Đức Phật nói có 3 quy luật trên đời ai cũng cần thấu tỏ, lĩnh hội được tất sẽ sống an yên

05/09/2019 20:03 PM | Sống

Những ai lĩnh hội được 3 quy luật này dù gặp chuyện gì cũng sẽ biết cách vượt qua, tất sẽ có cuộc sống an yên, tự tại giữa dòng đời tấp nập vô thường.

Một ngày nọ, Thái tử Siddhartha Gautama đang ngồi dưới bóng cây râm mát, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự thanh tịnh của vùng đồng quê. Trước mắt Ngài, những đóa hoa đang nở rộ thơm ngát, những chồi non nhú lên đầy sức sống.

Thế nhưng, giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy, Ngài bỗng nhìn thấy những sự đau khổ. Một người nông dân đang không ngừng đánh đập con trâu của mình trên cánh đồng, một con chim mổ chết con giun, rồi một con đại bàng nhào xuống cướp đi mạng sống của một chú chim non.

Cảm nhận rõ nỗi đau đớn của chúng sinh, Đức Phật tự hỏi rằng, "Tại sao người nông dân lại phải đánh đập con trâu của mình? Tại sao sinh vật này cứ phải ăn sinh vật khác để tồn tại?"

Rồi khi đã tự giác ngộ, trở thành Shakyamuni Gautama (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), Ngài đã tự tìm ra cách lý giải những câu hỏi hóc búa trên. Ngài đã phát hiện ra 3 quy luật trên đời và đã tìm được cách giải thích ngắn gọn và dễ hiểu nhất, để ai cũng có thể nắm bắt.

Thấu tỏ được những điều này, con người sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn về bản chất của mọi sự trên đời, khám phá và hiểu rõ chính bản thân mình cũng như biết cách vượt qua những giông bão của cuộc sống.

Quy luật thứ nhất: Chẳng có gì mất đi trên đời

 Đức Phật nói có 3 quy luật trên đời ai cũng cần thấu tỏ, lĩnh hội được tất sẽ sống an yên - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trong vũ trụ này, vật chất sẽ chuyển đổi thành năng lượng, rồi năng lượng sẽ lại chuyển đổi thành vật chất. Nói cho dễ hiểu, một chiếc lá vàng úa rụng từ trên cây, rơi xuống đất, không phải là thứ vô ích. Nó mục rữa, rồi biến thành phân, sẽ hòa vào đất, giúp hạt giống nảy mầm, trở thành một cái cây mới.

Chúng ta cũng như vậy, được cha mẹ sinh ra, rồi lại sinh ra những đứa con, đời này sẽ tiếp nối đời khác trong một vòng tuần hoàn không bao giờ kết thúc.

Chúng ta cũng giống như cây cỏ, như giọt nước mưa rơi xuống từ trên trời, là tổng hòa của những thứ xung quanh ta. Do đó, nếu ta hủy diệt trái đất, cũng là hủy diệt chính mình, lừa dối người khác, cũng là lừa dối chính mình.

Hiểu được điều này, ta sẽ biết trân trọng cuộc sống xung quanh, vì chẳng có gì là ngẫu nhiên, mọi thứ, bao gồm cả chính ta, đều là một mắt xích nhỏ trong cả cái vòng tuần hoàn của cuộc sống, bảo vệ những sinh vật khác, cũng là bảo vệ chính mình.

Quy luật thứ 2: Mọi thứ rồi cũng sẽ biến đổi

 Đức Phật nói có 3 quy luật trên đời ai cũng cần thấu tỏ, lĩnh hội được tất sẽ sống an yên - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Theo Đức Phật, cuộc đời giống như một dòng sông tuôn chảy liên tục không ngừng nghỉ.

Đôi khi nó sẽ chảy chậm, lại có lúc sẽ chảy nhanh. Nó sẽ chảy hiền hòa ở một số quãng, nhưng ở một số nơi, lại chảy cuồn cuộn qua các ghềnh khác. Ngay khi ta nghĩ rằng mình đã an toàn, thì sẽ lại có những chuyện không ngờ ập đến.

Đã từng có thời kỳ những loài khủng long, voi ma mút hay các loài hổ răng kiếm khổng lồ từng thống trị trái đất này. Thế nhưng, tất cả cũng đã đều tuyệt chủng. Những dạng sống khác nhỏ hơn xuất hiện, rồi cuối cùng là con người, đó chính là quy luật.

Sống ở trên đời, có ngày gặp gỡ, tất sẽ có ngày chia ly, sự khác nhau chỉ là ở những khoảng thời gian. Do đó, trân trọng chứ không níu giữ, cảm tạ chứ không oán thán, đó mới là cách ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ với những người xung quanh ta.

Hiểu và áp dụng được quy luật thứ 2 này vào cuộc sống, ta sẽ có tâm thái bình thản, ung dung, không bao giờ bị sốc trước những đổi thay của cuộc đời để sẵn sàng đón nhận chúng.

Quy luật thứ 3: Luật nhân quả luôn tồn tại

 Đức Phật nói có 3 quy luật trên đời ai cũng cần thấu tỏ, lĩnh hội được tất sẽ sống an yên - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Theo Đức Phật, trên đời luôn tồn tại một quy luật bất thành văn, đó là sự thay đổi liên tục tới từ 2 chữ Nhân – quả. Đây cũng là quy luật xuất hiện trong mọi ngành khoa học hiện đại. Về điểm này, khoa học và đạo Phật đã có cùng một điểm chung.

Nếu như khoa học gọi đó là nguyên nhân và kết quả, thì trong Phật giáo, ta gọi là Nghiệp (hay Karma trong tiếng Phạn).

Không có gì xảy đến ngẫu nhiên với chúng ta. Những điều mà ta nhận được hôm nay, chính là kết quả của những hạt mầm ta gieo vào hôm qua.

Nói cách khác, gieo nhân nào, gặt quả ấy, ta sẽ nhận lại chính xác những gì mà việc làm của mình mang lại. 

Nếu ta làm việc tốt, ắt sẽ có quả báo tốt, còn nếu làm việc xấu, hẳn sẽ có quả báo tương ứng. Nếu hiểu rõ được điều này, ta không cần sợ chữ "Nghiệp", vì nó chính là người bạn của chúng ta, nó dạy chúng ta cách tạo ra một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Online.sfsu.edu

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM