chăm sóc F0 ung thư đòi hỏi phải theo dõi sát để can thiệp kịp thời.

"Tín hiệu tích cực là khoảng hai ngày nay bệnh nhân nhập viện giảm, số nặng cũng ít. 5 ngày nay, chỉ có một trường hợp bệnh nhân ung thư mắc Covid tử vong", theo bác sĩ Vũ. Lúc mới thành lập, hầu như mỗi ngày đều có bệnh nhân tử vong hoặc nguy kịch, hơn một nửa bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp.

 F0 bị ung thư: Cuộc chiến kép của những bệnh nhân cận kề cửa tử - Ảnh 2.

Nhân viên y tế làm việc tại BV.

Điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 cơ bản vẫn theo phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế gồm hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông. Bác sĩ cũng điều trị các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, đặc biệt là giảm đau. Ung thư khi di căn qua xương, não, gan... thường gây đau rất nhiều, cần phải chú ý giảm đau đúng mức. Nếu không giảm đau, bệnh nhân sẽ mệt và suy kiệt hơn.

"Điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư cũng phải khéo léo do phần lớn dựa trên thuốc giảm đau morphine, không chú ý có thể gây suy hô hấp nặng hơn", bác sĩ Vũ phân tích. Nhóm F0 ung thư cũng có thể gặp các biến chứng kèm theo do bệnh như tràn dịch trong bụng, phổi, tim... nên phải phát hiện và rút dịch giải áp, nếu không bệnh nhân cũng dễ mệt và suy hô hấp.

Trong thời gian mắc Covid-19, bệnh nhân sẽ tạm hoãn các điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật... và sẽ tiếp tục sau khi hồi phục hoàn toàn.

Theo bác sĩ Vũ, các bệnh nhân giai đoạn cuối đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi chuyện đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ như pha sữa, đút ăn, uống, thay ga, thay tã, kể cả những chuyện hậu cần như thay bình oxy, đổ rác...

"Bên cạnh những bệnh nhân hồi phục xuất viện, điều buồn nhất là có những bệnh nhân chẳng may qua đời, y bác sĩ phải tự tay thay quần áo, chuẩn bị tươm tất cho người quá cố trước chuyển về nhà tang lễ bệnh viện", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Bác sĩ Vũ cho rằng dự phòng tốt nhất hiện nay là vaccine. Thực tế tại khoa cho thấy những bệnh nhân đã chích ngừa, dù một mũi, có diễn tiến thuận lợi và hồi phục nhanh chóng sau khi mắc Covid-19. Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức vẫn đang tiêm cho bệnh nhân nội và ngoại trú, với khoảng hơn 100 người đã được chích ngừa.

N. ANH

Cùng chuyên mục
XEM