Đừng đổ lỗi tại định mệnh, định mệnh là khi con người biết rằng mình thua kém mà không chịu nỗ lực để thay đổi
Jack Ma cho rằng điều đáng sợ không phải là khoảng cách, mà là anh không biết có khoảng cách.
Gần đây tôi có nghe một doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc phát biểu chương trình "Đối thoại" của đài truyền hình CCTV rằng: "Doanh nghiệp của tôi rất khó quản lý, cho dù là CEO tiền nhiệm của General Electric – Jack Welch đi chăng nữa cũng không trụ được quá 3 ngày". Tôi không đồng tình với câu nói này.
Thứ nhất, Jack Welch sẽ không chỉ ở lại 3 ngày; Thứ hai, Jack Welch đến chắc chắn sẽ thay đổi doanh nghiệp của anh. Điều đáng sợ không phải là khoảng cách, mà là anh không biết có khoảng cách. Điều này tôi đã viết trên mạng Internet.
Xin lấy một ví dụ, tôi có một người bạn làm huấn luyện viên đội tuyển võ thuật tỉnh Chiết Giang, anh ấy kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Dưới núi Võ Đang có một anh chàng võ công hết sức cao cường, anh ta đã đánh bại tất cả mọi người ở đó. Anh chàng này cho rằng mình là thiên hạ vô địch, liền khăn gói quả mướp lên Bắc Kinh tìm đến huấn luyện viên đội tuyển võ thuật Bắc Kinh, thách thức: "Tôi muốn tỉ thí võ thuật với thành viên đội tuyển võ thuật của anh". Vị huấn luyện viên không đồng ý, điều này khiến anh ta càng nóng lòng muốn được đấu võ. Cuối cùng vị huấn luyện viên cũng đồng ý, chưa đầy 5 phút anh chàng kia đã bại trận. Vị huấn luyện viên nói: "Chàng trai à, anh mỗi ngày luyện 2 tiếng đồng hồ, chỉ đánh bại được người mỗi ngày luyện nửa tiếng mà thôi. Thành viên đội tuyển chúng tôi mỗi ngày luyện 10 tiếng, anh làm sao mà thắng nổi? Đấy là chưa kể thành viên đội tuyển chúng tôi còn chưa đánh hết sức. Núi này cao còn có núi khác cao hơn, cao nhân ắt có cao nhân trị".
Jack Ma cho rằng: "Trên phương tiện quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn đầu tư, hoạt động trên quy mô toàn cầu cần sáng suốt xúc tiến quá trình toàn cầu hóa một cách toàn diện. Điều mà Alibaba cần làm là phải có tầm nhìn xa, thách thức với cả thế giới, thực sự xâm nhập vào thị trường thế giới". Dù mục tiêu mà Jack Ma đặt ra là lâu dài và đúng đắn, nhưng lại sai lầm về thời điểm, sử dụng sai sách lược dẫn đến suýt nữa thất bại thảm hại khi tham gia cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Sau đó, Jack Ma đã ý thức được khoảng cách giữa mình và thế giới, ông bắt đầu suy ngẫm về những sai lầm, từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân. Trong bài diễn thuyết tại Trường Đại học Stanford, Jack Ma có nhắc đến điều này: "Hôm nay, mọi người thường viết về câu chuyện thành công của Alibaba. Nhưng tôi không cho rằng chúng tôi thông minh đến vậy, chúng tôi vi phạm rất nhiều sai lầm, và quả thực lúc đó chúng tôi rất ngu ngốc, cho nên tôi nghĩ rằng nếu một ngày nào đó tôi muốn viết một cuốn sách nói về Alibaba, tôi sẽ lựa chọn viết về 1001 sai lầm của Alibaba.
Đó mới chính là những điều mà mọi người cần ghi nhớ, cần học tập. Nếu bạn muốn biết người khác thành công như thế nào, điều này rất khó, bởi để có được thành công ẩn chứa rất nhiều yếu tố may mắn. Tuy nhiên nếu bạn muốn tìm hiểu xem người khác thất bại như thế nào, bạn sẽ thu được rất nhiều bài học.
Tôi rất thích đọc những quyển sách nghiên cứu thảo luận vì sao người ta thất bại. Bởi vì nếu anh đã tìm hiểu kĩ lưỡng thì sẽ biết rằng, nguyên nhân dẫn đến thất bại của mỗi công ty đều không giống nhau, đây mới là điều quan trọng nhất. Sau khi trang web Taobao thành công, chúng tôi bắt đầu tập trung nghiên cứu phát triển công cụ thanh toán Alipay. Mọi người đều nói Trung Quốc vẫn chưa có một hệ thống tín dụng, từ dịch vụ ngân hàng cho đến dịch vụ logistics đều rất tệ hại, tại sao anh lại đâm đầu nghiên cứu và phát triển thương mại điện tử?
Hôm nay, tôi đứng đây không phải là để giảng giải với mọi người "thánh kinh" về kinh doanh, tôi không chuẩn bị bản trình chiếu PPT bởi vì tôi vẫn chưa có cổ phiếu để bán cho mọi người. Tuy nhiên, tôi nghĩ, bởi chính sự lạc hâu của hệ thống logistics, hệ thống tín dụng và hệ thống ngân hàng nên chúng tôi mới cần có tinh thần khởi nghiệp và xây dựng một bản kế hoạch cho riêng mình. Cho nên tôi tin tưởng rằng cứ mạnh dạn làm trước, dần dần rồi sẽ trở thành tiêu chuẩn của Trung Quốc".
Nhiệm Chính Phi – người sáng lập ra Huawei đã từng nói: "Giữa người với người vốn tồn tại sự chênh lệch, chúng ta cần phải thừa nhận điều đó chứ không nên có sự so bì tị nạnh. Nếu chúng ta không thỏa mãn với sự nỗ lực của bản thân thì sẽ không ngừng tự dằn vặt làm khổ mình. Đừng đổ lỗi tại định mệnh, định mệnh là khi con người biết rằng mình thua kém mà không chịu nỗ lực để thay đổi."
* Bài viết trích nội dung sách "Quản Trị Kinh Doanh Kiểu Jack Ma" của tác giả Triệu Vỹ.