Đừng để thói trì hoãn "ăn tươi nuốt sống" cuộc đời mình: Một phút cái tôi chủ quan, suốt đời ù lì "giậm chân tại chỗ"!

03/09/2019 11:09 AM | Sống

Khi tra cứu trên Wikipedia, bạn sẽ tìm thấy những cách gọi khác của 'trì hoãn' với nghĩa tương tự là tính chần chừ, hay thói lề mề, sự lần lữa, thói rề rà, ù lì.

Tôi nghĩ 'trì hoãn' là một từ khóa hấp dẫn. Nó xuất hiện khá nhiều trong các thảo luận khắp nơi. Mỗi ngày, trong chính cuộc sống thường nhật của mỗi người, chúng ta thỉnh thoảng hoặc thường xuyên đối mặt với các phiên bản khác nhau của tính trì hoãn. Chểnh mảng với deadline, sau đó chạy nước rút trong sự suy nhược và hoảng loạn, chán chường khi những mục tiêu có lợi trong dài hạn mãi vẫn không gặp được các hành động cần thiết... Những điều như vậy là sản phẩm của sự trì hoãn. 

Khi viết về những điều này, là lúc tôi nhìn lại và hồi tưởng lại những trải nghiệm của chính mình. Vài người tôi thấy họ rất tự tin để thể hiện một tinh thần miễn nhiễm với sự trì hoãn. Bản thân tôi lại chỉ biết những người dù giỏi giang đến đâu thì ít nhiều họ đã từng trải qua thói lề mề này và học cách mà vực bản thân mình dậy mỗi khi sự tiêu cực của thói bệnh này tìm đến. Cũng như rất nhiều những người bình thường, đang ngụp lặn trong sự bận rộn của đời sống hiện đại và thường xuyên cảm cúm với sự trì hoãn, tôi cũng phải đấu tranh với chính sự trì hoãn của chính mình.

Khoảng cách thực sự giữa những mục tiêu giản đơn (học ngoại ngữ, học chơi đàn, đọc thêm sách từ tác giả mà chúng ta yêu thích...) và chúng ta của hiện tại mà chúng ta không mấy hài lòng chính là sự trì hoãn. Bản thân tôi không tin vào những mục tiêu quá lớn lao. Thay vào đó chính những mục tiêu giản đơn và khả thi hài hòa với năng lực và sở thích chân thật của mỗi chúng ta sẽ giúp chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn. Chính vì vậy việc học cách đối mặt và giải quyết mỗi khi sự trì hoãn tìm đến là điều cần thiết.

Đừng để thói trì hoãn ăn tươi nuốt sống cuộc đời mình: Một phút cái tôi chủ quan, suốt đời ù lì giậm chân tại chỗ! - Ảnh 1.

Tôi thấy có rất nhiều quan điểm gay gắt với sự trì hoãn, và thỉnh thoảng lại leo thang đến mức sáo rỗng. Chúng ta có lẽ không cần tự trách mình chỉ vì cuộc sống của ai đó đang có vẻ luôn dồi dào năng lượng. Chúng ta là con người. Cảm giác và năng lượng của chúng ta hoạt động dựa trên cơ chế lên rồi xuống, điều đó là tự nhiên. 

Chưa kể đến những căn bệnh vật lí (cảm cúm, đau dạ dày...) cũng góp phần vào tính ù lì và trì hoãn của chúng ta đôi khi. Tuy nhiên, đứng trước bức tranh chân thực đó, điều ta cần làm là làm sao để xoay sở mà vượt qua chính cái tôi ù lì của mình mỗi khi như vậy, để có thể làm điều nên làm.

Một vài lần trước đây, có lúc tôi nhận nhiều dự án cùng lúc, và thường tôi lưu ý rằng những dự án nào nằm xa sự hứng thú của tôi, chúng sẽ thường bị trì hoãn. Hậu quả là deadline đến thì tôi phải chật vật rất nhiều. Trong một phiên bản khác của sự trì hoãn, chính là sở thích học tiếng Đức của tôi. Khi một sở thích nào đó không đem lại giá trị ngắn hạn, chúng thường sẽ mãi không bao giờ được bạn bắt tay vào làm.

Mỗi lúc như vậy, bạn sẽ cảm nhận. Nhưng thường thì chúng ta sẽ lại ngó lơ và chỉ làm những gì bản thân cảm thấy dễ chịu. Những lúc tôi cảm nhận được sự trì hoãn đang xâm chiếm tôi và khép cuộc sống của tôi vào sự dễ chịu khi bỏ mặc to-do list, hay lúc phát hoảng khi deadline trước mặt, tôi sẽ chọn cách thay đổi hành động trước thay vì để cảm xúc dẫn dắt. Một vài điều tồi thường làm:

Đừng để thói trì hoãn ăn tươi nuốt sống cuộc đời mình: Một phút cái tôi chủ quan, suốt đời ù lì giậm chân tại chỗ! - Ảnh 2.

• Cắt tóc (nếu tôi cảm thấy nó dài).

• Dọn dẹp lại phòng: sắp xếp mọi thứ vào trật tự, tìm kiếm và vứt bỏ những vật dụng không cần thiết.

• Đi tắm (tôi thường làm điều này bất kể khi nào bản thân cảm thấy sự trỗi dậy của các cảm giác tiêu cực).

• Dắt cún đi dạo (dĩ nhiên khi deadline "dí", đây không thể là điều khả thi, tuy nhiên khi cảm thấy muốn reset để bản thân bắt đầu những mục tiêu mới, tôi sẽ làm điều này).

• Thiết lập to-do list. Tôi nghĩ đây là một trong những tình huống mà to-do list thực sự phát huy vai trò của nó. Hãy sắp xếp đầu việc theo ưu tiên để tiện quan sát.

• Chia nhỏ cấu trúc công việc cần làm. Điều này sẽ luôn nghe có vẻ sáo rỗng cho đến khi bạn thực sự làm nó. Khi bạn nhìn vào một công việc trước mặt nó là hỗn độn. Việc bạn chia nhỏ cấu trúc ra, sẽ làm cho trật tự hiện rõ trước mắt bạn. Giải quyết từng phần nhỏ luôn dễ chịu hơn cho tâm lý.

• Tạo ra vùng riêng tư. Cả về vật lý (không gian bạn chọn để học, làm việc...) và không gian online (tắt các thông báo mạng xã hội không cần thiết...)

• Một món ăn nhẹ nóng hổi, một cốc nước trái cây lạnh, cà phê... ở mức độ vừa phải sẽ là nguồn động viên to lớn.

• Hãy bắt tay vào làm một việc dễ và gọn. Sức ì trước và sau bước đầu tiên là rất lớn. Bạn phải bắt tay vào thì mới tạo đà được.

• ......

Thông thường thì sự trì hoãn sẽ đến khi cuộc sống của chúng ta trở nên hỗn loạn. Vì vậy xây dựng trật tự sẽ giúp chúng ta tránh đi những khủng hoảng không cần thiết. Chúng ta sẽ bớt phải đối mặt với tính trì hoãn của chính mình hơn. Nhưng trong một ngày trái gió trở trời chúng tìm đến, hãy cứ bình thường mà khắc phục thôi.

Sam Vo

Cùng chuyên mục
XEM