Dự trữ khỉ chiến lược: Mỹ đang chậm chân hơn TQ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa đại dịch Covid-19

25/02/2021 07:26 AM | Xã hội

Mỹ có thể đã muộn để giải quyết nhu cầu cung ứng nhưng chắc chắn sẽ quá muộn trong vài tháng nữa.

Thiếu khỉ thí nghiệm

Mark Lewis nóng lòng muốn tìm những chú khỉ. Điều này liên quan đến sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới.

Lewis, Giám đốc điều hành của Bioqua, chịu trách nhiệm cung cấp khỉ thí nghiệm cho các công ty dược phẩm như Modena và Johnson & Johnson. Các công ty dược phẩm này cần khỉ để nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19 . Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch này tràn vào nước Mỹ vào năm ngoái, rất khó để tìm được loài khỉ lai tạo đặc biệt này ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Vì không thể cung cấp cho các nhà khoa học những con khỉ trị giá hơn 10.000 USD/con nên khoảng chục công ty đã phải tranh giành động vật thí nghiệm vào thời điểm cao điểm của dịch bệnh.

Lewis cho biết: "Chúng tôi bị mất đơn hàng vì không thể cung cấp loài vật này trong thời gian quy định".

Thế giới cần loài khỉ để phát triển vắc xin phòng Covid-19 bởi DNA của chúng rất giống với con người. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, bởi nhu cầu bất ngờ do đại dịch gây ra, càng trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã gần đây của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà cung cấp động vật thí nghiệm hàng đầu trên thế giới.

Sự thiếu hụt nguồn cung gần đây một lần nữa làm dấy lên các cuộc thảo luận về việc thành lập một khu dự trữ khỉ chiến lược ở Mỹ, một khu dự trữ khẩn cấp tương tự những khu dự trữ dầu và ngũ cốc mà chính phủ nước này duy trì.

Do các biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm mất tác dụng của các vắc xin hiện tại nên giới khoa học đang cố gắng tìm kiếm nguồn khỉ mới và Mỹ cũng đang đánh giá lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh có tham vọng công nghệ sinh học của riêng mình.

 Dự trữ khỉ chiến lược: Mỹ đang chậm chân hơn TQ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Mỹ hiện có khoảng 22.000 con khỉ thí nghiệm. Hầu hết chúng đều là khỉ mặt hồng. Ảnh: NYT

Chỗ trống lớn do TQ để lại

Tại Đông Nam Á và đảo quốc nhỏ Mauritius ở Đông Nam châu Phi, các nhà khoa học Mỹ đang tìm kiếm kho dự trữ đối tượng thí nghiệm ưa thích trong các cơ sở tư nhân và do chính phủ tài trợ - khỉ rhesus và khỉ cynomolgus (còn được gọi là khỉ đuôi dài).

Nhưng không quốc gia nào có thể lấp đầy khoảng trống của Trung Quốc. Các nhà phân tích ước tính, dựa trên dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, trước đại dịch, hơn 60% trong số 33.818 linh trưởng mà Mỹ nhập khẩu vào năm 2019 đến từ Trung Quốc.

Bảy trung tâm linh trưởng ở Mỹ có tới 25.000 con khỉ thí nghiệm, chủ yếu là khỉ rhesus, có khuôn mặt hồng. Khoảng 600 đến 800 con khỉ đã được sử dụng trong nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 sau khi đại dịch bùng phát.

Các nhà khoa học cho biết, trước khi tiến hành thí nghiệm trên người, khỉ là mẫu vật lý tưởng để nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19. DNA của loài linh trưởng này và DNA của con người giống nhau đến hơn 90%. Các đặc điểm sinh học tương tự của chúng có nghĩa là chúng có thể được kiểm tra bằng quét mũi và quét phổi. Các nhà khoa học cho biết, hầu như không thể thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên các động vật khác, kể cả chuột.

Mỹ từng dựa vào Ấn Độ để cung cấp khỉ rhesus. Nhưng vào năm 1978, sau khi truyền thông Ấn Độ đưa tin khỉ được sử dụng trong các thí nghiệm quân sự ở Mỹ, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu. Các công ty dược phẩm buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Cuối cùng, họ đã tìm ra Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại dịch đã làm đảo lộn mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa các nhà khoa học Mỹ và các nhà cung cấp Trung Quốc.

Lewis nói: "Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, điều đó buộc mọi người phải chuyển sang mua một số lượng nhỏ hơn các loài động vật có sẵn".

Trong những năm qua, do sự phản đối của các nhà hoạt động vì quyền động vật, một số hãng hàng không, bao gồm các hãng hàng không lớn của Mỹ, cũng từ chối vận chuyển động vật phục vụ trong nghiên cứu y tế .

Lewis cho biết, cùng lúc đó, giá khỉ cynomolgus đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước, vượt quá 10.000 USD. Các nhà khoa học nghiên cứu các bệnh khác, bao gồm bệnh Alzheimer và AIDS, nói công việc của họ đã bị trì hoãn vì loài vật này được ưu tiên cho nghiên cứu SARS-CoV-2.

 Dự trữ khỉ chiến lược: Mỹ đang chậm chân hơn TQ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Phòng thí nghiệm Tulane là một trong bảy trung tâm nghiên cứu linh trưởng ở Mỹ. Ảnh: NYT

TQ cũng không đủ khỉ thí nghiệm

Sự thiếu hụt khiến ngày càng nhiều nhà khoa học Mỹ kêu gọi chính phủ đảm bảo nguồn cung tiếp tục về loài động vật này.

Skip Bohm, Phó giám đốc kiêm Giám đốc thú y của Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Tulane ở ngoại ô New Orleans, cho biết khoảng 10 năm trước, giới lãnh đạo của trung tâm đã bắt đầu thảo luận khu dự trữ khỉ chiến lược. Tuy nhiên, do cần số vốn lớn và thời gian để thiết lập một chương trình nhân giống nên kế hoạch chưa thể thực hiện được.

"Ý tưởng của chúng tôi hơi giống một kho dự trữ dầu chiến lược. Chúng ta dự trữ nhiên liệu số lượng lớn ở một số nơi và chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp", Bohm nói.

Nhưng các nhà khoa học nói rằng cùng với việc phát hiện ra các biến thể mới của virus, cuộc chạy đua vắc xin có thể sẽ khởi động lại và chính phủ Mỹ cần phải có hành động ngay lập tức đối với nguồn dự trữ.

Keith Reeves, nghiên cứu viên hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu virus và vắc xin của Trường Y Harvard, cho biết: "Nguồn dự trữ khỉ chiến lược chính là thứ chúng ta cần để đối phó với loại virus mới, nhưng chúng ta không có",

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, nguồn dự trữ chiến lược mạnh có thể vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng về động vật thí nghiệm. Họ cho biết, mặc dù có khoảng 45.000 con khỉ trong kho dự trữ do chính phủ kiểm soát, họ cũng đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng khan hiếm khỉ.

Các nhà nghiên cứu thường thu thập hàng trăm mẫu thí nghiệm từ một con khỉ, những mô này có thể được đông lạnh trong vài năm và nghiên cứu lâu dài. Các nhà khoa học cho biết, sẽ tận dụng từng con, nhưng những con khỉ bị nhiễm SARS-CoV-2 không thể quay trở lại sống chung với những con khỏe mạnh khác, chúng đều được chết nhân đạo.

Vào tháng 1 năm nay, Shen Weiguo, Tổng Giám đốc của Tập đoàn đầu tư mạo hiểm Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, nói với các đại biểu quốc hội địa phương rằng, ba công ty dược phẩm lớn của thành phố đa thiếu 2.750 con khỉ nghiên cứu vào năm ngoái. Shen Weiguo cho biết trong 5 năm tới, khoảng cách này dự kiến ​​sẽ tăng 15% mỗi năm.

Công ty Công nghệ sinh học Tianqin (Hồ Bắc) nuôi khỉ để phục vụ nghiên cứu và xuất khẩu. Trước đây, Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của họ, nhưng đến hiện tại, công ty không có đủ động vật để tiến hành các thí nghiệm của riêng mình, Giám đốc bán hàng Yan Shuo cho biết.

"Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền", Yan Shuo nói. "Không có động vật nào để bán hết bây giờ".

 Dự trữ khỉ chiến lược: Mỹ đang chậm chân hơn TQ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Tulane, một thiết bị công nghệ thú y phân phối thức ăn cho hơn 5.000 con khỉ mỗi sáng. Ảnh: NYT

Muộn hoặc quá muộn

Matthew R. Bailey, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia Mỹ về Nghiên cứu sinh vật y học, nói ông chuẩn bị đề xuất vấn đề thiếu hụt khỉ thí nghiệm với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông cho biết, quyết định ngừng xuất khẩu từ khi bắt đầu có dịch của Trung Quốc "có thể là một biện pháp khẩn cấp thận trọng", nhưng ông nói rằng với sự hiểu biết hiện tại về cách virus lây lan, Trung Quốc có thể bắt đầu xuất khẩu lại.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu này không nhằm vào một loài hoặc quốc gia cụ thể.

"Nếu tình hình quốc tế được cải thiện và các điều kiện xuất nhập khẩu được đáp ứng, Trung Quốc sẽ tích cực xem xét công tác liên quan tới phê duyệt khôi phục xuất nhập khẩu", bộ này cho biết trong một tuyên bố.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm nhất định vì không có đủ số lượng khỉ cho nghiên cứu.

Trong hơn một thập kỷ, ngân sách của Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Mỹ hoặc giữ nguyên hoặc giảm. Koen Van Rompay, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia California, cho hay, chính quyền liên bang đã yêu cầu trung tâm này mở rộng đàn sinh sản khoảng 10 năm trước, nhưng lại không cung cấp vốn nên quy mô của đàn sinh sản đã giảm.

"Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp tránh thai trong một số trường hợp", Rompay nói. "Vì vậy, sẽ có ít con non được sinh ra vào mùa xuân".

Tại một cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu y tế quốc gia Mỹ tổ chức vào tháng 12/2018, các nhà khoa học đã thảo luận về những thách thức mà nguồn cung các loài linh trưởng ở Mỹ phải đối mặt. Jeffrey Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia California, nói rằng vào thời điểm đó tất cả đều ý thức được rằng, "nếu Trung Quốc quyết định ngừng cung cấp, Mỹ sẽ gặp rắc rối lớn".

Những người tham gia "nhất trí rằng việc nhân giống khỉ cynomolgus trong nước là rất quan trọng và có thể gây nguy hiểm cho nghiên cứu y học trên toàn nước Mỹ nếu nhu cầu không được đáp ứng", báo cáo của hội nghị viết". Họ nhấn mạnh rằng có thể đã muộn để giải quyết nhu cầu này, nhưng chắc chắn sẽ quá muộn trong vài tháng nữa.

An An

Cùng chuyên mục
XEM