Economist: Rơi vào lãnh thổ 'con gấu' với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nhưng 2020 vẫn là một năm 'phi thường' của TTCK!

06/05/2020 19:42 PM | Xã hội

Đại dịch Covid-19 là yếu tố thúc đẩy thị trường giá xuống xảy ra với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, khi S&P 500 rớt 20% chỉ trong 16 ngày hồi tháng 2. Dẫu vậy, thị trường "con gấu" dường như lại không kéo dài quá lâu. Dù số liệu kinh tế kém khả quan, nhưng Phố Wall vẫn ghi nhận đà hồi phục đáng chú ý.

Tháng 4 là tháng có diễn biến tốt nhất của S&P 500 kể từ tháng 1/1987. Chỉ số này chạm đáy ở mức 2.237 điểm khi chốt phiên 23/3, nhưng sau đó đã bứt phá 27% tính đến ngày 1/5. Về mặt kỹ thuật, diễn biến này đã đưa S&P 500 trở lại với thị trường "con bò" dù vẫn chưa lấy lại được hoàn toàn đà tăng trước đại dịch.

Sự thật về "con gấu"

 Economist: Rơi vào lãnh thổ con gấu với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nhưng 2020 vẫn là một năm phi thường của TTCK!  - Ảnh 1.

Theo 2 nhà sử học kinh tế - Charles Kindleberger và Hyman Minsky, chu kỳ cơ bản truyền thống của thị trường sẽ trải qua 5 giai đoạn: thay đổi, bùng nổ, hưng phấn, khủng hoảng và hồi phục. Giai đoạn "thay đổi" sẽ diễn ra khi nền kinh tế ghi nhận yếu tố tích cực mới, như công nghệ mới (có thể kể đến mạng internet), cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Sau đó, sự bùng nổ sẽ diễn ra. Lợi nhuận tăng vọt và nhà đầu tư dần trở nên tự tin hơn. Các công ty mạnh tay đi vay để tăng cường hoạt động, nhà đầu tư mở rộng vị thế đầu cơ bằng cách mua cổ phiếu sử dụng đòn bẩy. Trong giai đoạn đầu của bùng nổ, những chiến lược đầu tư này sẽ mang về lợi nhuận cao và khuyến khích người khác làm theo.

Khi bước vào trạng thái "hưng phấn", bất động sản thường là yếu tố trọng tâm của hoạt động đầu cơ: thị trường đạt đỉnh thường có liên quan đến việc xây dựng các toà nhà chọc trời. Khi đạt đỉnh, những người không dự đoán được sẽ "nhảy vào": ví dụ vào cuối những năm 1990, nhà đầu tư đã trở thành "day trader" (đầu cơ trong ngày) đối với cổ phiếu công nghệ; đầu những năm 2000, nhiều chủ đất đã hưởng lợi lớn từ giá bất động sản tăng vọt.

Cuối cùng, sự bùng nổ sẽ khiến mọi thứ bị thổi phồng, khi các công ty tranh giành nguyên liệu thô và công nhân đang ở tình trạng khan hiếm. Các NHTW phản ứng bằng cách nâng lãi suất. Ban đầu, động thái này tạo ra sự khác biệt nhỏ, nhưng cuối cùng điều gì đó đã xảy ra khiến sự tự tin ban đầu bị lu mờ. Khó có thể xác định chính xác, nhưng có thể đơn giản chỉ là 1 số nhà đầu tư quyết định rút vốn và chốt lời. Nhưng khi mức giá ngừng tăng lên, thị trường sẽ đảo ngược.

Khi giá tài sản đi xuống, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy buộc phải bán ra. Các ngân hàng miễn cưỡng cho vay. Vì lo ngại về giá trị của tài sản thế chấp, họ yêu cầu 1 số bên vay phải hoàn trả nợ. Nhà đầu tư ít kinh nghiệm rút khỏi thị trường khi triển vọng về lợi nhuận tốt trở nên không chắc chắn. Do đó, rất khó để thu hút những nhà đầu tư mới và đà giảm tăng tốc.

Diễn biến của năm 2020

Một trong những yếu tố trên cũng trùng khớp với diễn biến của thị trường trong năm 2020. Thị trường "con gấu" diễn ra sau đợt tăng giá dài nhất trong lịch sử, bắt đầu từ tháng 3/2009. Sự thay đổi châm ngòi cho sự bùng nổ khi các NHTW hạ lãi suất xuống mức thấp mới và nới lỏng định lượng để giảm lợi suất trái phiếu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ở thời điểm thị trường tăng giá trước đây, các mức định giá cổ phiếu đều tăng đáng kể. Robert Shiller – nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, đã tạo ra một thước đo định giá trung bình lợi nhuận trong 10 năm, gọi là hệ số P/E điều chỉnh theo chu kỳ (CAPE). Đầu năm 2020, điểm CAPE của TTCK Mỹ là 31, trong khi mức trung bình là 17, đỉnh là 44 vào cuối năm 1999 và 33 vào tháng 8/1929.

Khi cổ phiếu giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với lợi nhuận trong quá khứ, có nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai sẽ tăng nhanh. Nhưng ngay cả khi trước đại dịch, thì xu hướng này lại không phải là điều tiềm năng. Theo Cục Phân tích Kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ không thay đổi trong năm 2019. Hơn nữa, nền kinh tế giới cũng chịu ảnh hưởng lớn từ thương chiến Mỹ - Trung.

Một dấu hiệu khác cho thấy vấn đề sắp xảy đến với thị trường trái phiếu. Thông thường, chi phí đi vay dài hạn cao hơn ngắn hơn, nhà băng đưa ra yêu cầu cao hơn để đảm bảo tiền của họ. Tuy nhiên, đôi khi lợi suất ngắn hạn lại cao hơn – được gọi là "đường cong lợi suất đảo ngược", thường diễn ra trước cuộc suy thoái. Hiện tượng này đã diễn ra vào tháng 3/2019 và tái diễn ở nhiều thời điểm, gần đây nhất là tháng 1/2020.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 không diễn ra chính xác theo "khuôn mẫu" trên, khi không hề có giai đoạn "thổi phồng" ở cuối thời điểm bùng nổ. Chỉ số CSI chỉ tăng 1,8% trong năm tính đến tháng 1, ngay từ trước khi TTCK lao dốc. Fed cũng hạ lãi suất từ trước khi đại dịch bùng phát.

 Economist: Rơi vào lãnh thổ con gấu với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nhưng 2020 vẫn là một năm phi thường của TTCK!  - Ảnh 2.

Một yếu tố khác biệt nữa là quy mô đưa ra phản ứng của chính phủ. Tại Mỹ, Quốc hội đã phê duyệt khoản hỗ trợ 3 nghìn tỷ USD nhằm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, Fed hạ lãi suất xuống gần bằng 0 và mở rộng chương trình mua tài sản, thậm chí là mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao. Ở Anh, chính phủ đang bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và chi trả 80% tiền lương của người lao động bị sa thải. Những biện pháp này đã thúc đẩy tâm lý thị trường, cũng như diễn biến tích cực hơn của dịch bệnh. Do đó, TTCK và trái phiếu có lợi suất cao đã tăng giá.

Đương nhiên, sự hỗ trợ của chính phủ đưa ra nhằm mục đích bù đắp cho những thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu tăng vọt. Những yếu tố này khiến nhà đầu tư khó có thể đưa ra hướng đi tiếp theo. Hơn nữa, tình trạng này cũng có rất ít điểm tương đồng với những gì diễn ra trong lịch sử.

Hồi phục sau khi "ngủ đông"

Thông thường, thị trường giá xuống có xu hướng kết thúc khi giá tài sản sụt giảm "đi kèm" với suy thoái kinh tế. Ví dụ là Đại Khủng hoảng – có "gốc rễ" từ sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và TTCK diễn ra vào năm 1929, và "bong bóng" bất động sản năm 2007 và 2008 dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, giai đoạn "hồi phục" theo chu kỳ truyền thống có thể chưa xảy ra. Chính phủ Mỹ đã ngăn chặn diễn biến tồi tệ ở Phố Wall, nhưng Phố Chính thì vẫn chật vật. Số liệu quý II có thể cho thấy một số nền kinh tế sẽ sụt giảm với tốc độ đáng kinh ngạc, từ 20% trở lên. IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay và cảnh báo tốc độ sụt giảm sẽ không giống bất kỳ điều gì từng diễn ra.

Tác động với các doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng. S&P Rating ước tính tỷ lệ vỡ nợ đối với các trái phiếu rủi ro nhất châu Âu sẽ tăng từ 2,2% lên 8% trong năm nay. Các công ty cũng đang cắt giảm tỷ lệ cổ tức, trong đó có Royal Dutch Shell. Citigroup dự đoán lợi nhuận và cổ tức của các công ty châu Âu sẽ giảm 1 nửa trong năm nay. Năm 2019, các công ty Mỹ đã chi 729 tỷ USD mua cổ phiếu quỹ, hiện tại rất nhiều công ty đã trì hoãn hoạt động này, trong đó có 8 ngân hàng được coi là quan trọng trong Uỷ ban Basel về Giám sát Ngân hàng.

Bởi vậy, dù thị trường "con gấu" ở năm nay có thể khác thường và sự hỗ trợ từ phía các NHTW, chính phủ là rất tích cực, thì diễn biến tương tự như các cuộc suy thoái trước đây có thể sẽ diễn ra. Nợ xấu có thể tăng lên và nhà đầu tư sẽ thờ ơ với tài sản rủi ro trong thời gian dài. Khi hầu hết các quốc gia vẫn áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt, thì chúng ta vẫn chưa thể bước ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tham khảo Economist

 Economist: Rơi vào lãnh thổ con gấu với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nhưng 2020 vẫn là một năm phi thường của TTCK!  - Ảnh 3.

Theo Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM