img

"Nguyễn Thị Ánh Viên tạo ra cơn địa chấn ở SEA Games" là cách báo chí nước ngoài nói về cô kình ngư 21 tuổi cùng với màn trình diễn tuyệt vời tại SEA Games 29-2017 diễn ra ở Malaysia, nơi Ánh Viên giành 8 HCV đồng thời phá 3 kỷ lục đại hội.

Nữ kình ngư Việt Nam đã có màn trình diễn tuyệt vời tại SEA Games 29-2017 tại Malaysia

Trước đó, vào năm 2015, khi SEA Games 28 được tổ chức ở Singapore, Ánh Viên được báo chí đảo quốc sư tử và truyền thông khu vực thán phục gọi bằng biệt danh "Iron Girl" khi cô giành tổng cộng 8 HCV đồng thời phá 8 kỷ lục đại hội. Lẽ ra Ánh Viên đã được trao tặng danh hiệu "VĐV xuất sắc nhất" đại hội nếu không kém VĐV chủ nhà Joseph Isaac Schooling đúng 1 HCV, cho dù 3/9 ngôi vô địch của nam kình ngư nổi tiếng nhất Đông Nam Á đến từ các nội dung tiếp sức.

Thống kê chi tiết, qua 4 kỳ SEA Games từ năm 2011 đến 2017, Ánh Viên giành 19 HCV, 7 HCB, 2 HCĐ và phá 11 kỷ lục đại hội. Thêm 6 HCV, 2 HCB vừa giành được tại SEA Games 30, nữ kình ngư Việt Nam chính thức vượt qua huyền thoại Ang Peng Siong - người sở hữu 20 tấm HCV SEA Games, từng nắm giữ vị trí số 1 thế giới cự ly 50 m nam và một thời gian dài là HLV trưởng đội tuyển bơi Singapore – để góp mặt trong danh sách 5 tay bơi hay nhất trong lịch sử SEA Games mà đứng đầu là siêu kình ngư Joscelin Yeo (40 HCV, 12 HCB và 3 HCĐ), cũng là người Singapore.

Tại SEA Games 30, nữ kình ngư Việt Nam chính thức vượt qua huyền thoại Ang Peng Siong - người sở hữu 20 tấm HCV SEA Games

[eMagazine] Nguyễn Thị Ánh Viên: Bóng tối và ánh sáng đường đua xanh - Ảnh 4.

Ánh Viên và em trai Quang Tuấn. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Để vươn lên đến vị trí này, Ánh Viên đã phải trải qua một chặng đường dài đầy ắp chông gai. Cô xa nhà từ năm lên 12 tuổi, hàng năm trời ròng rã tập luyện ở Mỹ với mục tiêu trở thành cánh chim đầu đàn của bơi lội cũng như của cả nền thể thao Việt Nam. Tỏa sáng rực rỡ nhất tại SEA Games 28, giành hàng loạt thành tích đáng chú ý tại các giải đấu quốc tế trong đó có World Cup 2015, cô được bình chọn vào Top 5 nữ VĐV bơi xuất sắc nhất châu Á trong năm. Đoạt vé tham dự Olympic Rio 2016 nhưng Ánh Viên phải ra về trắng tay.

Cô trở lại chói lòa trong ánh hào quang tại SEA Games 29 nhưng rồi chỉ một năm sau, cô thất bại tại ASIAD và gần nhất là không đạt được thành tích khả quan nào, kể cả chuẩn A tham dự Olympic tại Giải Vô địch thế giới 2019. Cô vắng bóng trên bục nhận huy chương nhiều giải đấu liên tiếp và đành "làm mới" cảm xúc bằng tấm HCĐ Đại hội Thể thao quân sự thế giới 2019 trước ngày lên đường sang SEA Games 30 với gánh nặng chỉ tiêu huy chương.

[eMagazine] Nguyễn Thị Ánh Viên: Bóng tối và ánh sáng đường đua xanh - Ảnh 5.

Tại World Cup 2015, Ánh Viên được bình chọn vào Top 5 nữ VĐV bơi xuất sắc nhất châu Á trong năm. Đoạt vé tham dự Olympic Rio 2016

Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh, trong một lần trao đổi với báo chí về Ánh Viên, cho biết ông thấy buồn và xót xa khi Ánh Viên nhận HCV nhưng vẫn khóc vì "rất buồn khi không đạt kết quả tốt" tại SEA Games 30. Nghe cô khẳng định luôn cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất, ông Minh cho rằng những gì Ánh Viên phải chịu đựng là quá nhiều, quá khủng khiếp từ thuở bé cho đến khi đã 23, 24 tuổi như hiện tại. Phong độ của Ánh Viên không còn như xưa, không vượt qua đỉnh cao ở tất cả nội dung thi đấu khi thành tích thấp hơn thời SEA Games 2015.

Ảnh Internet

Vấn đề là phải tìm ra hướng đi đúng đắn cho các VĐV ưu tú, không nhất thiết phải tham gia thi đấu nhiều nội dung như Ánh Viên trải qua ở ba kỳ SEA Games gần nhất, luôn từ 8-12 nội dung kèm theo chỉ tiêu cũng rất khủng khiếp. Không lãnh đạo nào của Đoàn thể thao Việt Nam xác nhận giao chỉ tiêu giành 8 HCV tại SEA Games 30 cho Ánh Viên nhưng cũng không người có trách nhiệm nào lên tiếng yêu cầu cô thi đấu ít nội dung hơn! Bởi suy cho cùng, thành tích của Ánh Viên có một phần ảnh hưởng đến kết quả và thứ hạng của cả đoàn.

[eMagazine] Nguyễn Thị Ánh Viên: Bóng tối và ánh sáng đường đua xanh - Ảnh 7.

Cùng với Nguyễn Huy Hoàng, Ánh Viên được xác định là mục tiêu đầu tư của TTVN để có thể đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo 2020. Muốn một VĐV ưu tú như Ánh Viên phát huy được thế mạnh ở tầm châu lục và thế giới, phải giải phóng cho họ khỏi mọi áp lực chỉ tiêu thành tích ở đấu trường cấp thấp cỡ SEA Games.

Một khi quan điểm về thành tích SEA Games đã trở thành lối mòn, chưa đổi thay được nơi đội ngũ các nhà quản lý thể thao, thì việc một kình ngư xuất sắc cỡ Ánh Viên chỉ biết luẩn quẩn ở ao làng, không ra nổi biển lớn cũng không phải chuyện lạ.


Đào Tùng
Anh Thanh

Ảnh: Đào Tùng - Quang Liêm

Người lao động