Elon Musk chính thức đưa ‘siêu nhân’ ra ngoài đời thực: Người cấy chip não đầu tiên đã có thể di chuyển chuột máy tính bằng ý nghĩ
Thông tin bệnh nhân được cấy chip não đầu tiên có thể di chuyển chuột máy tính thông qua ý nghĩ khiến nhiều người liên tưởng tới nhân vật Giáo sư X Charles Xavier trong phim bom tấn X-men.
Tờ Reuters đưa tin, người đầu tiên được cấy chip não từ Công ty Neuralink của Elon Musk có tiến triển tốt, dường như đã hồi phục hoàn toàn với các phản ứng thần kinh quen thuộc. Người này đã có thể di chuyển chuột máy tính quanh màn hình chỉ bằng cách suy nghĩ.
Cụ thể, trên mạng xã hội X ngày 20/2, tỷ phú Elon Musk đưa ra thông báo: "Không có ảnh hưởng xấu nào mà chúng tôi biết. Bệnh nhân có thể di chuyển chuột quanh màn hình chỉ bằng cách suy nghĩ".
Tháng trước, Neuralink cấy thành công chip não vào người tham gia thử nghiệm đầu tiên, sau khi được cơ quan chức năng cấp phép. Công ty gọi đây là khởi đầu quan trọng cho tương lai, khi công nghệ được ứng dụng để giúp đỡ nhiều người hơn.
Tỉ phú Elon Musk có tham vọng lớn hơn đối với Neuralink, hướng công ty đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật đưa các thiết bị chip vào người, nhằm điều trị các tình trạng như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Ngoài khả năng trị bệnh, mục tiêu cuối cùng của ông Musk là đảm bảo con người không bị trí tuệ nhân tạo (AI) lấn át về mặt trí tuệ. Ông Musk lập luận rằng việc đồng bộ trí óc với máy móc là rất quan trọng nếu con người muốn tránh bị AI vượt mặt. Các chuyên gia và học giả vẫn thận trọng với tầm nhìn của Elon Musk về sự kết hợp cộng sinh giữa trí óc con người và siêu máy tính.
Công ty Neuralink được định giá khoảng 5 tỉ USD vào năm ngoái, và đã nhiều lần đối mặt với những lời kêu gọi xem xét kỹ các quy trình an toàn.
Tháng trước, Hãng tin Reuters đưa tin Neuralink bị phạt vì vi phạm các quy định của Bộ Giao thông vận tải Mỹ, liên quan đến việc vận chuyển các vật liệu nguy hiểm.
Trước khi thử nghiệm trên người, Neuralink đã cấy ghép não cho khoảng 23 con khỉ từ năm 2017 đến 2020. Chúng có thể chơi trò chơi điện tử đơn giản sau khi được cấy ghép não, nhưng có 15 con khỉ trong số này đã chết.
Được biết, Musk cũng nhắc đến một ứng dụng khác của việc cấy chip não là mang lại thị lực cho người khiếm thị và đặt tên cho nó là BlindSight. Ông cho biết thiết bị cấy ghép có thể "truyền tầm nhìn trực tiếp tới não bằng cách kích thích các phần thị giác của vỏ não, tạo ra hình ảnh về thế giới trước mắt bệnh nhân".
Tuy nhiên, chuyên gia bảo mật máy tính Roger Grimes lưu ý công nghệ của Musk có thể bị hacker tấn công. "Lịch sử đã chỉ ra hầu hết, nếu không phải tất cả, thiết bị y tế cấy ghép cũng như chip trước đây đều có thể bị hack", Grimes nói với The Sun. "Không có lý do gì chip của Neuralink sẽ tránh được".
Ông cho rằng điều bí mật nhất đến giờ là tội phạm mạng chưa biết chip của Neuralink đang sử dụng hệ điều hành nào, thông số kỹ thuật ra sao, có thể cập nhật hay không. Nó chưa bị hack với điều kiện sử dụng phần mềm không phổ biến hoặc có khả năng chống chịu sự tấn công. "Các vụ hack thiết bị y tế trước đây cho thấy tin tặc có thể thao túng các hoạt động theo cách ác ý, gây tổn hại đến tính mạng của người đeo", Grimes nhấn mạnh. "Tùy thuộc mục đích sử dụng chip não, hậu quả có thể gây chết người".
Đáng nói, dù được kỳ vọng thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng như thần giao cách cảm hay cộng sinh với AI, công nghệ chip não của Neuralink không thực sự được người Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Theo cuộc thăm dò từ công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov, chỉ 8% số người được hỏi sẽ cân nhắc đưa chip vào não, 82% trả lời không và 10% chưa quyết định.
Theo Reuters