Khi các nhà băng “điên cuồng” bán bảo hiểm: ACB và MB kèn cựa quyết liệt ngôi đầu, sau 2 tháng đã “đá bay” Quán quân 2021 VIB khỏi top 3
Doanh số bancassuarance tháng 2 toàn thị trường giảm 12% so với tháng 1, trong đó thứ hạng các nhà băng cũng có sự thay đổi. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, quán quân bảo hiểm năm 2021 - Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB đã tụt hạng xuống vị trí thứ 4, cùng với đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Ngân hàng TMCP Á Châu ACB, Ngân hàng TMCP Quân đội MB.
Tổng doanh số bancassuarance (banca) tháng 1 năm 2022 toàn thị trường ước đạt hơn 920 tỷ đồng. Trong đó có 19 Ngân hàng đạt doanh số banca trên 10 tỷ đồng vào tháng 01 năm 2022.
Tổng doanh số banca toàn thị trường tháng 2 giảm 12% so với tháng 1, ước đạt 808 tỷ đồng.
Tháng 2 rơi vào dịp Tết nguyên đán, có kỳ nghỉ dài nên doanh số bảo hiểm của các Ngân hàng có lẽ vì thế đều giảm so với tháng 1 đầu năm. Thứ hạng của các nhà băng trong cuộc đua bancassuarance (banca) cũng có nhiều thay đổi trong tháng 2 này.
Với mức giảm tới 44% so với tháng 1, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB đã phải nhường vị trí quán quân hồi đầu năm cho Ngân hàng TMCP Quân đội - MB và tụt xuống vị trí số 2 trong tháng 2. Tuy nhiên, luỹ kế 2 tháng đầu năm, ACB vẫn là nhà băng dẫn đầu doanh số Banca trên thị trường với 220 tỷ phí APE.
Đứng đầu bảng xếp hạng tháng 2 với doanh số phí 108 tỷ đồng, MB đã nâng tổng doanh số phí bảo hiểm luỹ kế 2 tháng đầu năm lên 188 tỷ đồng, chỉ xếp sau ACB.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank và Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB tụt xuống vị trí số 3 và số 5 với mức giảm doanh số Banca trong tháng 2 tương ứng là 36% và 38%. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, doanh số Banca của 2 nhà băng này lần lượt là 173 và 171 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank vẫn thể hiện tiềm năng bán Banca với doanh số luỹ kế 2 tháng đầu năm lần lượt là 143 tỷ và 147 tỷ đồng.
Nhóm Ngân hàng quốc doanh vẫn tỏ ra yếu thế hơn trong cuộc chơi này khi trong bảng xếp hạng tháng 2 chỉ góp mặt mỗi Ngân hành TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank với doanh số khá khiêm tốn 45 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank có doanh số Banca tháng 2 chỉ 31 tỷ đồng, nhưng vẫn khá hơn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam - Agribank 300 triệu đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển - BIDV gần như không phát sinh doanh số banca.
Nhóm ngân hàng nước ngoài chia nhau các vị trí cuối bảng xếp hạng Banca, Standard Chartered Bank dẫn đầu nhóm này với 5,5 tỷ tiền phí, sau đó đến Shinhan bank với 5,3 tỷ phí tháng 2.
Banca được nhận định là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng lợi nhuận cho các Ngân hàng trong năm 2022. Trên lý thuyết, dư địa thị trường banca còn đủ lớn để các ngân hàng khai thác nhưng thực tế không phải chỉ toàn màu hồng.
Những khó khăn các ngân hàng sẽ phải đối mặt trong hoạt động banca năm 2022 có thể kể đến, đầu tiên là tỷ lệ hủy hợp đồng từ năm thứ 2 với các khách hàng tham gia bảo hiểm qua ngân hàng khá cao. Lý do của việc này một phần đến từ việc nhân viên ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng dùng lợi ích giảm lãi suất để đánh vào tâm lý "ham rẻ" của khách hàng, xuất hiện thực trạng khách hàng chỉ tham gia bảo hiểm năm đầu để được hưởng lãi suất ưu đãi.
Nguồn khách hàng sẽ dần cạn kiện sau khi đã được khai thác triệt để từ những năm trước vì đối tượng khách hàng của bank là những người có quan hệ giao dịch tín dụng, tiền gửi với ngân hàng. Banker khá bận rộn với công việc chuyên môn như cho vay, huy động… nên không thể dành toàn bộ thời gian để xây dựng và phát triển các mối quan hệ bán bảo hiểm như tư vấn viên chuyên nghiệp được.
Bên cạnh đó, đã có những phản ứng từ khách hàng về việc bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc không được tư vấn chính xác, đầy đủ dẫn đến những hiểu nhầm khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, nên năm 2022 có thể các Ngân hàng thương mại sẽ bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua những cuộc thanh kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm.
Dư luận từng nhiều lần xôn xao trước những hợp đồng hợp tác với mức phí trả trước nhiều nghìn tỷ giữa Ngân hàng và Công ty bảo hiểm nhưng trên đời này, không có " bữa trưa nào miễn phí".
Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, quan điểm của các công ty bảo hiểm là “bỏ con săn sắt” thì phải bắt “con cá sộp”, chứ không thể bắt “con cá rô”. Khi bỏ ra một khoản tiền lớn, hãng bảo hiểm kỳ vọng vào những năm tiếp theo vì khi đó, tỷ lệ chia dành cho ngân hàng không nhiều, trong khi ngân hàng phải đầu tư nguồn lực, đầu tư hệ thống, đầu tư kiến thức và quan trọng hơn là làm thế nào để cân bằng đội ngũ bán bảo hiểm và đội ngũ bán sản phẩm của ngân hàng.
Câu chuyện về khoản phí trả trước, nghe thì có vẻ “hời” nhưng thực tế, việc ngân hàng cam kết đầu tư nguồn lực để đi bán bảo hiểm là không phải đơn giản. Bản thân các ngân hàng khi nhận được phí trả trước cũng phải chịu áp lực doanh số với phía đối tác. Vị chuyên gia trên cũng tiết lộ: “Trong hợp đồng hợp tác của một số bên có ngân hàng phải chịu điều khoản trả lại, nghĩa là nếu không bán được đến mức quy định thì sẽ không được hưởng khoản phí trả trước và phải trả lại công ty bảo hiểm”.