Dừa sớm lọt top xuất khẩu tỷ đô?
Với việc Mỹ và sắp tới là Trung Quốc mở cửa thị trường, dừa Việt Nam đang tràn trề cơ hội gia tăng vị thế để sớm gia nhập nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô.
Mỹ mở cửa với trái dừa Việt Nam
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vừa qua, Mỹ đã công bố mở cửa thị trường với trái dừa sọ Việt Nam. Theo đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang đây ngay lập tức. Đây là thông tin vui với bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung chủ yếu diện tích trồng dừa của cả nước.
Mỗi một thị trường nhập khẩu lại có một yêu cầu khác nhau với trái dừa Việt Nam. Nếu Trung Quốc chấp nhận trái dừa khô, thì Mỹ lại chỉ chấp nhận trái dừa tươi và còn phải loại bỏ hoàn toàn, hoặc ít nhất ¾ lớp vỏ xanh bên ngoài. Lý do được Cục Kiểm dịch Động thực vật Mỹ đưa ra là quả dừa được lột vỏ sẽ được xác định là dừa thương phẩm không có khả năng nảy mầm, từ đó giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh hoặc sinh vật gây hại có thể có trên vỏ trái dừa. Nếu làm được điều này, những lô hàng hóa dừa tươi xuất khẩu sang Mỹ sẽ chỉ phải thông qua 1 lần kiểm tra duy nhất tại các cảng nhập khẩu.
Ngay khi thông tin trái dừa tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, giá dừa tươi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian trầm lắng. Nếu đầu năm nay, giá dừa tươi chỉ ở mức 15.000 - 20.000 đồng/chục, thì hiện đã tăng lên 60.000 - 65.000 đồng.
"Nếu dừa được xuất khẩu thì giá hơn 60.000 đồng cũng có. Nếu không xuất khẩu thì tiêu thụ trong nước có 20.000 - 30.000 đồng/chục trở lại", ông Trần Công Huấn, Hợp tác xã Nông nghiệp Tập Ngãi, Trà Vinh, chia sẻ.
Diện tích trồng dừa lớn thứ 5 thế giới giúp Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để mở rộng thị trường. (Ảnh: NLĐ)
Theo các chuyên gia, việc Mỹ mở cửa đón nhận trái dừa tươi sẽ góp phần giúp giá dừa trong nước ổn định hơn, mang đến thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân.
"Nếu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ xuất khẩu dừa tươi thì sẽ rất phấn khởi cho bà con. Vào thị trường Mỹ, dừa tươi sẽ chia sẻ bớt lượng dừa khô, giá của nông dân sẽ ổn định", ông Dương Thọ, Công ty TNHH Dương Phát, đánh giá.
"Đặc thù của rau quả là công nghệ bảo quản, dự trữ, nhưng thời gian dài là không có. Khi các nước nhập khẩu quả tươi vào nhưng dùng không hết, người ta vẫn nhập mặt hàng mới, do đó mặt hàng khác có thể chững lại, nhưng rau quả tăng trưởng khá tốt", cho biết.
Hiện nay, diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt khoảng 200.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích trồng dừa lớn thứ 5 thế giới giúp Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để mở rộng thị trường, đưa trái dừa tươi của nước ta tăng cường "xuất ngoại".
Chuẩn bị cho trái dừa xuất ngoại
Không chỉ Mỹ, dừa tươi Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nhu cầu thị trường hàng năm của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ trái dừa, nhưng các sản phẩm từ dừa của nước ta hiện chỉ đáp ứng được 3,5% tổng nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Các địa phương cùng người nông dân và doanh nghiệp đang thay đổi cách làm để dừa tươi Việt Nam sớm nhận được "tấm vé thông hành" sang các thị trường tiềm năng.
Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng dừa hơn 27.000 ha, đứng thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long với gần 7 triệu cây dừa. Để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ.
"Có hơn 5.500 ha diện tích trồng dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA. Các tổ chức CU đang tiếp tục đánh giá cấp chứng nhận hơn 2.700 ha", ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết.
Nhằm chuẩn bị cho kỳ kiểm tra thực địa của Trung Quốc, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh nói riêng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có việc cấp mã số vùng trồng để chủ động quản lý, khoanh vùng diện tích trồng dừa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn địa phương triển khai cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để khảo sát vùng trồng để cấp mã số vùng trồng, tiến hành cấp chứng nhận dừa hữu cơ, VietGAP... để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế", ông Lê Văn Đông cho biết thêm.
"Họ cứ thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói và sau đó, những vùng trồng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của phía nhập khẩu thì họ sẽ gửi danh sách về cục và cục sẽ đàm phán với các nước để chấp nhận mã số này. Tôi hy vọng trong thời gian tới, với cách thức quản lý mới, số liệu sẽ thống nhất hơn, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Với việc Mỹ và sắp tới là Trung Quốc mở cửa thị trường, dừa Việt Nam đang tràn trề cơ hội gia tăng vị thế để sớm gia nhập nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô.