Dùng 24/7 nhưng liệu bạn có lường được trước điện thoại đã thao túng bộ não của chúng ta như thế nào?

16/10/2017 14:55 PM | Công nghệ

Chiếc điện thoại không chỉ tạo hình những suy nghĩ của chúng ta theo nhiều cách tinh vi, mà những tác động của nó vẫn còn tồn tại kể cả khi ta không dùng điện thoại. Và nghiên cứu cho thấy khi bộ não ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, hiệu năng của nó sẽ giảm đi.

Theo dữ liệu mà Apple thu thập được, người dùng iPhone sử dụng nó 80 lần/ngày, tương đương 30.000 lần/năm. Chiếc điện thoại của bạn sẽ trở thành người đồng hành, thầy giáo, thư ký, chuyên gia tư vấn của bạn.

Trong một cuộc khảo sát năm 2015, hơn một nửa người dùng iPhone nói rằng họ không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có chiếc điện thoại trong tay.

Chiếc điện thoại không chỉ tạo hình những suy nghĩ của chúng ta theo nhiều cách tinh vi, mà những tác động của nó vẫn còn tồn tại kể cả khi ta không dùng điện thoại. Và nghiên cứu cho thấy khi bộ não ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, hiệu năng của nó sẽ giảm đi.

Adrian Ward, một nhà tâm lý học nhận thức kiêm giáo sư marketing tại Đại học Texas cho biết có rất nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng điện thoại, hoặc chỉ cần nghe tiếng chuông hay tiếng rung, là đã khiến ta bị xao lãng và khó tập trung vào những vấn đề hoặc công việc phức tạp. Tất nhiên thiếu tập trung sẽ làm giảm khả năng tư duy và năng suất làm việc.

Một nghiên cứu, đăng trên Tạp chí Experimental Psychology thực hiện trên 166 đối tượng, cho thấy khi chiếc điện thoại của bạn rung hoặc nổi chuông trong lúc đang làm một việc phức tạp, khả năng tập trung và kết quả công việc của bạn sẽ giảm đi kể cả bạn không động đến điện thoại. Một nghiên cứu khác cho thấy, khi nghe chuông điện thoại kêu mà không trả lời được, huyết áp của ta sẽ tăng lên đột ngột, mạch đập nhanh hơn và khả năng giải quyết vấn đề giảm xuống.

Không chỉ có khả năng tư duy, mà các kỹ năng và các mối quan hệ xã hội cũng bị ảnh hưởng khi chiếc smartphone xuất hiện. Nó luôn ở đó nhắc nhở về những người bạn chúng ta có thể chat chit, nó chi phối tâm trí của chúng ta khi đang nói chuyện tực tiếp với người khác, khiến những cuộc hội thoại thực sự trở nên nhạt nhẽo và trống rỗng.

Bằng chứng cho thấy những chiếc điện thoại có thể ăn sâu vào tâm trí của chúng ta thật đáng lo lắng. Nó cho thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, hoàn toàn biệt lập trong bộ não, vẫn có thể bị thao túng bởi những ngoại lực mà ta không hề ngờ đến.

Dùng 24/7 nhưng liệu bạn có lường được trước điện thoại đã thao túng bộ não của chúng ta như thế nào? - Ảnh 1.

Từ lâu các nhà khoa học đã biết được rằng bộ não là một hệ thống giám sát và tư duy. Sự chú ý của nó sẽ dồn về phía bất kỳ thứ gì mới mẻ, lý thú hoặc giật gân. Các thiết bị truyền thông đa phương tiện, từ điện thoại cho đến TV, đều được tạo ra dựa vào bản năng này.

Dù bật lên hay tắt đi, chúng cũng hứa hẹn một nguồn thông tin và trải nghiệm vô hạn. Chúng cũng được thiết kế để nắm bắt và duy trì sự chú ý của chúng ta theo những cách mà các sự vật tự nhiên không thể làm được.

Nhưng ngay cả trong thế giới các thiết bị điện tử, smartphone cũng trở nên "vô đối". Nó được tích hợp rất nhiều hình thức thông tin và các chức năng giải trí. Hãy tưởng tượng nếu bạn gộp tất cả từ hộp thư, báo chí, TV, đài truyền thanh, album ảnh, thư viện và cả một bữa tiệc mà mọi người bạn biết đều đến dự, sau đó nén chúng lại thành một vật nhỏ gọn trong tay. Đó là cách mà smartphone xuất hiện trước mắt chúng ta.

Điều trớ trêu ở chỗ, chính những đặc điểm mà chúng ta thấy hấp dẫn nhất – khả năng kết nối internet liên tục, vô số các ứng dụng hữu ích, khả năng di động và tiện dụng – lại là nguyên nhân khiến chúng ta không còn giữ được sự tập trung nữa.

Và điều đáng ngạc nhiên là, kiến thức của con người thực ra lại giảm đi khi các thiết bị cầm tay giúp họ tiếp cận các kho dữ liệu trực tuyến dễ dàng hơn.

Trong một nghiên cứu năm 2011, một nhóm các nhà nghiên cứu từ do Betsy Sparrow (Đại học Columbia) đứng đầu đã yêu cầu một nhóm tình nguyện viên (TNV) đọc 40 phát ngôn ngắn và sau đó đánh lại các phát ngôn đó trên máy tính. Một nửa số TNV được bảo là máy tính sẽ lưu lại những gì họ gõ; nửa còn lại được bảo là các phát ngôn này sẽ bị xóa ngay.

Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ viết lại càng nhiều càng tốt các phát ngôn mà họ nhớ được. Kết quả cho thấy những người tin rằng các phát ngôn đã được ghi lại trên máy tính nhớ được ít hơn so với những người tin rằng các phát ngôn sẽ bị xóa. Biết trước thông tin sẽ có sẵn ở dạng số dường như khiến chúng ta không còn nỗ lực trong tâm trí để nhớ các thông tin nữa. Và họ gọi đây là "hiệu ứng Google".

Giờ đây khi smartphone giúp ta dễ dàng thu thập thông tin trên mạng, bộ não của mỗi người càng có cớ để đẩy bớt công việc ghi nhớ cho công nghệ. Nhưng nhà tâm lý học William James đã nói, "Nghệ thuật ghi nhớ là nghệ thuật tư duy". Chỉ nhờ mã hóa các thông tin trong ký ức sinh học, ta mới có thể tạo nên những kết nối tri thức phong phú và hình thành nên tri thức cá nhân, khiến cho tư duy xét đoán và tư duy khái niệm có điều kiện phát triển.

Dùng 24/7 nhưng liệu bạn có lường được trước điện thoại đã thao túng bộ não của chúng ta như thế nào? - Ảnh 2.


Nhưng hóa ra chúng ta không phân biệt được kiến thức mình giữ trong đầu với kiến thức tìm thấy trên điện thoại hoặc máy tính. Như Wegner và Ward đã giải thích trong một bài báo vào năm 2013, khi người ta gọi ra thông tin trên các thiết bị điện tử, họ thường bị ảo tưởng về trí tuệ.

Họ cảm thấy như thể "chính năng lực trí tuệ" của mình tạo ra thông tin đó, chứ không phải là các thiết bị kia. "Kỷ nguyên thông tin dường như đã tạo ra một thế hệ những người cảm thấy họ hiểu biết nhiều hơn bao giờ hết, mặc dù có thể họ biết về thế giới xung quanh mình còn ít hơn trước kia".

Chính điều đó đã rọi ánh sáng xuống cuộc khủng hoảng niềm tin của xã hội chúng ta, khi người ta nhanh chóng tin vào những lời nói dối và "một nửa sự thật" được chia sẻ tràn lan trên các mạng xã hội. Nếu chiếc điện thoại đã hút hết khả năng nhận thức sáng suốt của bạn, thì bạn sẽ tin bất kỳ điều gì hiện lên trên màn hình.

Khi phó thác khả năng tư duy và ghi nhớ hoặc truyền tải những kỹ năng đó cho một thiết bị nhỏ gọn trong lòng bàn tay, chúng ta đã vô tình hy sinh khả năng biến thông tin thành kiến thức của chính mình. Chúng ta có dữ liệu nhưng đánh mất ý nghĩa của chúng. Nâng cấp thiết bị cũng không giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần cho tâm trí của mình thêm không gian để suy nghĩ. Và điều đó có nghĩa là tạo ra khoảng cách giữa chính chúng ta với chiếc điện thoại của mình.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM