EVN là doanh nghiệp nhà nước duy nhất được WB hỗ trợ vay vốn không cần bảo lãnh chính phủ
Trong bối cảnh tăng trưởng điện của Việt Nam lên tới 11-12% mỗi năm, EVN sẽ gặp phải khó khăn trong việc mở rộng đầu tư bởi theo yêu cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước phải tự huy động vốn và không còn bảo lãnh.
Tại họp báo được tổ chức vào ngày 23/3 tại trụ sở Ngân hàng Thế giới ( WB ) tại Hà Nội, bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc WB đã khẳng định Nhóm các tổ chức Ngân hàng thế giới có thể hợp tác với các cơ quan ở cấp địa phương mà không cần có sự bảo lãnh của chính phủ.
"Chúng tôi có nhiều loại bảo lãnh khác nhau và đối với trường hợp của EVN là bảo lãnh rủi ro 1 phần giúp tăng độ tín nhiệm của công ty", bà Georgieva cho biết.
Cụ thể, bà Georgieva cho biết WB sẽ giúp EVN xác định đâu là mức xếp hạng tín dụng mở nếu công ty này đi ra thị trường. Trên cơ sở đó, WB sẽ giúp EVN nâng cao vị thế của mình để huy động vốn. Nếu thấy cần thiết, WB sẽ hỗ trợ tăng cường xếp hạng tín dụng thông qua công cụ bảo lãnh rủi ro một phần hoặc một số công cụ khác.
Trước đó, trong chuyến khảo sát dự án thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa), bà Georgieva đã nói rằng WB đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho EVN trong điều kiện Chính phủ không còn bảo lãnh vay vốn.
"Chúng tôi có nhiều cơ hội hợp tác với EVN khi công ty này cải thiện vị thế tài chính của mình", bà Georgieva nói tại buổi họp báo.
Được hỏi liệu còn có doanh nghiệp nào khác ngoài EVN mà WB nhận thấy cần hỗ trợ hay không, đại diện WB cho biết: "Chúng tôi nhận thấy hiện tại vẫn còn quá sớm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước khác".
Ngoài hỗ trợ tài chính, WB sẽ hợp tác với EVN để tăng cường nguồn năng lượng tái tạo mới, cụ thể là năng lượng ánh sáng mặt trời.
"WB sẽ hợp tác với EVN để tăng cường những nguồn năng lược tái tạo mới. VN rất dồi dào ánh sáng măt trời, chúng tôi hợp tác với EVN để phát triển nguồn năng lượng mặt trời".
Theo Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chiếm tới 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên gây ra, trong đó Việt Nam là một trong số những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng. Do đó, việc thay đổi cách sử dụng năng lượng chuyển từ nhiệt điện sang điện tái tạo là một hướng đi cần được quan tâm.
Bà Georgieva cũng rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5 – 6,7% của Việt Nam trong bối cảnh tăng trưởng thế giới suy thoái. Bên cạnh đó, bà cũng gợi ý chính phủ Việt Nam cần phải xây dựng nền móng để tạo ra những động lực tăng trưởng mới bên cạnh những động lực hiện tại như xuất khẩu, lao động giá rẻ không thể tồn tại mãi.