Du lịch, hàng không kêu khó
Các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch đang lên phương án ứng phó khi chi phí xăng dầu tăng cao, khách quốc tế đến chưa nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, con số này vẫn giảm tới 95% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch Covid-19 và chưa như kỳ vọng khi mục tiêu cả năm của ngành du lịch là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.
Chưa như kỳ vọng
Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch lớn chuyên đón khách quốc tế (inbound), thời điểm này thị trường nội địa khởi sắc trong khi khách quốc tế đến lại khá yên ắng.
Với ngành hàng không , từ đầu năm đến nay, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi phân khúc quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng - vẫn gặp khó.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết lượng khách quốc tế thời gian qua chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, còn khách du lịch - nguồn khách chính của ngành hàng không - vẫn rất hạn chế.
Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) chưa được kích hoạt do những quốc gia và vùng lãnh thổ này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Thị trường khách Nga thì bị đóng băng, chưa biết khi nào mở lại do xung đột Nga - Ukraine… "Một lượng lớn khách du lịch từ thị trường Nga, châu Âu, Mỹ đến Việt Nam cũng sụt giảm do các chi phí nội tại trong nước bị đẩy giá, ảnh hưởng tới túi tiền và làm đảo lộn kế hoạch du lịch tới nước ta" - ông Đinh Việt Thắng nói.
Ngay cả với khách Việt đi nước ngoài (outbound) cũng chưa mấy sáng sủa. Ông Yoshida Kenji, Trưởng Đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam, cho biết chính phủ Nhật Bản đã có định hướng mở cửa đón khách quốc tế nhập cảnh với mục đích du lịch, bắt đầu từ các đoàn tour trọn gói đi kèm một số điều kiện nhất định từ ngày 1-6 nhưng chưa tiếp nhận khách từ Việt Nam. "Nhật Bản sẽ tiếp nhận khách du lịch theo hình thức tour trọn gói từ các quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá thuộc "vùng xanh". Do Việt Nam đang được xếp thuộc "vùng vàng" nên việc mở cửa lại du lịch Nhật Bản từ Việt Nam cần thêm thời gian" - ông Yoshida Kenji thông tin.
Cần mở rộng miễn visa
Trong khi nguồn khách quốc tế đến chưa nhiều, các hãng hàng không lại đối mặt với giá xăng dầu tăng cao và liên tục, gây áp lực chi phí lên hoạt động rất nặng nề. Có thời điểm giá nhiên liệu dành riêng cho máy bay như Jet-A1 lên tới 168,5 USD/thùng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại đại hội cổ đông của Hãng hàng không Vietjet mới đây, nhiều cổ đông lo lắng chi phí có thể làm tăng giá vé, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của hãng. Phó Tổng Giám đốc Vietjet, ông Tô Việt Thắng, cho biết hãng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chi phí nhiên liệu như tiết kiệm nhiên liệu với đội bay mới và hiện đại; kiểm soát việc mua nhiên liệu dự trữ, sử dụng tiết kiệm, kiểm soát hao hụt, tăng phụ thu nhiên liệu… nhằm hạn chế thấp nhất tác động của việc tăng giá nhiên liệu.
Trong lĩnh vực du lịch, các DN cũng đang nỗ lực quảng bá, xúc tiến các thị trường để thu hút khách quốc tế bằng sản phẩm, dịch vụ mới lạ, hấp dẫn. Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST tourist, cho biết công ty đang hợp tác với các đơn vị công bố chuỗi sản phẩm du lịch kết hợp âm nhạc và thưởng thức nghệ thuật lần đầu tiên tại Việt Nam ở Phú Quốc, hướng đến dòng khách cao cấp cả trong và ngoài nước.
"Các sản phẩm du lịch mới không chỉ là đẳng cấp mà còn là trải nghiệm du lịch mới. Sản phẩm tour được thiết kế cho khách trong nước và hướng đến thu hút khách quốc tế vào mùa cao điểm cuối năm. Hai thị trường DN nhắm đến là khách cao cấp từ Hàn Quốc và Nhật Bản hoặc khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị), nhất là khách Ấn Độ vì thị trường này quan tâm đến sản phẩm tour trải nghiệm cao cấp tại Việt Nam ở Phú Quốc và Quảng Ninh" - ông Lại Minh Duy nói.
Để thu hút khách quốc tế và cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, nhiều DN kiến nghị cần tiếp tục mở rộng thị trường miễn visa trong bối cảnh các nước trong khu vực đang rộng cửa đón khách. Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, đánh giá chính sách visa của Việt Nam chưa thực sự thân thiện và cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan. Ngay cả những du khách tại thị trường mục tiêu Tây Âu, Lux Group cũng gặp khó khăn khi khách ở quá 15 ngày. Họ sang thăm Campuchia, muốn quay lại nghỉ dưỡng ở biển Việt Nam lại phải xin visa, khó cho cả du khách và DN. Không ít du khách đành cắt ngắn chuyến đi vì ngại làm visa.
"Cần chính sách visa đột phá để phát triển du lịch trong tình hình mới, như chính sách visa du lịch 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm để du khách hưu trí muốn an nhàn nghỉ ngơi, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và sống trọn vẹn tại Việt Nam. Trong tương lai, có thể miễn đơn phương tất cả những ai muốn đến thăm Việt Nam vì chúng ta coi trọng kinh tế du lịch, khách du lịch. Bởi chính sách visa là đầu tiên và cụ thể nhất của kinh tế mũi nhọn du lịch nếu Việt Nam muốn thành quốc gia du lịch" - ông Phạm Hà kiến nghị.
Kiến nghị gói hỗ trợ đặc biệt
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, để các DN hàng không có thể sớm phục hồi và phát triển, việc có một nguồn vốn/dòng tiền bền vững là rất quan trọng. Mới đây, Hiệp hội DN hàng không đã kiến nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các DN hàng không, như cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho DN hàng không được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách vận tải hàng không trong giai đoạn hậu Covid-19, đặc biệt là việc điều tiết vận tải hàng không quốc tế để hỗ trợ các hãng.