Đừng bao giờ coi thường trẻ em: Một công ty đồ chơi lớn tại Mỹ đã ra đời từ ý tưởng của cậu bé 10 tuổi

13/07/2017 07:50 AM | Kinh doanh

Sau 15 năm phát triển, công ty đã trở thành một trong những nhà phân phối đồ chơi qua hệ thống online lớn nhất tại Mỹ.

Trẻ em đầy những ý tưởng "điên rồ", nhưng điều này cũng làm chúng trở nên đặc biệt. Một đứa trẻ không bao giờ ngại nói ra bất cứ điều gì mình đang nghĩ, thậm chí dành hơn 30 phút đồng hồ để thuyết phục bố mẹ cho nuôi chó, mèo hoặc giải thích tại sao chúng nên có một chiếc xe đạp mới. Nhiều người lớn thường bỏ qua các ý tưởng này mà không biết rằng nhiều ý tưởng có thể dùng để kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

Karen Carson, đồng sáng lập thương hiệu Fat Brain Toys, một trong những nhà phân phối đồ chơi lớn nhất tại Mỹ cho biết cô và chồng, Mark Carson nảy ra ý tưởng thành lập công ty nhờ vào cậu con trai 10 tuổi.

Trong ngày sinh nhật, cậu bé Adam Carson nhận được một bộ đồ chơi xếp hình có tên Geomags và cảm thấy rất hứng thú. Cậu mong muốn mua thêm một bộ đồ như vậy với kích thước lớn hơn, nhưng tìm kiếm trên các cửa hàng online đều không thấy, vì bộ đồ chơi chỉ được sản xuất và bán tại Thụy Sỹ. Giống như nhiều đứa trẻ khác, cậu nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ, đồng thời gợi ý tại sao họ không tự mở một cửa hàng bán loại đồ chơi này tại Mỹ.

Ý tưởng của Adam đã đặt ra cho vợ chồng Carson một câu hỏi: Còn bao nhiêu loại đồ chơi tuyệt vời, chất lượng cũng đang bị bỏ lỡ chỉ vì chúng không được sản xuất đại trà và phân phối tại các cửa hàng lớn?

Vào năm 2002, Mark và Karen Carson bắt đầu liên hệ với nhà sản xuất để phân phối sản phẩm đồ chơi xếp hình Geomags. Họ tận dụng tầng trệt căn nhà ở Elkhorn để làm kho chứa hàng. Dần dần sản phẩm mở rộng ra với nhiều loại đồ chơi mang tính giáo dục, kích thích tư duy và sáng tạo. Điểm đặc sắc ở chỗ đồ chơi của Fat Brains Toys thường không mang tính đại trà, nhiều sản phẩm không thể tìm thấy tại các cửa hàng giảm giá hay các chuỗi bán đồ chơi nổi tiếng.

Sau 15 năm phát triển, Công ty của gia đình Carson đã trở thành một trong những nhà phân phối đồ chơi lớn nhất nước Mỹ. Các sản phẩm được xuất khẩu tới 150 quốc gia trên thế giới.

Từ trường hợp của mình, Karen Carson đưa ra 3 bí quyết cho các bậc cha mẹ nếu muốn thử bắt đầu kinh doanh từ những ý tưởng độc đáo của bọn trẻ.

1. Xác định nhu cầu thị trường

Đây là yêu tố căn bản trước khi nghĩ đến việc bắt tay vào kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ nào.

Karen cho biết: “Dù con trai tôi có tìm kiếm qua trên mạng Internet và nhận thấy chẳng có nhà phân phối nào với bộ đồ chơi Geomags, chúng tôi vẫn phải tự nghiên cứu thêm. Nhờ đó chúng tôi nhận ra thị trường đang thiếu các sản phẩm đồ chơi kích thích sự sáng tạo. Từ ấy chúng tôi mới xác định hướng kinh doanh phù hợp”.

Theo Karen, nhiều chủ doanh nghiệp bỏ qua bước nghiên cứu thị trường vì tự tin sản phẩm đã đủ tốt hoặc lo sợ tốn kém chi phí. Tuy nhiên việc này có thể dễ dẫn đến những dự án kinh doanh thất bại. Mỗi doanh nghiệp nên tìm hiểu trước thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, từ đó tự rút ra đặc điểm kinh doanh trong ngành, các xu hướng mới cần quan tâm để ra quyết định phù hợp.

2. Nắm bắt sự chuyển hướng của khách hàng

Sau khi khảo sát thị trường, các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ hơn về nhóm khách hàng mục tiêu. Có những trường hợp, khách hàng mục tiêu khác với kỳ vọng ban đầu của doanh nghiệp.

“Đơn cử như công ty của tôi. Chúng tôi cứ nghĩ khách hàng mục tiêu là ông bà, cha mẹ nói chung mà không nghĩ rằng mình có một thị trường rộng lớn hơn, bao gồm phụ huynh của những trẻ em đặc biệt. Thay vì hoang mang với nhóm khách hàng mới, chúng tôi ngồi lại cân nhắc xem có thể làm gì cho họ. Kết quả là chúng tôi mở thêm một mục trên website để nhận phản hồi từ phụ huynh xem nhu cầu của con em họ là gì, các em đã sử dụng sản phẩm đồ chơi của công ty thế nào”.

Theo Karen, việc thay đổi linh hoạt, sẵn sàng đón nhận thêm nhóm khách hàng mới và lắng nghe ý tưởng của họ có ý nghĩa rất quan trọng. Việc này có thể tốn nhiều thời gian nhưng là hướng đi tốt để mỗi công ty mở rộng mạng lưới kinh doanh.

3. Coi trọng yếu tố dịch vụ

Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy nói những câu lịch sự như “làm ơn”, “xin phép” hay “cảm ơn”. Đây cũng là điều những người làm kinh doanh, đặc biệt trong khâu dịch vụ khách hàng phải luôn ghi nhớ

Dưới góc độ một người kinh doanh trên 10 năm, Karen cho biết khách hàng của họ thích được giao tiếp, trò chuyện. Chính từ quá trình tương tác này, Fat Brain Toys xây dựng được hệ thống khách hàng thân thiết và trung thành.

“Một công ty có dịch vụ khách hàng mạnh và thái độ phục vụ tốt sẽ luôn thành công vì ở đó họ thật sự tôn trọng khách hàng của mình”, Karen kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM