Dưới đáy cúp vàng World Cup có gì?
Phiên bản cúp xịn được khắc tên các nhà vô địch còn cúp bản sao có 1 lỗ nhỏ.
Tối 20/12 theo giờ Việt Nam, tức buổi sáng cùng ngày theo giờ địa phương, tuyển Argentina lên xe buýt đi diễu hành quanh thủ đô Buenos Aires. Trước chuyến rước cúp, những người hùng tranh thủ chụp với nhau nhiều kiểu ảnh.
Messi vác cúp trên vai, chụp ảnh selfie với 2 đồng nghiệp và mang đến cho khán giả cơ hội xem phần đáy cúp có gì. Dưới đáy có 1 lỗ nhỏ, dường như là để cắm thân cúp cố định vào chân đế.
Chiếc cúp này không phải bản xịn mà chỉ là bản sao làm bằng đồng mạ vàng nên mặt đáy mới như vậy. Dưới đáy cúp xịn khắc tên các đội vô địch. Đã có 13 nhà vô địch được khắc tên, bắt đầu từ Tây Đức năm 1974 và hiện tại là Argentina 2022.
Không giống như UEFA Champions League khắc tên luôn trước lễ đăng quang, nhà tân vô địch World Cup không được thấy tên mình trên cúp trong lễ ăn mừng. Phải đến khi họ ăn mừng xong xuôi, trả cúp về tân trang thì tên và năm vô địch mới được khắc vào đáy. Điều đó đồng nghĩa là nhà vô địch năm 2026 mới được thấy Argentina 2022 dưới đáy.
Messi và đồng đội không được cầm cúp xịn về nước. Cúp xịn phải trả lại ban tổ chức từ trước khi đội tuyển rời Qatar. FIFA sẽ thu lại cúp ngay sau lễ ăn mừng để mang đi bảo dưỡng ở GDE Bertoni, một nhà xưởng nằm ở ngoại ô thành phố Milan của Italy.
Như đã nói, phải đến lúc này, các nghệ nhân Bertoni mới khắc tên nhà tân vô địch vào đáy cúp. Họ cũng tân trang chiếc cúp cho sạch sẽ, sáng bóng sau khi truyền qua tay nhiều người, dính đủ loại chất bẩn. Hoàn thành quá trình bảo dưỡng, cúp được chuyển về bảo tàng bóng đá ở trụ sở FIFA tại thành phố Zurich, Thuỵ Sĩ để trưng bày.
Cúp vàng FIFA chỉ rời khỏi địa điểm cất giữ trong 3 trường hợp: thứ nhất là tham gia tour diễu hành cúp vòng quanh thế giới, thứ hai, trưng bày trong buổi lễ bốc thăm vòng bảng World Cup và thứ ba là trưng bày trong trận khai mạc và chung kết World Cup.
Cúp xịn cao 36,8 centimet, được làm từ hơn 6,1 cân vàng 18 carat và tất nhiên bên trong rỗng ruột. Phía dưới chân cúp là hai dải ngọc cẩm thạch, xen kẽ dòng chữ khắc nổi "FIFA WORLD CUP". FIFA rút kinh nghiệm bài học từ quá khứ nên không trao cúp vĩnh viễn cho đội nào nữa. Trước năm 1974, FIFA trao cúp Nữ thần vàng cho Brazil sau 3 lần vô địch. Brazil đánh mất cúp, đến giờ vẫn không tìm thấy. Người ta nghi ngờ nó đã bị nấu chảy để đem đi bán.
Mặc dù chi phí làm cúp xịn là quá nhỏ so với lợi nhuận của FIFA, nhưng rõ ràng họ không bao giờ làm mỗi kỳ 1 cúp xịn trao cho nhà vô địch. Phải là duy nhất, là số 1 thì chiếc cúp mới đứng ở đỉnh cao của sự quý giá. Sản xuất đại trà sẽ làm giá trị giảm đi nhiều phần, đội nào cũng có cúp xịn thì chiếc cúp không còn tính độc đáo nữa.