Đưa hoạt hình Nhật Bản về Trung Quốc, nữ doanh nhân này tạo ra công ty có mức tăng doanh thu và lợi nhuận 300% chỉ trong 3 năm

25/08/2020 14:55 PM | Kinh doanh

Năm 2018, mảng kinh doanh truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử và những sản phẩm liên quan đến chúng, gọi tắt là ACG, đạt tổng doanh số 6,9 tỷ USD từ 400 triệu người hâm mộ tại Trung Quốc, tăng 10% so với năm 2017.

Vào một ngày tháng 1/2020, doanh nhân Lovinia Chiu trở lại Hong Kong từ Mỹ để đối mặt với thách thức đang diễn ra trên toàn cầu, đó là làm thế nào để giữ được hãng Medialink của cô không bị đóng cửa trong mùa dịch Covid-19.

Hãng Medialink của cô Chiu chủ yếu mua lại bản quyền hoạt hình từ Nhật Bản và bán lại cho các đối tác Trung Quốc để hưởng lợi nhuận.

"Trong mùa dịch Covid-19, chúng tôi không thể đến nói chuyện với khách hàng và bỏ lỡ khá nhiều thương vụ", Cô Chiu cho biết.

Hiện khoảng 80% doanh thu của Medialink đến từ việc mua bản quyền hoạt hình tại Nhật và bán lại cho những hãng phân phối lớn tại Trung Quốc như Bilibili hay iQiyi. Thế nhưng dù đại dịch khiến người Trung Quốc xem phim hoạt hình nhiều hơn, những hãng sản xuất tại Nhật lại chẳng thể làm việc bình thường do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Đưa hoạt hình Nhật Bản về Trung Quốc, nữ doanh nhân này tạo ra công ty có mức tăng doanh thu và lợi nhuận 300% chỉ trong 3 năm - Ảnh 1.

Hãng Medialink cho biết doanh số năm tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3/2020 đã giảm 1/3 xuống còn 315 triệu Dollar Hong Kong (HKD), tương đương 40 triệu USD. Lợi nhuận của hãng cũng giảm tới 66% xuống chỉ còn 36 triệu HKD.

Trước khi đại dịch diễn ra, mảng kinh doanh của Medialink khá tốt khi lợi nhuận năm tài khóa 2019 kết thúc vào tháng 3/2019 tăng 12% lên 106 triệu HKD, tương đương 14 triệu USD. Doanh thu của hãng cũng tăng hơn 50% đạt 476 triệu HKD. Chỉ trong vòng 3 năm cho đến năm 2019, cả doanh số và lợi nhuận của Medialink đều tăng gần 300%.

Trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019, giá cổ phiếu của Medialink đã tăng gần 15 lần so với mức giá chào bán và đạt hơn 600 triệu HKD tổng mức vốn hóa thị trường.

Thế nhưng giờ đây với đại dịch Covid-19, Medialink đang phải tính đến chuyện thành lập trang thương mại điện tử để bán các sản phẩm phụ liên quan đến thương hiệu hoạt hình như quần áo, đồ chơi hay nhiều mặt hàng khác.

Hiện Trung Quốc đang là mảnh đất màu mỡ cho Medialink khai thác khi rất nhiều thế hệ trẻ em nơi đây chịu ảnh hưởng từ các bộ phim hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản. Sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng khiến lượng tiền chi cho mảng này ngày càng nhiều hơn.

Năm 2018, mảng kinh doanh truyện tranh, hoạt hình, trò chơi điện tử và những sản phẩm liên quan đến chúng, gọi tắt là ACG, đạt tổng doanh số 6,9 tỷ USD từ 400 triệu người hâm mộ tại Trung Quốc, tăng 10% so với năm 2017.

Không đam mê hoạt hình

Dù là giám đốc điều hành của một hãng chuyên kinh doanh từ hoạt hình cũng như có tài năng phát hiện các tác phẩm sẽ gây sốt trên thị trường nhưng doanh nhân Chiu cho biết bà không ham mê thể loại phim này lắm.

Sau khi tốt nghiệp năm 1987 tại trường đại học Shue Yan University tại Hong Kong, bà Chiu làm trợ lý marketing cho một công ty truyền thông địa phương nhỏ, sau đó thăng tiến dần trước khi trở thành giám đốc kinh doanh cho Star TV tại Hong Kong vào năm 1993.

Tuy nhiên với niềm đam mê khởi nghiệp, bà Chiu quyết định bỏ việc 1 năm sau đó và dùng vỏn vẹn 100.000 HKD để thành lập Medialink. Hiện nay số cổ phần mà nhà khởi nghiệp Chiu nắm giữ trong Medialink có tổng trị giá đến hơn 20 triệu USD.

Đưa hoạt hình Nhật Bản về Trung Quốc, nữ doanh nhân này tạo ra công ty có mức tăng doanh thu và lợi nhuận 300% chỉ trong 3 năm - Ảnh 2.

Lovinia Chiu và Lovinia Noletta

Thương vụ đầu tiên của Chiu là bản quyền một series hoạt hình của Canada, thế nhưng bà nhanh chóng nhận ra rằng sự phổ biến của hoạt hình Nhật Bản tại Trung Quốc mới là mảnh đất màu mỡ cho mình. Bởi vậy vào năm 1994, doanh nhân Chiu đã dành 5 ngày tại thủ đô Tokyo để thương thảo với những đối tác tiềm năng.

Vào thời điểm đó, phần lớn các studio phim hoạt hình đều khá ngập ngừng với startup trẻ của Chiu.

"Tôi thực sự rất thất vọng", bà Chiu nhớ lại.

Phải mất đến gần 1 năm thì nữ doanh nhân này mới tìm được thương vụ đầu tiên cho Medialink tại Nhật Bản, đó là nhận phân phối độc quyền tại thị trường Trung Quốc cho studio Sogo Vision. Bà Chiu cho biết mình cuối cùng đã thuyết phục được đối tác nhờ vốn hiểu biết sâu rộng về thị trường hoạt hình Trung Quốc, thị hiếu của giới trẻ nơi đây cũng như làm cách nào để quảng bá và thu lợi tốt nhất.

Chỉ vài năm sau đó, Medialink đã thành lập được một danh sách các đối tác tại Nhật Bản bao gồm Aniplex, Avex Pictures hay Kadokawa Corp. Tính đến cuối năm 2019, Medialink đã sở hữu bản quyền của 386 tựa phim hoạt hình khác nhau.

Góp phần tạo nên thành công cho Medialink còn phải nhắc đến người em của Chiu là cô Noletta, gia nhập hãng vào năm 1994 sau khi tốt nghiệp trường Southerns Illinois University chuyên ngành điện ảnh và nhiếp ảnh.

"Tôi lúc đó còn chẳng hiểu kinh doanh bản quyền hoạt hình là cái gì. Chúng tôi phải tự học hỏi từng bước một", Cô Noletta, hiện là giám đốc phân phối của Medialink nhớ lại.

Ngoài hoạt hình, hiện Medialink còn kinh doanh bản quyền hình ảnh các nhân vật in trên những sản phẩm phụ như đồ chơi, quần áo hay những mặt hàng lưu niệm. Medialink hiện có khoảng 114 mặt hàng như vậy đang được kinh doanh trên thị trường tính đến năm 2019. Bản thân chị Noletta cũng chịu trách nhiệm kinh doanh bản quyền hoạt hình Nhật Bản tại các thị trường khác như Malaysia, Singapore hay Thái Lan.

Đưa hoạt hình Nhật Bản về Trung Quốc, nữ doanh nhân này tạo ra công ty có mức tăng doanh thu và lợi nhuận 300% chỉ trong 3 năm - Ảnh 3.

Một trong những tác phẩm mà Medialink mua bản quyền từ Nhật Bản

Buộc phải thay đổi trong mùa dịch

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng Medialink cần đa dạng hóa thêm sản phẩm trong bối cảnh người Trung Quốc ngày càng có nhiều lựa chọn giải trí hơn, qua đó làm loãng số lượng người hâm mộ trung thành với hoạt hình Nhật.

Ngoài ra, Meadialink cũng đang phải đối mặt với thách thức khi các nhà phân phối Trung Quốc trực tiếp tìm đến những studio Nhật Bản thay vì đi qua trung gian như hãng.

Dẫu vậy theo bà Chiu, doanh số bán hàng các sản phẩm phụ của Medialink vẫn tăng bất chấp sự suy giảm doanh thu từ mảng bản quyền hoạt hình. Dù tổng doanh thu năm 2019 giảm nhưng doanh số bán hàng của Medialink lại tăng 31%, hiện chiếm tới 1/5 tổng doanh thu của hãng.

Sắp tới đây, Medialink dự kiến sẽ tung ta trang web kinh doanh các sản phẩm có gắn hình ảnh bản quyền nhân vật hoạt hình của hãng.

"Nếu chúng tôi có nền tảng thương mại điện tử của riêng mình thì sẽ không phải cần phụ thuộc vào người khác nữa", bà Chiu nhấn mạnh.

Một cơ hội khác cho Medialink là thay vì mua bản quyền, họ có thể tự sản xuất hoạt hình mang thương hiệu của hãng. Trong năm vừa qua, Medialink đã đầu tư cho 6 series hoạt hình và một bộ phim điện ảnh. Dù dịch Covid-19 khiến thời điểm ra mắt của một số tác phẩm bị trì hoãn nhưng bà Chiu tin rằng những sản phẩm này sẽ trở thành động lực phát triển cho tương lai.

"Chúng tôi khá thận trong khi lựa chọn tác phẩm để đầu tư. Chúng tôi sẽ cần một khoảng thời gian để có thể phát triển lớn mạnh hơn nhưng kết quả nhìn chung khá là ấn tượng để đi tiếp", bà Chiu nhận định.

AB

Cùng chuyên mục
XEM