Tôi ép con học có gì là sai?

20/04/2022 20:34 PM | Sống

Câu hỏi tự vấn đến nay bản thân tôi vẫn chưa có lời giải đáp.

Nhà tôi hiện có một cháu đang học lớp 6. Mọi vấn đề liên quan đến điểm số, khả năng tiếp thu của con, đi học thêm luôn là mối quan tâm hàng đầu trong gia đình. Tôi luôn có tâm lý "ép" con ngồi vào bàn học để đạt được điểm cao, cảm thấy áp lực khi giảng mãi con không hiểu bài và thua kém bạn bè trên lớp và con cái đồng nghiệp, người thân.

Tôi ép con học có gì là sai? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Rất nhiều buổi tối, hai mẹ con ngồi đánh vật với nhau. Con cũng có vẻ căng thẳng khi không làm được bài. Mẹ thì thất vọng vì ‘bài dễ thế mà giảng mãi không hiểu’. Thêm vào việc, thấy các bạn trong lớp của con "có thành tích tốt, thi các cuộc thi lớn nhỏ trong trường" cũng khiến tôi sốt ruột. Tôi cũng tìm các lớp học thêm cho con, săn lùng các tài liệu trên mạng để con làm tham khảo vào thứ Bẩy, Chủ nhật. Gần như cháu không còn có thời gian để đi chơi hoặc nghỉ ngơi trong suốt quá trình 10 năm đi học.

Tôi thường bảo với con, học để tốt cho tương lai, không có con đường nào tốt bằng đường đi học. Và quả thật thế hệ của tôi (8x) đúng là như vậy. Chúng tôi suy nghĩ, cánh cổng trường đại học là con đường duy nhất bước vào đời. Bản thân tôi, từ bé đến lớn, đều nỗ lực trong học tập, được đào tạo ở trường chính quy, học trường chuyên lớp chọn.

Về cuộc sống ở thì tương lai, sự đào thải dành cho những người không có trình độ hoặc bằng cấp có lẽ sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với thế hệ chúng tôi. Cơ hội việc làm sẽ không dễ dàng do những yêu cầu về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn. Rô bốt sẽ thay thế con người ở một số lĩnh vực. Các công nghệ như AI sẽ làm cuộc sống con người biến đổi. Nếu không cố gắng, nỗ lực từ nhỏ…liệu con tôi có chỗ đứng nào trong xã hội nữa không?

Nhưng…tôi lại nghĩ, hiện tại tôi cũng chỉ đi làm công ăn lương bình thường, công việc không xuất chúng. Thu nhập hạng trung bình thậm chí còn gọi là thấp so nhu cầu. Chỉ so sánh ngay trong dòng họ bên nội và ngoại, tôi thậm chí còn là người học cao nhất với hai bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ – tốt nghiệp ở một trong những trường Đại học danh giá nhất Việt Nam nhưng thu nhập lại kém xa anh chị em họ của mình, hầu hết đều học ở trường trung cấp và cao đẳng, theo đuổi các công việc nghề. Giờ đây, họ đều có cơ ngơi và thu nhập, thậm chí địa vị khá vững chắc.

Tất nhiên, nói về lý do để đạt được thành công như bây giờ của mọi người thì có nhiều yếu tố. Nhưng nếu nói chỉ riêng vấn đề học vị, học vấn, rõ ràng tôi cũng nhận thấy, không phải cứ bước chân ra từ cổng trường đại học hoặc có học vị cao là có thu nhập tốt và thành công trong cuộc sống.

"Học giỏi" sẽ "tốt cho tương lai của con" và "cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ"?

Bản thân là một người mẹ, cho đến nay tôi vẫn chưa thật sự giải đáp được câu hỏi này. Vì vậy, tôi vẫn đang có xu hướng "ép" con học thật tốt để có kết quả giỏi. Và thật sự, có một chút thành tựu mỗi lần con đạt được thành tích cao trong học tập. Việc "khoe" thành tích đó trên mạng xã hội là thói quen không thể thiếu đối với tôi trong suốt hành trình học tập của con.

Có đôi khi, kết quả học tập của con không được như ý, do căng thẳng và thất vọng, tôi cũng đã nặng lời với cháu.

Con nhà tôi ngày càng có xu hướng ít nói. Gần như cả tuần cháu học trên lớp và học thêm, tối học cùng mẹ, không có quan hệ bạn bè thân thiết nào. Những thú vui như âm nhạc hay đá bóng cũng bị dẹp bỏ do có quá nhiều bài vở phải làm. Bản thân con cũng rất ít chia sẻ các suy nghĩ với bố mẹ.

Nhưng để mạo hiểm "thả" con tự học, học được đến đâu thì học, điểm số không quan trọng thì quả thật tôi chưa thật sự sẵn sàng.

Tôi vẫn rất lo, nếu như con bị "tụt hậu" về mặt kiến thức trường lớp, không đủ năng lực thi đỗ các cấp, thì tương lai của con sẽ rất vô định. Việc sẵn sàng cho con đi học nghề mà con yêu thích hiện cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của tôi. Vì rõ ràng, là bác sĩ, kĩ sư vẫn hay hơn là một "đầu bếp", một thợ lành nghề.

Bản thân trường lớp và các bạn cùng trang lứa của cháu cũng đang có một cuộc sống giống như cháu. Việc tách biệt hoặc sống khác có khiến cháu trở nên "lạc loài"?

Sống khác có nghĩa là bỏ qua áp lực bài vở, đi học sẽ đúng theo năng lực của bản thân và có thời gian dành cho những sở thích cá nhân, coi bố mẹ như bạn bè sẵn sàng chia sẻ mọi điều.

Hay đó chính là hình dạng của "một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ". Ở tuổi các con, sẽ là thời gian được đi chơi, trò chuyện với bạn bè, được theo đuổi những sở thích mình mong muốn. Và trước ngưỡng cửa của cuộc đời, các con có quyền được lựa chọn ngành nghề - không nhất thiết vào phải vào trường đại học. Và vì không bị quá áp lực học tâp, các con sẽ có cuộc sống thoải mái hơn, gần gũi với bố mẹ hơn, sẽ tìm đến bố mẹ như là điểm tựa mỗi khi cần một lời khuyên nhủ về định hướng cuộc đời trong tương lai.


An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM