Đứa con trai bỏ học 5 năm vào trường top đầu: Không nhận ra SỰ THẬT này, suýt nữa tôi mất con
Thầy giáo mắng con tôi một câu mà tôi đến nay vẫn còn nhớ: "Cậu như thế này, sau chỉ có thể đi nhặt rác thôi".
* Bài viết của Tiểu Quyên (tên nhân vật đã thay đổi) - một bà mẹ ở Trung Quốc.
Trường Tiểu học con tôi theo học ở trung tâm Thành Đô là một trong những trường hàng đầu ở địa phương. Trường không có bài tập về nhà! Con trai tôi đi học về, ném cặp sách và lao ngay ra ngoài chơi. Tôi thường hỏi con có muốn học thêm lớp sở thích gì không, nhưng cậu bé không chút do dự trả lời: "Dạ không".
Được rồi, một tuổi thơ vui vẻ có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần, chơi đùa có thể phát triển trí thông minh một cách toàn diện. Điều này là kiến thức cơ bản đối với tôi, một bà mẹ làm công tác giáo dục, và tôi luôn áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Vào cuối năm 2000, trước Tết, trong học kỳ mùa xuân lớp 4, chồng tôi đi du học Mỹ. Không còn sự nghiêm khắc và kỷ luật của cha, bản tính "hoang dã" của con bộc lộ rõ ràng.
Sự bùng nổ của con trai tôi bắt đầu sau một lần bị giáo viên Toán phê bình. Tôi nhận được cuộc gọi "tố cáo" và vội vàng chạy đến trường. Hóa ra, con trai tôi ngủ trong lớp và không biết trả lời câu hỏi khi thầy giáo gọi. Thầy giáo mắng con tôi một câu mà tôi đến nay vẫn còn nhớ: "Cậu như thế này, sau này chỉ có thể đi nhặt rác thôi".
Vừa dứt lời, con trai tôi lập tức bùng nổ: "Tôi không đi nhặt rác đâu!". Nó ném quyển sách Toán xuống, đập mạnh cửa và bỏ chạy, khiến thầy giáo tức giận vô cùng! Ông nói thêm: "Nếu bây giờ không quản lý bây giờ, đến trung học cơ sở sẽ không thể quản lý được nữa".
Không ngờ lời của thầy giáo lại trở thành sự thật.
Kỳ thi tuyển sinh trung học: Không ai nhận
Sau khi con thi vào mấy trường, kết quả đều thất bại thảm hại, đặc biệt là môn Toán. Nghe nói một trường không thi tuyển sinh, tôi liền dẫn con tới đó. Sau khi xem bảng điểm, giáo viên tuyển sinh nói 3 lý do khiến họ không nhận con tôi: Điểm trung bình tiểu học không đạt 98 điểm. Không có giải thưởng Olympic toán. Không có thành tích đặc biệt trong các môn thể thao và nghệ thuật.
Tóm lại, con tôi chỉ biết chơi đùa, hoàn toàn không đủ điều kiện để vào được trường! Vậy con tôi có thể vào đâu?
Gần Quảng trường Thiên Phủ, chưa đến 100 mét có một trường trọng điểm ở tầng thứ hai. Cơ sở vật chất của trường khá tốt, điều khiến tôi ngạc nhiên là trên bảng đen nhỏ bên cạnh viết dòng chữ: "Tuyển sinh lớp 6, còn ít chỉ tiêu, muốn đăng ký nhanh tay!".
Tôi như tìm thấy cọng rơm cứu mạng, vội vàng chạy đến văn phòng trường hỏi thăm.
Trường không yêu cầu xem thành tích, không xem chứng nhận giải thưởng, chỉ cần đóng 20.000 NDT tiền tài trợ là có thể nhập học. Lúc đó, tôi cảm ơn trường vô cùng, vì con trai tôi cuối cùng cũng có thể đi học. Ai ngờ, đó chính là nơi bắt đầu cơn ác mộng của con trai tôi.
Nổi loạn
Khi vào trung học, bài tập về nhà chất đống như núi, con ngồi cả ngày ở trường, về nhà lại tiếp tục làm bài cho đến khuya. Những ngày tháng vui chơi sau giờ học ở tiểu học đã không còn nữa, việc học trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất đối với con trai tôi, và việc thúc giục con học hành trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất đối với tôi.
Tôi ngày càng phải đến trường để nghe giáo viên khiển trách: "Con của chị sao không làm bài tập, suốt ngày chỉ ngủ trên lớp…". Tôi không biết phải trả lời thế nào, chỉ biết xin lỗi, cảm thấy xấu hổ, bất lực, không thể bào chữa cho mình.
Tôi đã thuê gia sư, cho con đi học thêm, thử mọi cách để cải thiện điểm số, nhưng không thấy kết quả gì. Lên lớp 8, bài tập về nhà càng lúc càng nhiều, con trai tôi học càng ngày càng kém, cộng thêm tuổi dậy thì, về nhà con lại có thái độ tức giận. Tôi sợ đến mức không dám nói thêm một lời nào, nếu không, con sẽ lấy bất cứ thứ gì ném vào tôi.
Liệu trường học có phải là địa ngục không? Tại sao con trai tôi mỗi lần về nhà lại như biến thành một con người khác?
Có lần, con về nhà rồi chạy vào phòng, tôi gọi ăn cơm, con xông ra, hất hết đồ ăn trên bàn đổ xuống đất. Sau khi hỏi, tôi mới biết là con đã cãi nhau với giáo viên chủ nhiệm vì vấn đề đồng phục, bị phạt đứng từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, không được vào lớp học.
"Con của chị có phải bị trầm cảm kiểu kích động không?" - Một Giáo sư Y học dự phòng giàu kinh nghiệm nhắc nhở tôi, và khuyên tôi nên tìm đến tư vấn tâm lý.
Đúng vậy, học hành khó khăn, không có hứng thú, tâm trạng chán nản, hành vi kích động, chỉ cần một việc nhỏ là có thể nổi giận, trong nhà mọi thứ bằng thủy tinh đều bị ném vỡ, có lẽ tư vấn tâm lý sẽ có ích. Kết quả của buổi tư vấn là khuyên dùng thuốc chống trầm cảm, phối hợp điều trị tâm lý.
Sau khi uống thuốc, con trai tôi ngoài cảm giác buồn nôn, chóng mặt còn càng ngày càng ghét học, ghét thầy cô, và vấn đề tinh thần lại trở thành lý do để con không đi học.
Năm 2004, cả một năm học trôi qua, mỗi ngày tôi đều lo lắng vì phải thuyết phục con trai đi học và làm bài tập về nhà.
Tôi còn nhớ vào cuối tuần trước kỳ nghỉ lễ, sợ con bị phạt, tôi thúc giục con làm bài tập, con tức giận cầm bàn phím ném mạnh, tất cả các phím rơi tung tóe khắp nơi. Tôi tức đến không nói nên lời, quay vào phòng ngủ, ngồi trên sàn nhà và khóc thảm thiết.
Thông thường, khi con trai thấy mẹ khóc, sẽ đến xin lỗi, nhưng con trai tôi không bình thường, nó đứng ở cửa phòng ngủ, hét lên: "Đừng khóc! Đừng khóc! Nếu mẹ còn khóc, con sẽ phá đồ đấy…". Đứa trẻ như một con thú hoang bị ép đến tận cùng, lộ ra vẻ hung dữ, khiến tôi sợ hãi, im lặng ngừng khóc, chỉ biết lấy chăn che mặt và nức nở.
"Tôi đã nhượng bộ"
Lên lớp 9, những ngày tháng khó khăn nhất đã đến.
Con trai tôi cứ ngủ vùi mỗi sáng, tôi dậy nấu bữa sáng, gọi mãi không chịu dậy, nhìn thấy sắp trễ học, tôi lo lắng đến mức phải gọi điện thoại quốc tế cầu cứu chồng.
Ban đầu, điện thoại còn có hiệu quả, nhưng sau đó hoàn toàn vô dụng, mỗi lần cúp máy là con trai tôi lại ném điện thoại, ít nhất đã ném vỡ 3 chiếc điện thoại bàn và 2 chiếc điện thoại di động, rồi quay vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục ngủ.
Cuối cùng tôi không còn cách nào, đành mặc kệ. Công việc ở cơ quan còn rất nhiều, cuộc sống bộn bề khiến tôi không biết xoay sở thế nào.
Vào học kỳ cuối của lớp 9, giáo viên không cho con trai tôi tham gia kỳ thi tốt nghiệp vì chưa hoàn thành quá nhiều bài tập.
Việc từ bỏ khuyên nhủ con học hành diễn ra vào một buổi sáng.
Sau rất nhiều lần tôi gọi con dậy, nài nỉ, cuối cùng con cũng thức dậy, nhưng vào nhà vệ sinh rồi không ra nữa, tôi đứng ngoài cửa gõ liên tục. Con mở cửa, kéo tay nắm cửa đến mức sắp rơi ra, và trong khoảnh khắc đó, tôi nhìn thấy con trai tôi tuyệt vọng ngồi xuống sàn, khuôn mặt méo mó vì đau đớn.
Khuôn mặt ấy lập tức khiến tôi bị chạm vào sợi dây thần kinh nhạy cảm nhất trong lòng. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu: "Không học nữa!". Tôi muốn con trai tôi khỏe mạnh, tôi không muốn con vì học hành mà bị ép đến mức trở thành người mắc bệnh tâm thần, bị đẩy đến đường cùng!
Học hành là để cuộc sống sau này tốt đẹp hơn, nhưng nếu con trở thành người bị bệnh tâm thần, liệu con có tương lai không? Cả cuộc đời con sẽ bị hủy hoại!
Giọng điệu của tôi lập tức dịu lại: "Dậy đi, con trai, chúng ta không đi học nữa". Con trai tôi im lặng đứng dậy, đi về phòng và đóng cửa lại.
Đó là vào tháng 3 năm 2005, mùa xuân đang nở rộ, nhưng trong lòng tôi lại cảm thấy như là mùa đông vắng lặng, lạnh lẽo.
Kể từ ngày hôm đó, con trai tôi bỏ học.
Bỏ học 5 năm
Trong 5 năm ở nhà, con sống hoàn toàn theo một nhịp sống đảo lộn.
Tôi dậy đi làm, con ngủ; tôi đi ngủ, con lại ngồi trước máy tính làm việc.
Làm gì? Tôi chưa bao giờ hỏi, chỉ biết con thích mô phỏng bay trên máy tính, theo yêu cầu của con, tôi đã trang bị đủ mọi thiết bị cần thiết cho việc mô phỏng bay, mỗi năm lại thay mới, chiếc cần điều khiển là món quà mà cha mang về từ Mỹ.
Căn phòng gần như trở thành một phòng làm việc mô phỏng bay chuyên nghiệp: Trên bàn là hai màn hình lớn, dưới bàn là đống thiết bị ngoại vi mà tôi không hiểu, còn đầy ắp tạp chí hàng không và các cuốn sách bay không biết lấy từ đâu.
Có một lần, tôi đi làm về, con đang dùng máy tính của tôi để dịch sách hướng dẫn bay. Khi đó tôi ngạc nhiên đến mức không thốt nên lời, dịch? Con biết bao nhiêu tiếng Anh?
Con tự mãn đáp: "Người quản lý câu lạc bộ (trực tuyến) nói phần con dịch là tốt nhất". Nghe vậy, tôi chỉ nghĩ trong lòng, chắc là người ta đang an ủi con.
Suốt gần 5 năm, con trai tôi chỉ chăm chăm vào sở thích này, ngoài ra thời gian còn lại con dành để xem phim Hollywood với bạn bè, nhà lúc nào cũng ồn ào, tôi nghe mà đau đầu. Công việc của tôi bận rộn, hay phải đi công tác, ít khi có thời gian ở cạnh con. Sợ con buồn chán, tôi khuyến khích con đi du lịch, kết bạn, khám phá thế giới bên ngoài.
Chỉ cần con thích và muốn làm gì, tôi đều ủng hộ: Đi xem triển lãm hàng không ở Chu Hải, tham gia thi đấu game ở Thâm Quyến, gặp gỡ bạn bè và tham gia các buổi tụ họp ở Bắc Kinh, Thượng Hải...
Có lẽ không phải tôi chỉ ủng hộ sở thích của con, mà là tôi muốn làm theo thiên tính của con. Chỉ cần con khỏe mạnh và vui vẻ, mọi chuyện đều tốt đẹp!
Những năm ấy, tôi rất ít khi nhắc đến tương lai với con, đó là một vùng đất cấm, không thể chạm vào! Nếu có ai chỉ trích con trai tôi không đi học, tôi sẽ không phản bác một cách điên cuồng, chỉ im lặng mà rơi nước mắt.
Tôi là một người làm giáo dục, con trai tôi 15 tuổi phải bỏ học, nếu cả đời này nó không còn cơ hội được học hành nữa, tôi đau lòng biết bao!
Những cảm giác tự trách, tội lỗi, lo âu không ngừng nhấn chìm tôi – người mẹ của một đứa con học kém, yếu đuối và vô vọng.
Ánh sáng cuối đường hầm
Vào buổi trưa ngày 17 tháng 6 năm 2010, khi tôi lái xe về gần đến nhà, con trai gọi điện: "Mẹ ơi, con đã nhận được visa rồi!". Nghe thấy câu đó, tôi lập tức bật khóc nức nở. Nước mắt tuôn rơi dọc hai bên má, mờ cả mắt. Tôi cố gắng lái xe về nhà, rồi ngã vào sofa và khóc lớn.
Tôi muốn khóc! Tôi muốn khóc cho thỏa thích! Tôi muốn dùng những giọt nước mắt để giải thoát sự mệt mỏi, ấm ức và lo lắng của mình suốt 10 năm qua! Tôi luôn coi đây là ngày con trai tôi tái sinh, vì giờ con có thể đi Mỹ học rồi!
Trong 5 năm bỏ học, con trai tôi là một thiếu niên chẳng có nghề nghiệp, nhưng cũng không lo lắng gì. Con giống như một chú ngựa hoang thoát khỏi xích, "hoang dã" lớn lên trong thế giới của riêng mình.
Vậy trong những năm đó, con trai tôi đã làm gì?
Dưới đây là một đoạn văn con trai viết sau khi vào đại học ở Mỹ vào năm 2011, từ đó có thể thấy được quá trình tâm lý thật sự của con:
Vào học kỳ thứ hai của lớp 9, tôi bỏ học, không hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc 9 năm, cũng không lấy được bằng tốt nghiệp. Bỏ học ở tuổi 15, quả thật là một quyết định có ảnh hưởng sâu sắc. Con đường phía trước của tôi, đối với đa số mọi người, có vẻ rất mờ mịt.
Tôi không biết tại sao khi ấy lại kiên quyết buông bỏ tất cả, một cách cứng rắn đến vậy. Có lẽ vì thầy cô không cho tôi cơ hội, hoặc có thể vì tôi đã không cho chính mình cơ hội.
Mẹ tôi là một giảng viên, cha tôi là một trong những kỹ sư phần mềm đầu tiên của Trung Quốc, họ từng sống trong một thời kỳ mà việc vào đại học giống như vượt qua một cây cầu hẹp trong biển người, rồi lại đạt được những học vị cao hơn. Ví dụ điển hình của việc "tri thức thay đổi số phận" đã luôn ở ngay bên tôi.
Nhưng con trai của họ lại chẳng những không có bằng tốt nghiệp trung học, mà còn bỏ học giữa chừng. Tôi có thể hình dung ra những áp lực và ánh mắt khác thường mà mẹ tôi phải chịu trong trường, bởi những hành động của tôi.
Trong những năm tháng bỏ học, tôi chìm đắm trong game. Cha mẹ tôi không can thiệp nữa. Khó mà tưởng tượng được, một trò chơi lại có thể thay đổi cả cuộc đời của một người. Thực ra tôi cũng không tin điều đó, cho đến khi tôi dùng những kiến thức học được từ game để kiếm được đồng lương đầu tiên.
Tôi thích chơi game mô phỏng bay trên máy tính, chơi rất giỏi và cũng có chút tiếng tăm trong giới game.
Năm 2007, tôi 18 tuổi, vào mùa đông năm đó, một thầy giáo ở Trung tâm huấn luyện kiểm soát không lưu Tây Nam (thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc) vô tình tìm đến tôi và hỏi tôi có khả năng làm một bộ tài liệu mô phỏng an toàn hàng không và đồng thời tham gia giảng dạy cho sinh viên mới tốt nghiệp làm việc trong ngành kiểm soát không lưu không.
Lúc đó tôi không biết mình có thể làm được không, nhưng tôi vẫn quyết tâm trả lời: "Không vấn đề gì".
Tôi và đối tác của mình làm ra một bộ tài liệu mô phỏng an toàn bay và được bổ nhiệm làm người hướng dẫn, bắt đầu dạy các bạn sinh viên mới tốt nghiệp về quy trình công việc của phi công, giúp họ hiểu được cách các thiết bị trong buồng lái hoạt động, cũng như quy trình vận hành của các máy bay phổ biến.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác khi lần đầu bước lên bục giảng: Vừa phấn khích, vừa lo sợ, vừa lúng túng... Tôi chẳng chuẩn bị bài giảng gì, vì tôi không biết làm thế nào. Trước khi bước lên bục giảng, tôi thậm chí đã có ý định từ bỏ.
Nhưng khi tôi bắt đầu mô tả công việc của phi công, quy trình chuẩn của Airbus A320 và Boeing 737, cách bố trí trong buồng lái... khuôn mặt căng thẳng của tôi bắt đầu thư giãn, lời nói cũng dần trở nên lưu loát...
Tôi nhận ra rằng, thật ra tôi không cần chuẩn bị bài giảng nữa, vì suốt hai năm qua, tôi đã làm quen với tất cả những thứ này trong game, và tất cả những kiến thức đó đã in sâu vào đầu óc tôi. Đến cuối buổi giảng, tôi thậm chí còn vui vẻ trò chuyện với các bạn sinh viên. Có lẽ là do gene của mẹ tôi, nếu tôi tiếp tục học, có lẽ tôi có thể trở thành một giáo viên giỏi.
Hai tuần sau, tôi nhận được lương lần đầu tiên, nhớ rõ ràng là 2425 Nhân dân tệ, và đó là khoản tiền tôi kiếm được nhờ vào "kiến thức" mà tôi học được từ việc chơi game.
Khi ấy tôi tự hào lắm, haha, giờ nghĩ lại thật buồn cười!
Sau đó, mọi việc bắt đầu đi đúng hướng mà tôi mong muốn.
Chúng tôi ký hợp đồng hợp tác với Trung tâm huấn luyện kiểm soát không lưu, mỗi năm sẽ làm các tài liệu an toàn hàng không cho họ. Mặc dù tiền không nhiều, nhưng đối với chúng tôi, đặc biệt là tôi, nó có ý nghĩa vô cùng lớn, bởi vì sản phẩm cuối cùng sẽ được gửi đến các đơn vị kiểm soát không lưu trên toàn quốc.
Năm đó, tôi đã có rất nhiều lần đầu tiên: Lần đầu nhận lương, lần đầu giảng bài, lần đầu làm "diễn viên", lần đầu cầm chiếc laptop bị lỗi đi thuyết trình cho Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, lần đầu làm tình nguyện viên trong trận động đất lớn...
Chúng tôi hợp tác thành công với Cục Hàng không Dân dụng, mỗi năm làm các tài liệu an toàn bay. Dần dần, tôi có thu nhập ổn định, dù lúc đầu không nhiều, nhưng ít nhất tôi đã bước được bước đầu tiên.
Mặc dù giờ đã là một phần của ngành hàng không dân dụng, tôi vẫn thích nghề phi công hơn. Tôi yêu thích máy bay, yêu thích buồng lái với những thiết bị mà người ngoài nhìn vào thấy choáng ngợp, yêu thích những cuốn sổ tay máy bay dày cộp và các quy trình kiểm tra, thích cảm giác ngắm nhìn mặt đất từ trên cao.
Nhìn từ trong buồng lái, dù có vẻ lạnh lẽo, nhưng với tôi, đó lại là một nơi đầy cảm xúc.
Người ngồi ghế này có thể đang trên đường gặp người yêu ở nơi xa, người ngồi ghế kia có thể vội vã về đoàn tụ với gia đình, người nữa có thể mới chia tay chồng để đến nơi làm việc... Mỗi hành khách đều có gia đình hoặc sự nghiệp đang chờ đợi. Nếu tôi may mắn tham gia vào hành trình ấy, đưa họ đến nơi họ muốn đến, và cuối cùng nhìn thấy cảnh các cặp đôi, gia đình đoàn tụ tại cổng, tôi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng ước mơ ấy khó mà thực hiện được.
Tôi chỉ có thể mơ ước được bay thử trên các mô phỏng phi công, mỗi lần ngồi trong buồng lái mô phỏng, tôi tự nhủ, chiếc mô phỏng máy bay trị giá 30 triệu USD này chính là bước cuối cùng trong ước mơ của tôi... Dù sao, không phải ai cũng có cơ hội được chạm tay vào những "đồ chơi" này, nên tôi cũng phải cảm thấy hài lòng với điều này vậy...
Hành trình bay cao của con tôi
Cuối cùng, với những nỗ lực phi thường, con tôi đã có được visa đi Mỹ và bắt đầu hành trình mới. Mỗi ngày con đều phải đối mặt với 3.700 từ vựng SAT khó nhằn, những bài Toán tưởng chừng dễ nhưng lại đầy cạm bẫy, và những câu hỏi ngữ pháp.
Con không có máy tính, chỉ có một chiếc iPad đã cũ, dùng Wifi của hàng xóm để liên lạc với mọi người, và một chiếc điện thoại chỉ có thể gọi và nhắn tin. Mệt mỏi, con tự nhủ: "Sẽ có một ngày tôi chinh phục được bầu trời này, một ngày nào đó tôi sẽ mang trọng trách cuộc sống trên vai". Mỗi lần nghĩ vậy, con lại có thêm động lực…
Tháng Ba năm đó, con đã nhận được chứng chỉ tốt nghiệp trung học Mỹ. Mùa hè năm 2011, con trai tôi đã nhập học tại một trường đại học ở Mỹ. Mặc dù điểm SAT không phải là xuất sắc, nhưng con vẫn được bốn trường đại học nhận vào, cuối cùng chọn trường Đại học North Dakota (UND).
Ngay từ khi bắt đầu học, chồng tôi đã yêu cầu con trai đi làm thêm. Con từng rất nhạy cảm và thiếu tự lập, nhưng giờ đây, phải làm công việc giao đồ ăn trong cái nóng oi ả.
Vào cuối tháng 7, con trai tôi tự lái chiếc xe cũ của cha, vượt qua chặng đường dài 2.500 dặm, đến một thị trấn nhỏ, bắt đầu cuộc sống đại học. Chúng tôi từng lo lắng về khả năng nghe nói đọc viết tiếng Anh của con, nhưng thật kỳ lạ, con trai tôi, với nền tảng học vấn không mấy vững, lại học rất tốt ở trường đại học Mỹ.
Môn Giải Tích là môn con trai tôi khá yếu, nhưng con đã vượt qua với điểm 83, một thành tích khá tốt. Đó là điểm B duy nhất trong năm thứ hai, bởi ở đại học Mỹ, nếu có môn nào đạt điểm C là phải học lại.
Trong hai kỳ nghỉ hè đầu tiên, con trai tôi không nghỉ một ngày nào, thay vào đó là học thêm 3-4 môn để nhanh chóng hoàn thành chương trình học. Tôi nhiều lần nhắc nhở phải nghỉ ngơi, đừng quá sức, nhưng con chỉ mong có thể tốt nghiệp sớm để giảm bớt gánh nặng tài chính cho chúng tôi.
Sau hai năm học, con trai tôi đã hoàn thành tất cả các kỳ thi và đạt các chứng chỉ phi công cần thiết tại trường. Ngày đầu tiên bay một mình, con vô cùng xúc động, giấc mơ đã chính thức cất cánh.
Tin vui đến liên tục. Vào mùa hè năm 2013, con trai tôi đã vượt qua kỳ huấn luyện phi công, và quyết định làm việc bán thời gian để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Vào tháng 9, một tin vui nữa đến: Con trai tôi đã trở thành giảng viên phi công tại UND, là một trong số 250 giảng viên, và đặc biệt là giảng viên duy nhất mang quốc tịch Trung Quốc.
Một ngày mùa đông tuyết rơi, con trai tôi gõ cửa và báo cho tôi một tin vui nữa: Con được thăng chức làm giám khảo phi công toàn thời gian tại UND.
Trong số vô vàn những đứa trẻ bỏ học, con tôi thực sự rất may mắn. Tôi vô cùng biết ơn trời đất và hạnh phúc vì trong những lúc khó khăn nhất, tôi đã không từ bỏ, mà luôn yêu thương con mình, bất kể điểm số hay việc học hành. Điều quan trọng nhất là con tôi luôn khỏe mạnh và bình an.