ửa đêm, trăng giãi vằng vặc trên mảnh sân vừa được tráng xi măng cách đây ít tháng, lấp lánh trên con suối nhỏ chảy vòng bao lấy một bên điểm trường chính của trường tiểu học Tri Lễ 4. Núi rừng Mường Lống ngủ êm đềm trong làn trăng mềm mại, hiền dịu và mơ màng như không hề phải băng qua 15 cây số kinh hoàng mới vào được nơi này.
Nước sôi Mường Lống cũng khác
6 giờ sáng. Hôm qua được ngày trời nắng nên ban mai hôm nay khá trong trẻo. Rét run. Tiếng loa phát thanh nói xì xèo gì đó không rõ, dội đi đập lại giữa bốn bề vách núi. Trống trường vang lên lúc gần 7 giờ, nhưng trước đó hàng nửa tiếng, những bóng áo đỏ xanh đeo cặp sách trên lưng đã lon ton bước vào cổng trường.
Đống lửa cháy to ngọn trong bếp sực khói. Trên bếp này là chiếc ấm to để đun trà rừng, trên bếp kia là chiếc nồi đầy nước
- Ăn sáng nào, ăn sáng anh em. Sôi rồi đấy.
Một dãy tô nhựa đặt dài trên bàn. Bên kia là thùng mì gói vừa khui.
- Một gói hay hai gói?
- Anh em ăn trước đi. Anh chờ nước sắc xuống đã cho nó ngọt. Với tay lấy chiếc ca nhựa múc nước trong nồi rót vào tô mì, thầy Vi Văn Dương mở to mắt nhìn vài người mới lên đang có vẻ chưa hiểu:
- Mì tôm Mường Lống khác dưới xuôi mà. Dưới xuôi nước sôi chỉ là nước sôi thôi. Mường Lống nước sôi mãi là thành nước cốt nên bổ lắm!
Phì cười.
***
Tùng! Tùng! Tùng!
Bọn trẻ xếp hàng rồi ùa vào lớp. Giờ học bắt đầu. Chúng tôi lên Huổi Xái 1, điểm trường lẻ ở cao hơn nữa, cách đó khoảng 5 km. Huổi Xái tiếng Thái nghĩa là Khe Cát (dòng suối có nhiều cát). Đường rừng uốn lượn thót cả tim, đi xe máy mất khoảng một tiếng. Bọn trẻ cứ thấy người vào là đứng dậy vòng tay chào vang.
- Con học lớp mấy?- Lớp ba.
- Một cộng với một là mấy?
- Hai.
- Hai cộng hai là mấy?
- Bốn.
- Hai cộng bảy là mấy?
- Tám! - Tôi nói.
- Chín! - Trong cái vòng lũn cũn quanh tôi, có đến mấy đứa phản bác.
- Tám chứ! - Tôi vờ nghiêm mặt.
- Chín - Mấy đôi mắt trong suốt nhìn tôi chằm chằm không chớp.
- Ừ, chín! Con đúng. Cô thua rồi.
Bọn trẻ reo lên à à khi chiếc drone nhúc nhích rồi bay dần lên cao. Nếu tôi là chiếc drone lúc này, tôi sẽ nhìn thấy sặc sỡ những chiếc váy thổ cẩm, những chiếc áo ấm đủ màu, mấy chục đôi mắt H’Mông dài dài xênh xếch như chiếc lá đào đang mở to ra hết cỡ, mấy chục cái miệng có đôi môi mong mỏng hồng hồng đang tròn vo reo hò cuồng nhiệt, kết thành một vòng tròn bật lên sáng rực và ấm ngời giữa những triền núi dày đặc xanh ngăn ngắt.
Không học thì như người nhắm mắt
Chiều thứ tư, bọn nhỏ không có giờ học. Nhưng tan buổi sáng, chỉ về nhà được một lúc đã thấy chúng có mặt trên trường. Những đứa tí tẹo ba bốn tuổi lút cút đi theo anh chị khắp nơi. Trên hành lang lớp học, mấy con chó lông ngắn lười nhác nằm ườn ngủ.
Trường không có cánh cửa, chỉ có một khung tre phía trên treo tấm bảng ghi tên. Nhà dân ở khá xa nhau, khuất trên những đỉnh dốc cao. Hầu hết đều vách gỗ, mái gỗ. Chỉ có hai ngôi nhà đối diện với trường đang xây, lợp tôn đỏ xanh nom sung túc nhất bản, vì chủ nhà có trại nuôi trâu tít trên núi, sát biên giới Lào.
Cách con suối cạn, xa mãi qua những mảnh ruộng bậc thang đang khô vàng vì giá rét mùa đông, bám chênh vênh trên những sườn núi là những mái nhà lợp rạ xám ngắt. Dân bản hầu hết chỉ trồng lúa nước, một năm được một, hai vụ, chỉ đủ lương thực ăn, có dư cũng chẳng bán được vì không có đường ô tô vào bản. Thanh niên và người đang tuổi lao động mùa này hầu hết đang ở trên nải (nương rẫy), hoặc đi làm thuê xa, như làm cho mỏ quặng.
Đây là Chè Lè, tên tiếng Thái nghĩa là vùng tập trung đông dân cư như thị tứ, nên ít lâu nay không được nuôi gia súc tập trung. Nhà nào có trại nuôi lợn hay trâu bò thì phải lập trại ở trên núi cao hơn nữa. Chè Lè viết tiếng Kinh thành ra xã Tri Lễ. Bản Mường Lống này có 115 hộ dân, toàn bộ người H’Mông.
Thò Bá Dìa, chàng bác sĩ đầu tiên của Mường Lống, 25 tuổi, mặc bộ quần áo H’Mông đen láng rất đẹp với cái thắt lưng hồng nổi bật trên chiếc quần ống rộng và hai ống tay thêu thùa, nhà trên một con dốc cách trường khoảng 10 phút đi xe, bảo: "97% dân ở đây không nói được tiếng phổ thông. Chúng em đi học được là kinh lắm đấy, không đùa mô!". Dìa vừa tốt nghiệp được 6 tháng, đang đi xin việc nhưng chưa có kết quả.
Ngồi trong nhà ông Và Giống Tủa, một anh lái trâu người xuôi vừa lên dò mối mua trâu bán tết, vừa xuýt xoa ôm chén nước trà nóng trong tay vừa nói "Dân bản mình một nhà 4 người một tháng tiêu cũng hết 5 triệu đấy ông hầy! Nhưng vậy là khá rồi, có khi nỏ có thức ăn mô, có đĩa muối với bát nước lạnh chan cơm vô ăn thôi cô nạ".
Ông Tủa có 4 con, 3 trai 1 gái. Các anh đều được đi học nhưng hết lớp 9 là ở nhà lấy vợ. Ông còn bé út tên Và Yê Ninh đang học lớp 5 điểm trường chính. Tôi nhận ra cô bé mặc sơ mi trắng đeo sợi dây có mặt hình một bông hoa màu nâu này lúc bé đang toe toét cười tập múa với chú biên đạo tên Chung.
- Ôi chà, thích học lắm. Có hôm sáng ra mình chưa nấu cơm hắn cứ dậy sớm mang túi đi học thôi. Bố mẹ không biết chữ mô hết, giờ còn con út hắn muốn nghỉ cũng không cho nghỉ mô. Học để biết tính toán khỏi khổ. Hắn nói thời này không biết chữ nào hết thì như người nhắm mắt - ông Tủa nói.
Những đêm chờ trời sáng
Ông trời chỉ ưu ái cho Mường Lống có một ngày nắng. Hôm sau ông trở mặt hẳn.
5 giờ sáng, giá rét còn phủ khắp núi, Lô Văn Hoàn, thầy giáo trẻ người Thái đã một mình lên rừng thăm bẫy. Toan phải đi xe máy khoảng 45 phút mới đến nơi. Hôm nay kết quả trung bình khá, được hai con chuột rừng, mỗi con chừng hai ngón tay, lông dày đen và vàng sẫm xen nhau. Chúng sẽ được thui, rồi băm ra, trộn với gừng như kiểu xào lăn, ăn cơm. Xế trưa, mây bắt đầu kéo nhiều. Khoảng 2 giờ chiều, từng đợt mưa không thành giọt. Mặt trời biến mất. Lạnh giá. Đôi lúc hửng lên được một lúc rồi mưa nặng hạt hơn. Tâm trạng các thầy giáo cũng thay đổi theo thời tiết. Ngày mai đã là buổi dạy cuối cùng trong tuần, đến 11 giờ trưa hết tiết tất cả các thầy sẽ rời Mường Lống, trở về gia đình dưới xuôi. Mưa to thế này, sẽ rất khó khăn để an toàn về nhà.
Mưa suốt đêm.
Sáng hôm sau ngỡ như ở một nơi khác. Một biển sương mù trắng đục mênh mông dâng lên phủ kín những bờ ruộng bậc thang, những mái nhà bên kia sườn núi, phủ kín tất cả mọi thứ ngoài hàng rào nhà trường. Chỉ còn nhìn rõ được trong khoảng 15m -20 m. Rét ngăn ngắt.
Hôm nay giờ học bắt đầu muộn. Mây dày và sương mù bịt kín trời, trong lớp tối om. Hai bóng đèn led thắp bằng năng lượng mặt trời sáng leo lét không đủ nhìn chữ. Thầy Nguyễn Hồng Hiệp tắt nốt bóng đèn ấy - "nhìn lên bảng bị lóa, tắt đi còn hơn".
Trong bếp, đống lửa thổi lên to hơn. Những thầy giáo không lên lớp sáng nay xuýt xoa xúm quanh, chờ đồng nghiệp dạy xong là cùng về xuôi. Hầu hết đều đã có gia đình, chỉ có bốn, năm thầy mới lên trường khoảng vài tháng nay là chưa.
Lang Văn Sáng, thầy giáo vừa lên nhận nhiệm sở được một tháng, người yêu cũng cách nhà dưới xuôi đến tận hơn 30 cây số, bẽn lẽn bảo "đi cả tuần không liên lạc được như ri, cũng… khó khó đó chị ạ".
- Sáng nì, phải có chiêu nghe chưa. Anh nì, lúc yêu cô kia anh cứ sáng sớm mặc may-ô chạy thể dục. Khoảng 4 giờ sáng chờ mấy ông chú ông bác chạy qua là mình từ trong ngõ nhà cô nớ mình chạy theo. Rứa là họ về bảo con bảo cháu thằng nớ làm rể ăn ở trong nhà nớ rồi, tụi mi thôi đi hầy. Rứa mới có vợ chớ! Mà thực ra lúc đó anh đã có chi mô, bày trò ra rứa thôi! – Một ông anh thâm niên hơn 4 năm tại trường đắc ý dạy đàn em.
- Thôi chừ gạo nấu thành cơm đi Sáng- anh chàng Viettel đi khảo sát đặt trạm phát sóng tên Việt, chêm vào.
Một tràng cười. Không biết Sáng nghĩ gì mà thấy mặt suy tư lắm.
"Tôi lên trường cùng một ngày với thầy Nhàn. Lúc nớ không như bây chừ đâu. Ký túc lợp tranh, không có điện năng lượng như ri, sân trường là sân đất, cái bếp chỉ nhỏ bằng nửa ri thôi. Bàn ghế học sinh thì là bìa gỗ đóng lại khấp kha khấp khểnh. Tôi đã muốn bỏ, quay về ngay lúc nớ. Nhưng thầy Nhàn có nhiều trải nghiệm hơn, thầy bảo thôi ở hết đêm nay ở đây, rồi mai về" - thầy hiệu phó Nguyễn Trọng Quyền - người chờ "nước cốt" rồi mới ăn mì, chầm chậm kể.
"Đêm nớ tôi không thể nào ngủ được. Khoảng nửa đêm, tôi nằm trong phòng mở mắt nhìn lên mái nhà xem có tia sáng mô không…. Không có tia sáng mô hết cả! Khắp cả trời đen mịt mùng, giơ tay ra không nhìn thấy, như bịt mắt. Đang ở cuộc sống bình thường vào chỗ ni y như bị quẳng vào hang đá rứa. Sáu bảy giờ tối ở nhà mình còn làm việc, ở đây đã lên giường đi ngủ. Có điện đâu!
Ngủ làm răng được! Tôi mượn hết sáu bảy điện thoại của anh em, để một đống, nằm xem hết phim ni đến phim khác mà trời vẫn chưa sáng. Cái đêm đầu tiên nớ tôi không bao giờ quên được".
Vợ con thầy Quyền sống ở đường Ná Ngán, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, cách khoảng hơn 30 km. Từ con đường chính của thị trấn Kim Sơn rẽ bên phải chiều từ núi xuống, qua những cổng chào ghi tên các bản Thái, vùng đất xưa kia thuộc Mường Nọc nay đã thành ngoại ô của thị trấn vùng cao biên giới Kim Sơn tỉnh Nghệ An.
"Thằng trai đầu 13, thằng trai sau mới hơn một tuổi. Vợ cũng đi dạy suốt ngày. Ở trên trường bốn năm giờ chiều là rỗi rồi, anh em chơi thể thao như chị thấy đó, nhưng giờ đó ở nhà một mình vợ mình xoay trở với hai đứa con, cho ăn uống, tắm rửa, lo cho con học hành. Mà mình thì buổi tối chẳng biết làm chi, chẳng có công việc chi để mà làm. Mình như quá nhàn hạ, trong khi gia đình…
Anh em tếu táo rứa thôi, chứ tình cảm ai cũng rứa chị ạ. Nói là mấy năm thì quen chứ không thể quen được. Ngày mô tôi cũng phải cố gọi điện thoại về nhà hai lần, có khi chỉ nghe tiếng con khóc cũng được".
Quyền bỏ dở câu nói, bưng tô mì còn đến 1/3 bước ra ngoài. Tôi không dám nhìn vào mắt thầy. Có lẽ khói bếp đang hong đỏ đôi mắt đó.
Không thể quen được, nhưng đến nay thầy Quyền đã bám trường Tri Lễ 4 được ba năm. Cái ngày mai mà thầy hiệu trưởng Lang Văn Nhàn hứa vào ngày đầu tiên ấy, đã lùi xa không biết đến bao giờ.
- Thì thầy cứ nói ngày mai, ngày mai-Quyền bật cười-Rồi công việc, học trò, anh em cuốn mình đi, chị ạ.
Điệu vũ xuống núi
11 giờ trưa. Các lớp học đều đã tan. Các thầy đi một vòng kiểm soát lại lần cuối, khóa mọi cánh cửa. Đống lửa trong bếp đã thôi không đun củi vào nữa. Tấm lưới trên sân bóng chuyền tháo ra, cuộn lại cất đi. Những chiếc xe máy dắt ra để một hàng. Dây chun dày néo thật chặt hành lý vào sau xe. Thay sơ mi bằng áo thun, thay quần tây bằng quần thể thao. Trùm bộ áo mưa bên ngoài, xỏ ủng hoặc thắt chặt ống quần áo mưa vào cổ giày. Cổ áo lạnh kéo cao, mũ trùm qua đầu thật kín. Khẩu trang che mũi. Nai nịt thật chắc, gọn. Các thầy gọi là thời trang để múa điệu vũ xuống núi.
Tất cả chuẩn bị xuống núi.
Con đường từ điểm trường chính Tri Lễ 4 về xuôi có ba bốn đoạn không thể gọi là đường. Nó là những dốc vừa cao đến gần 60 độ vừa ngoằn ngoèo lao vụt xuống một chiếc cầu mong manh vắt qua những khe sâu đầy đá, những vệt mòn chỉ rộng chừng hơn nửa thước bám men sườn núi, một bên là vực hun hút. Trời mưa, đất đỏ lầy ra nhão nhoẹt, bánh xe lún xuống đến vài tấc, những con dốc trơn nhẫy như đổ mỡ. Xuống được khoảng 15 phút, một đợt sương mù khác lại bềnh lên giăng trắng núi rừng. Mắt chỉ có thể nhìn thấy khoảng 15 m. Lầm lũi, tập trung, đoàn người cứ thế nối đuôi nhau đi trong sương.
Là tay lái suốt 25 năm nay khắp nhiều điểm trường còn khó khăn hơn, cheo leo tít tận đỉnh núi, những Nậm Tột (Nậm Tụt), Huổi Mới… mà thầy hiệu phó Thò Bá Sinh vẫn cứ ngã oành oạch liên tục. Chẳng ai đếm nổi bao nhiêu lần bánh xe sau cứ choài ra quay ngang, chực quăng người xuống. Lên dốc phải cong lưng ra đẩy, xuống dốc thì dùng cả thân mình lẫn đôi tay đàn ông khỏe mạnh kìm cứng xe lại trượt chầm chậm. Cả lên trường lẫn về nhà, họ phải đi tất cả cùng nhau, ít nhất cũng hai ba người, để có người giúp.
Những đoạn sát mép vực thì không phải là khó đi nữa mà thật sự nguy hiểm. Cơn mưa triền miên đã làm sụt cát, cắn sâu vào mặt đường ngay phía bên vực, nhưng không còn cách nào khác vẫn phải đi qua. Bánh xe lăn gần như sát mép vực. Tôi vừa bám chặt lấy Sáng vừa không thôi cầu nguyện. Chỉ 15 cây số, nhưng tròn hai tiếng chúng tôi mới ra đến mặt đường nhựa.
Thầy Hà Văn Thọ kể, có lần có việc phải đi một mình. Trời mưa, đang đẩy lên dốc thì bánh xe choài ngang sát mép vực, thầy chỉ kịp phanh cứng xe rồi cứ thế đứng như trời trồng, bóp chặt phanh tay, đạp cứng phanh chân, móc điện thoại ra gọi đồng đội cứu hộ cũng không được vì chỉ lung lay vài phân nữa là xe lao thẳng xuống vực.
- Em cũng tính đến nước cho nó lao rồi, mình đi bộ về nhờ kéo xe lên. May quá đứng thế 10 phút thì gặp ba chị em trong bản đi lấy măng, nhờ họ kéo lên.
Đã có nhiều người ngã xuống vực. Một thầy giáo lao dốc xuống hơi nhanh, cả xe lẫn người lao thẳng xuống vực, may không bị thương nặng. Anh em đi cùng kéo dây lôi lên.
"Hang đá" suốt 41 năm và tấm gương người thầy H’Mông
Cách trở biệt lập, không điện không sóng điện thoại, nên cứ vào trường là "rơi vào hang", như thầy Quyền ví von. Có thầy giáo, cha mất ở nhà nhưng mấy ngày sau về mới biết.
Bây giờ, muốn liên lạc lên Tri Lễ 4 cũng chỉ có ba cách. Một là gọi các thầy ở các điểm trường nơi có sóng, nhờ họ xuống tận điểm chính nhắn tin. Hai là chờ người thân kiếm được điểm có sóng, chủ động gọi về. Ba là viết thư, ra đoạn ngã ba rẽ vào Mường Lống, đón xem ai về bản thì gởi theo.
Ở Tri Lễ 4 có một điểm duy nhất có thể dò sóng điện thoại. Đó là dốc Thầy Tài nằm phía trên trường, cách độ 10 phút đi bộ, có thể nhìn thấy lúc đứng ở sân trường. Nó nằm trên một đỉnh núi. Có tên đó là vì cách đây vài năm thầy giáo tên Tài lên dò sóng gọi điện thoại về nhà đã bị ngã gãy chân. Ngay trong chiều tối, anh em trong trường và dân bản móc chiếc chăn đơn làm cáng, khiêng bộ thầy ra đường nhựa vì trời mưa lầy và đêm tối, không thể đi xe được.
- May nhờ có tám người kia nên đi nhanh anh hầy. Có bốn tiếng thôi - một thầy giáo nhắc lại.
Sau cú ngã, thầy Tài được chuyển về trường ở vùng dễ đi lại hơn, vì cái chân gãy khiến thầy không thể mỗi tuần lại vượt đường rừng lên núi.
Chỉ quanh điểm trường chính đã có đến bốn con dốc được đặt tên theo những người hay bị ngã.
- Dốc thầy Tài nì. Dốc bà Mai nì, anh Hùng nhớ không hầy. Bà Mai bổ trước xong cái xe bổ sau đè lên người. Dốc Tăng Sơn nì, ha ha ha, thầy Sơn (thầy ở Phòng giáo dục huyện Quế Phong) nói giỏi lắm, tay gồng ri nì, nói ghê rứa, "để chắc tao đi nỏ can chi mô (để tao đi một mình không việc gì đâu/không làm sao đâu)". Rồi làm cái oành.
Ngay cả thầy Xồng Bá Thành là người H’Mông bản địa, nhà ở cách điểm trường Tri Lễ 4 khoảng vài trăm mét cũng vinh dự được đặt tên cho một con dốc: dốc thầy Thành. Vì thầy cứ ngã oành oạch ở dốc đó suốt.
Có những đứa trẻ H’Mông ở bản Mường Lống, bản Huổi Mới, bản Nậm Tột, bản Huổi Xái… học hết cấp 3, lên cao đẳng, đại học, tỏa đi khắp nơi làm việc. Ngay trong trường Tri Lễ 4 cũng có không ít thầy vốn là học trò cũ.
Thầy Thò Bá Sinh là dân bản địa, có mấy anh con trai: một anh học xong Cao đẳng, làm công an ngoài huyện Quế Phong; Thò Bá Chò thành đồng nghiệp với bố, dạy ở điểm trường Huổi Mới 2; một đang học năm cuối Đại học Luật năm cuối ở Vinh, con trai út đang học lớp 10. Bản thân thầy Sinh là một tấm gương cho người H’Mông: khi còn trẻ đi học sơ sơ rồi về dạy, rồi học lên dần, hết cao đẳng, đến đại học. Thầy đã tốt nghiệp đại học sư phạm cách đây vài năm, cả cha và con học một trường cùng lúc.
- Mình là người H’Mông, mình thương người H’Mông mình lắm. Nếu không đi học thì suốt đời cứ sống tối tăm thế này thôi, cả đời không ra khỏi núi mô. Ở đây người H’Mông như gia đình mình chỉ có một thôi, nên mình phải làm gương cho người H’Mông mình-thầy Sinh nói.
***
Nơi núi cao biên viễn, một năm chỉ có 3 tháng nắng trong, đường khô ráo, còn đến 9 tháng chìm trong sương mù, mưa rừng và giá rét. Thầy giáo trẻ Vi Văn Đào hôm 22/11 vừa rồi, lên trường Huổi Mới bị ngã lăn quay một mình dưới con dốc trơn, giữa rừng.
Thầy viết trên facebook-trang facebook rất nhiều những người bạn giáo viên đang cắm bản chỗ này chỗ nọ:
Con khóc mà chẳng thấy bụt đâu
Giữa chốn sơn lâm hiu quạnh này
Tay ôm đầu gối, mặt nhăn nhó
Môi mím chặt, mắt cay cay
Máu chảy xuống chân, đỉa ngọ nghẻo
Chờ người đi qua mà đâu có
Mình lại tự mình gắng tiếp thôi
Tay dắt xe, chân cố đẩy
Tám cây số nữa đến bản thôi,
Lòng tự nhủ rằng phải cố gắng
Học sinh đang chờ hãy cố lên.
Xin dùng những lời mộc mạc trên của chính những người trong cuộc để tạm kết cho câu chuyện này.
Trí Thức Trẻ