EQ thấp không phải "cái tội", nhưng để EQ thấp trở thành nguyên nhân thất bại thì thật không đáng: EQ cao cũng là một dạng trí tuệ, nâng cấp ngay trước khi quá muộn

30/12/2019 08:10 AM | Sống

Có thể đứng từ góc độ của bạn, bạn thấy việc đó là sai. Nhưng đứng từ góc độ người khác, họ lại nghĩ là đúng. Thế nên, thay vì cố chấp "giảng đạo lý" với người khác, chi bằng im lặng tự "nâng tầm" bản thân.

Tôi đã từng nghe một câu nói thế này:

"Nỗ lực không hiệu quả nhất trên thế giới, chính là cố gắng hết sức muốn thay đổi một người cố chấp."

Thỉnh thoảng, bạn khuyên được vài người, họ nghe theo bạn, và bạn cảm thấy bản thân có khả năng thuyết phục người khác. Nhưng có một số người, bạn càng khuyên họ, họ càng phản cảm. Lúc này, nếu không chịu ngừng lại, càng dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người.

EQ thấp không phải cái tội, nhưng để EQ thấp trở thành nguyên nhân thất bại thì thật không đáng: EQ cao cũng là một dạng trí tuệ, nâng cấp ngay trước khi quá muộn - Ảnh 1.

1. Kiên trì thay đổi một người "cố chấp", là biểu hiện của EQ thấp

Hôm qua, một độc giả vừa gửi thư về cho tôi với câu hỏi: "Tôi bị đuổi việc chỉ vì tư vấn quá nhiệt tình cho khách hàng, rốt cuộc là tôi sai hay lãnh đạo sai?"

Lúc mới nhận được bức thư, tôi cũng khá ngạc nhiên. Nếu chỉ vì tư vấn nhiệt tình cho khách hàng, thì thông thường lãnh đạo sẽ biểu dương nhân viên, chứ sao lại đuổi việc?

Nhưng sau khi đọc xong bức thư, thì tôi đã hiểu rõ mọi nguyên do. Nội dung bức thư là thế này:

"... Khách hàng của tôi là một cặp vợ chồng mới cưới, họ muốn mua một căn hộ chung cư ở thành phố Hồ Chí Minh. Công ty của tôi làm về bất động sản, nên yêu cầu thế này tôi đã gặp rất nhiều.

Tôi dẫn hai người họ đến xem thử hai căn hộ mới nhất, phù hợp với nhu cầu của họ. Cả hai căn hộ này đều được xây dựng và sắp xếp nội thất theo phong cách châu Âu nên hai người họ đều rất thích.

Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định cuối cùng, giữa hai người họ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Người chồng thì muốn mua căn hộ A hơn, bởi vừa túi tiền của cả hai. Nhưng người vợ thì lại muốn mua căn hộ B hơn, bởi vì căn hộ đó có view đẹp.

Sau đó, hai người đã hỏi ý kiến tôi.

Tôi nghĩ hai người họ còn trẻ, mới cưới nhau, lại chưa dành dụm được nhiều tiền, nghe họ bảo cả hai đều là trẻ mồ côi, hai bàn tay trắng đi đến ngày hôm nay, cũng không dễ dàng gì. Hơn nữa, nghe hoàn cảnh thì không phải người khá giả, giàu có, lại không có họ hàng, người thân giúp đỡ. Thế nên, tôi thực lòng khuyên họ nên mua căn hộ A, bớt thêm được một khoản chi tiêu. Đợi sau này có tiền lại đổi sau cũng được.

Nhưng người vợ nghe vậy lại không vui, cô ấy chẳng thèm nói thêm câu nào nữa. Người chồng thấy vậy mới nhờ tôi khuyên giúp.

Tôi cũng nhiệt tình giúp đỡ, phân tích mặt lợi, mặt hại cho cô ấy nghe. Ai biết đâu, cô ấy đột nhiên bỏ về. Hôm sau, lãnh đạo lại gọi tôi nói hai vị khách kia không muốn mua nhà nữa, còn bảo là do không thích nhân viên của công ty.

Cũng vì hai người họ, mà tôi bị đuổi việc. Tôi thấy chẳng cam lòng chút nào..."

Nếu bạn đã làm việc bên những ngành thuộc mảng chăm sóc, tư vấn khách hàng, vậy có đôi khi "quá nhiệt tình" lại là một bất lợi lớn đối với bạn.

Bạn chắc chắn sẽ gặp phải những tình huống khó xử thế này trong quá trình làm việc. Bạn có thể dốc hết sức tư vấn, thể hiện hết sự chuyên nghiệp của mình, nhưng không nên lúc nào cũng khăng khăng ý kiến của mình là đúng. Bởi vì có vài khách hàng, dù họ hỏi ý kiến bạn, nhưng họ vẫn thích làm theo ý mình hơn.

Trong những trường hợp thế này, bạn cần phải tinh ý, thuyết phục không được, vậy hãy ngừng lại ngay, chuyển sang phân tích tất cả mặt lợi, mặt hại của những mặt hàng họ quan tâm, sau đó để họ tự quyết định rằng sẽ chọn cái nào. "Tùy theo sở thích, điều kiện từng người mà có lựa chọn khác nhau, nên anh/ chị tự mình lựa chọn mới có kết quả hợp ý nhất được."

Cho dù bạn có ý tốt đi nữa, kiên trì khuyên bảo những người "cố chấp" như vậy, cũng chỉ mang thiệt thòi về mình.

Làm những ngành này là phải "khéo", khéo về cả cách ăn nói lẫn cách quan sát.

EQ thấp không phải cái tội, nhưng để EQ thấp trở thành nguyên nhân thất bại thì thật không đáng: EQ cao cũng là một dạng trí tuệ, nâng cấp ngay trước khi quá muộn - Ảnh 2.

2. Người có EQ càng cao, càng "ít nói"

Con người trên đời này, thường có một "tật xấu", thường "tin" những gì tai nghe, và "làm" theo những gì tim mách bảo.

Chị A nói với chị B rằng chị C nói xấu chị B. Thế là từ hôm đó về sau, chị B làm "mặt lạnh", không còn giao tiếp với chị C nữa.

Hay một câu chuyện cụ thể khác:

Trong công ty tôi thực tập lúc trước, có rất nhiều "hội chị em". Có một nhóm "hội chị em" chỉ gồm 3 người. Một hôm, Linh nói với Ngọc rằng thấy bạn trai cô ấy đang đi chơi với người khác. Mai nghe vậy cũng vào tham gia, bảo Ngọc mau bỏ người kia đi. Rồi những hôm sau, ngày nào Mai cũng nhắn tin, gọi điện, khuyên Ngọc nên bỏ bạn trai đi cho khỏe.

Kết quả, Ngọc không bỏ bạn trai, mà bỏ nhóm, không nói chuyện với hai người kia nữa.

Ngọc không muốn giao tiếp với Linh nữa bởi vì biết được cô ấy nói dối, nhưng cô ấy lại không muốn làm bạn với Mai nữa bởi vì nhận ra Mai là người ba phải, thích chạy theo số đông. Nghe ai nói gì cũng làm theo, rồi còn cố chấp khuyên người khác cho bằng được.

Những chuyện như vậy, không chỉ có ở trong công ty, mà trong cuộc sống cũng thường gặp rất nhiều.

Có thể đứng từ góc độ của bạn, bạn thấy việc đó là sai. Nhưng đứng từ góc độ người khác, họ lại nghĩ là đúng. Lúc này, nếu bạn càng khuyên, chỉ càng "phản tác dụng", khiến họ chán ghét bạn nhiều hơn.

Trước khi ra trường, tôi từng có quan điểm, chỉ cần là người có IQ cao, thành công chỉ là chuyện sớm muộn. Nhưng đi làm nhiều năm như vậy, tôi rút ra được một bài học: IQ dù cao, nhưng EQ thấp cũng chỉ trở thành vật cản, khiến con đường bạn đi thêm trắc trở.

Thay vì cố chấp "giảng đạo lý" với người khác, chi bằng im lặng tự "nâng tầm" bản thân. Không phải lúc nào nói nhiều cũng là tốt. Hãy học cách im lặng quan sát và hành động.

Cuộc sống là "thiên biến vạn hóa", và bạn cũng phải "tùy cơ ứng biến" trong mọi tình huống. Người thông minh là người biết "nhận thua cuộc", EQ cao cũng là một dạng trí tuệ.

Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM