Dụ trâu vào chuồng chỉ bằng 1 nắm cỏ, người nông dân khiến vị triết gia nhận ra chân lý ai cũng nên biết
Những mẩu chuyện ngắn dưới đây chắc chắn sẽ đem đến cho bạn những giá trị hữu ích trong cuộc sống.
1. Người nông dân và triết gia
Có một triết gia nọ muốn đuổi con trâu vào chuồng nhưng làm thế nào nó cũng không chịu vào, hết lôi đằng trước lại vụt đằng sau, mệt hết hơi con vật vẫn không vào trong.
Lúc đó, một người nông dân đi ngang qua, trông thấy vậy liền phì cười, cầm một nắm cỏ xanh để trước miệng nó. Thật không ngờ con trâu ngoan ngoãn đi theo người nông dân vào chuồng.
Vị triết gia sau khi nghĩ đi nghĩ lại, từ việc này, ông đã kết luận ra vài triết lý sau:
Mỗi người đều có một khu vực sống phù hợp với mình, về việc làm thế nào để đối đãi với một con trâu thì triết gia không bằng người nông dân; nếu để người khác làm việc này, chỉ dựa vào cưỡng ép sẽ không thành công, dù bạn có tốn bao mồ hôi công sức đi nữa cũng khó có thể có được hiệu quả cao.
Thực ra, việc chúng ta cần làm chỉ đơn giản là cầm một ít "cỏ xanh" trong cuộc sống, cho người khác một chút ngọt ngào và hi vọng mà thôi.
Mọi việc trên đời không phải là bạn nghĩ sao nó sẽ là như thế. Hãy đứng ở vị trí của người khác, thường xuyên nghĩ cho người khác, như thế, đường đời sẽ càng đi càng rộng, càng đi càng thuận tiện.
2. Triết gia và nhà điêu khắc
Có một nhà điêu khắc nọ dùng đá để điêu khắc một con chim ưng, phải nói rằng con chim được điêu khắc rất giống chim thật, rất sinh động với tạo hình bay lên không trung.
Triết gia nhìn thấy thế liền hỏi nhà điêu khắc: "Sao anh có thể điêu khắc tảng đá để nó có thể bay lên được như thế?"
Nhà điêu khắc trả lời: "Thực ra, con chim ưng bay cao này vốn dĩ đã ở đó, tôi chỉ là bỏ đi những phần thừa thãi trên tảng đá mà thôi."
Một tảng đá, chỉ cần bỏ đi những góc cạnh thừa thãi là có thể bay lên. Điều này lại khiến triết gia nghĩ đến con người. Con người có lẽ cũng giống tảng đá kia, chỉ cần dám bỏ đi những thứ dự thừa, cũng có thể bay lên!
Nhưng sự cám dỗ của nhân sinh giống như những góc cạnh thừa thãi của tảng đá kia vậy. Nếu đối mặt với cám dỗ, cái này cũng muốn, cái kia cũng thích, cái này không lỡ bỏ, cái kia cũng muốn giữ, đời người sẽ như tảng đá nặng trĩu, mãi mãi chẳng thể trở thành chim ưng sải cánh bay cao được.
Lời bình
Muốn có một cuộc đời có thể bay cao, bay xa, chỉ cần từ bỏ những thứ thừa thãi đi là được.
3. Triết gia và người chăn dê
Người chăn dê vội vã cắm đầu đi về phía trước, phía sau là một con dê. Con dê dù chẳng bị buộc dây vào lôi đi, nó vẫn ngoan ngoãn bước theo sau người chăn dê như hình với bóng, bước đi cũng vội vã khẩn trương.
Triết gia thấy vậy cảm thấy lạ, liền hỏi người chăn dê: "Ông không dùng dây thừng dắt dê, tại sao nó vẫn cứ theo ông như hình với bóng vậy?"
Người chăn dê đáp: "Thứ giữ được con dê không phải là dây thừng mà là sự quan tâm chăm sóc của anh dành cho nó."
Lời bình
Câu trả lời của người chăn dê khiến triết gia nghĩ: Duy trì tình cảm giữa nguời với người cũng không phải dựa vào sự giám sát, hạn chế bởi sợi "dây thừng" hữu hình mà dựa vào tình yêu thương, sự quan tâm vô hình.
4. Tư duy của triết gia
Trước đây, có một gia đình nông dân nọ trồng được một quả hồ lô rất lớn. Quả hồ lo to như vậy, nên dùng vào việc gì bây giờ? Để đựng rượu thì sợ nó sẽ bị trướng lên rồi hỏng; cắt nó làm đôi thành gáo và dùng để mục nước thì chẳng có cái vại nào to để cho gáo vào vừa.
Người nông dân cảm thấy bí thực sự, không biết nên dùng quả hồ lô vào việc gì.
Triết gia nghe được chuyện này liền nói: "Con người chỉ biết dùng hồ lô để dụng nước mà không biết lấy nước đổ ra ngoài hồ lô, biến nó thành thuyền lênh đênh trên mặt nước, chẳng phải cũng tốt sao.
Lời bình
Theo quan điểm của vị triết gia, chỉ biết dùng hồ lô đựng nước nghĩa là đưa tư duy "nhốt" vào trong hồ lô, tư duy sẽ không thể tìm được đường ra.
Chỉ khi phá vỡ được lối tư duy đã thành thói quen, mới có thể phá vỡ một cách kỳ diệu nút thắt cổ chai trong tư duy, từ đó chúng ta mới phát hiện ra những thứ thực sự mới mẻ.