Dư nợ cho vay tại các CTCK bất ngờ tăng trở lại trong quý 3, ước tính đạt 160.000 tỷ đồng

21/10/2022 09:00 AM | Kinh doanh

Nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 có thể đã kích hoạt một phần dòng tiền quay trở lại bắt đáy khi nhiều cổ phiếu chiết khấu đủ sâu. Dù vậy, động thái giải ngân bằng margin vẫn khá dè dặt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường.

Sau quý 2 đầy sóng gió, tưởng chừng khởi đầu đầy suôn sẻ sẽ giúp thị trường chứng khoán có khoảng thời gian “dễ thở” hơn trong quý 3. Thế nhưng, nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 đã nhanh chóng dập tắt hy vọng trên, VN-Index thủng đáy cũ và kết quý với mức giảm hơn 5%. Cùng với số lượng tài khoản mở mới liên tục giảm, thanh khoản thị trường cũng ngày càng heo hút. Trong nhiều phiên, giá trị khớp lệnh trên HoSE còn xuống dưới 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khá bất ngờ là dư nợ cho vay toàn thị trường lại tăng trở lại trong quý 3 sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tính tới cuối quý 3/2022 vào khoảng 160.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 10.000 tỷ so với quý trước. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm nguồn này, con số thực tế có thể lên tới hơn.

Trong số 160.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, ước tính có khoảng 153.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán. Dư nợ margin trên toàn thị trường ước tính tăng khoảng 13.000 tỷ so với cuối quý trước.

Dư nợ cho vay tại các CTCK bất ngờ tăng trở lại trong quý 3, ước tính đạt 160.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Dư nợ cho vay của các CTCK tăng trở lại trong quý 3 sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó

Thực tế, sau làn sóng “call margin” diễn ra trên diện rộng vào cuối quý 2, rất nhiều tài khoản đã về ngưỡng an toàn, thậm chí dư sức mua. Nhiều khả năng, nhịp giảm mạnh từ đầu tháng 9 đã kích hoạt một phần dòng tiền quay trở lại bắt đáy khi nhận thấy thị trường đã chiết khấu đủ hấp dẫn và nhiều cổ phiếu có định giá rẻ bất ngờ. Dù vậy, có thể thấy động thái giải ngân bằng đòn bẩy vẫn khá dè dặt trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường.

Dấu ấn CTCK ngoại ngày càng đậm nét

Theo thống kê, hầu hết các CTCK top đầu đều có sự tăng trưởng dư nợ cho vay trong quý 3. Trong đó, Mirae Asset tăng mạnh nhất với giá trị hơn 2.900 tỷ đồng và vượt qua SSI để vươn lên dẫn đầu thị trường với dư nợ cho vay lên đến gần 16.400 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn còn kém khá xa so với kỷ lục đạt được vào cuối quý 1, thời điểm CTCK này cho vay gần 18.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3, toàn thị trường chỉ có 5 CTCK có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng. Ngoài Mirae Asset còn có SSI (15.600 tỷ đồng), TCBS (15.200 tỷ đồng), VNDirect (12.950 tỷ đồng) và HSC (10.900 tỷ đồng). Đáng chú ý, cũng chỉ có 4 CTCK có dư nợ cho vay tăng hơn 1.000 tỷ đồng sau quý 3 vừa qua là Mirae Asset, VNDirect, MBS  TVSI.

Dư nợ cho vay tại các CTCK bất ngờ tăng trở lại trong quý 3, ước tính đạt 160.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Cuộc đua trong top đầu nóng trở lại

Mặt khác, số lượng CTCK ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay trong đó đáng chú ý là HSC và VPS. Thời điểm cuối quý 3, dư nợ cho vay của HSC đã giảm gần 300 tỷ đồng so với cuối quý trước, còn 10.900 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 2 khoảng 25% so với mức kỷ lục ghi nhận vào cuối quý 1 năm nay. Trong khi đó, dư nợ cho vay của VPS đã giảm gần 800 tỷ trong quý 3 xuống còn 8.400 tỷ đồng, thấp hơn 21% so với đỉnh thời điểm cuối năm ngoái.

Có thể thấy, sự vươn lên mạnh mẽ của các CTCK ngoại, đặc biệt là nhóm có vốn Hàn Quốc đang làm thay đổi bộ mặt ngành chứng khoán. Với tiềm lực tài chính hùng hầu, các CTCK ngoại sẵn sàng tăng vốn thêm hàng nghìn tỷ và gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn với các CTCK nội về mọi mặt, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho vay (margin).

Ở một vài phương diện, các CTCK ngoại thậm chí đã vượt mặt các tên tuổi trong nước. Điển hình như trong cuộc đua cho vay, 3 cái tên có vốn nước ngoài là Mirae Asset, KIS và KB Securities vẫn thường xuyên góp mặt trong top dẫn đầu. Với tiềm năng phát triển rất lớn của chứng khoán Việt Nam, nhóm CTCK ngoại được dự báo sẽ không ngần ngại “đốt tiền” để giành thị phần và nếu không có những thay đổi mang tính đột phá hơn, rất có thể các CTCK nội sẽ bị tụt lại phía sau.

Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM