Dưới "triều đại" mới, PG Bank đổi tên liệu có “đổi vận”?

21/11/2023 13:44 PM | Kinh doanh

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) quyết định đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển không lâu sau khi được cho là đã về với hệ sinh thái của TC Group.

Dưới "triều đại" mới, PG Bank đổi tên liệu có “đổi vận”? - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa thông báo đổi tên thành Ngân hàng TMCP `Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).

Ngày 20/11, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã ban hành nghị quyết về việc thay đổi tên thương mại.

Theo đó, PG Bank đã lựa chọn tên mới là Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển . Tên tiếng Anh là Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank . Tên viết tắt sẽ đổi từ PG Bank thành PGBank .

Trước đó, PG Bank đã xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thương mại và được chấp thuận. Nguyên nhân là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và Petrolimex đã yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, PG Bank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Kể từ ngày 17/11 vừa qua, PG Bank đã bổ nhiệm Bà Đinh Thị Huyền Thanh (sinh năm 1981) Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng.

Tháng 7/2023, bà Đinh Thị Huyền Thanh gia nhập PG Bank với vai trò Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực. Tháng 8/2023, bà Huyền Thanh chính thức được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực.

Ngày 23/10/2023, Hội đồng Quản trị PG Bank đã thông qua việc bổ nhiệm bà Thanh - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 -2025 đảm nhiệm vị trí quyền Tổng Giám đốc của Ngân hàng.

Đổi tên liệu có đổi vận?

Thực tế cho thấy, việc đổi tên của PG Bank đã được dự báo từ trước khi Tập đoàn Thành Công (TC Group) bắt đầu có những động thái “tiếp quản” nhà băng này bằng một số nghiệp vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thông qua một số doanh nghiệp “có liên quan” trong hệ sinh thái của mình.

Thực tế cho thấy, về mặt nhân sự, “người Thành Công” là ông Đào Phong Trúc Đại hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT tại PG Bank.

Bên cạnh đó, đồng thời với động thái đổi tên, nhà băng này cũng đã chuyển trụ sở chính về tòa nhà của một doanh nghiệp thuộc nhóm TC Group.

Theo giới quan sát, việc “về chung nhà” với TC Group sẽ mở ra nhiều cơ hội tái cơ cấu cho PG Bank. Tuy nhiên việc “đổi vận” của nhà băng này được cho là sẽ phụ thuộc vào tiềm lực và mục đích mà “đế chế” của Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn muốn hướng đến.

Về tiềm lực , mảng kinh doanh chính của TC Group là lắp giáp, phân phối xe ô tô Hyundai tại Việt Nam thông qua liên doanh Công ty cổ phần liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV).

Là một trong những ông lớn trên thị trường ô tô tại Việt Nam, những năm qua, kết quả kinh doanh của HTV khá ấn tượng và là “niềm mơ ước” của không ít hãng xe mới gia nhập thị trường.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Vietdata cập nhật mới đây, năm 2021, HTV ghi nhận mốc doanh thu thuần khoảng 30.000 tỷ đồng , sang 2022 tăng gần 50% lên mức gần 45.000 tỷ đồng .

Bên cạnh mức doanh thu khủng, lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) của doanh nghiệp chủ chốt trong hệ sinh thái TC Group cũng tăng trưởng có phần còn vượt bậc hơn.

Cụ thể năm 2021, HTV đạt khoảng 2.000 tỷ lãi ròng , đến 2022, mức lãi ròng của HTV tăng đáng kể gần 80% lên mức gần 3.600 tỷ đồng .

Theo đó, việc có một lượng "tiền tươi" tương đối “rủng rỉnh” chỉ tính riêng từ mảng hoạt động cốt lõi là ô tô đã giúp TC Group tích lũy được lượng nguồn lực dồi dào cho những tham vọng mở rộng hệ sinh thái của mình sang một lĩnh vực khá “hao tiền” là Ngân hàng và câu chuyện tăng vốn của PG Bank trong trường hợp này dường như đã “có lời giải”.

Về chiến lược , theo nhiều nhà đầu tư, việc TC Group từ lâu đã muốn “add” một ngân hàng vào “hệ sinh thái” của mình và PG Bank là “đáp án” mới nhất ngoài việc để giải quyết câu chuyện dòng tiền, nguồn vốn nhằm “nuôi” tham vọng mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động (bao gồm cả bất động sản) vốn vẫn còn nhiều đồn đoán thì mục tiêu trước mắt là để xây dựng hệ sinh thái tài chính - xe (car-finance) cho "đế chế" kinh doanh Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn.

Thực tế cho thấy, sự thành công của Hyundai, ông lớn xe hơi có liên doanh và góp phần mang lại thành công, dòng tiền cho Tập đoàn Thành Công, sẽ thấy bước đi của hệ sinh thái tài chính - xe (car-finance), với mục tiêu cung cấp một loạt các sản phẩm cho vay mua ô tô, cho thuê ô tô, cho vay cá nhân, … mà Hyundai Capital đã triển khai thì đây rất có thể là một bước đi chiến lược mà TC Group đang theo đuổi.

Dù tham vọng xây dựng car-finance của TC Group vẫn còn cần thời gian để chứng minh nhưng có một trùng hợp khá thú vị là việc dư nợ cho vay liên quan đến ô tô của PG Bank vừa qua đã tăng mạnh .

Dưới "triều đại" mới, PG Bank đổi tên liệu có “đổi vận”? - Ảnh 2.

Dư nợ cho vay liên quan đến ô tô của PGBank vừa qua đã tăng mạnh.

Theo đó, Báo cáo tài chính quý 3/2023 của PG Bank bất ngờ cho thấy dư nợ cho vay với ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tại thời điểm 30/9 tăng 63% so với thời điểm đầu năm.

Theo đó, dư nợ cho vay của PG Bank tại thời điểm 30/9/2023 là hơn 30.485 tỷ đồng. Trong đó, ngành có dư nợ cho vay tăng nhanh đáng kể nhất là ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác khi đạt dư nợ hơn 2.769 tỷ đồng so với mức hơn 1.700 tỷ đồng hồi đầu năm, tương đương mức tăng đến hơn 63% trong 9 tháng.

Theo Lê Sáng

Từ khóa:  pg bank
Cùng chuyên mục
XEM