Dù là Captain America hay chỉ là một Steve Rogers, anh đã sống như một người đàn ông chân chính!
Trước khi trở thành Captain America bao người ngưỡng mộ, Steve Rogers là một anh chàng còm nhom, thể lực yếu kém, nhưng lại dư thừa khát vọng và sự kiên trì để trở thành một người lính góp sức cho đất nước trong thời kỳ máu đổ.
Khi những dòng này được viết ra, thì ENDGAME đã khép lại ở chiều không gian thực tại, Thanos đã vĩnh viễn chỉ là quá khứ, Iron Man và Black Widow đã nhận được sự vinh danh sau cùng. Mỗi siêu anh hùng của MCU giờ đây đã rẽ sang một chương mới của cuộc đời, và... biết khi nào sẽ gặp lại? Nhưng với tôi, cái kết đẹp nhất, bình yên nhất đã đến với Captain America. Vì trên tất cả, anh đã sống một cuộc đời thực sự cho riêng mình, một cuộc đời không vướng bận lo toan với trăm nghìn nỗi lo giải cứu thế giới.
Ai trong chúng ta khi xem đến hồi kết của ENDGAME, đều cảm thấy đoạn kết của Captain America, tuy tĩnh lặng nhưng lại khó có thể nào quên. Nhà sản xuất đã khéo léo xây dựng hai hình ảnh đối lập nhau, để kết thúc thiên anh hùng ca vĩ đại nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel bằng một khoảng lặng bình yên, nhưng đầy khắc khoải: sự ra đi của Iron Man, kết cục viên mãn về cuộc đời mới của Captain America. Trong cái chết đi liền với sự sống, trong nỗi khổ đau mất mát có niềm vui hạnh phúc, và dám chắc đó là một cái kết không thể nào hoàn hảo hơn cho cuộc hành trình dài đằng đẵng trải dài hơn hai thập niên.
Trước khi trở thành Captain America bao người ngưỡng mộ, Steve Rogers là một anh chàng còm nhom, thể lực yếu kém, nhưng lại dư thừa khát vọng và sự kiên trì để trở thành một người lính góp sức cho đất nước trong thời kỳ máu đổ. Có thể nói, hình tượng của Captain America được xây dựng xuyên suốt chiều dài lịch sử của MCU khá khuôn mẫu, một sự khuôn mẫu đến cứng nhắc của những anh hùng được ghi danh sử sách.
Anh ấy có một xuất thân đủ để làm câu chuyện truyền cảm hứng cho hàng triệu người: chỉ là một chàng trai nhỏ bé, yếu đuối, nhưng sẵn sàng hi sinh chính bản thân mình, trở thành một thí nghiệm khoa học nguy hiểm, cái giá phải trả có thể là chính mạng sống của mình. Mục đích của việc hi sinh này là gì? Để có được danh tiếng? Có được siêu năng lực để có thể làm mọi thứ theo ý thích? Hay là một sự bốc đồng tuổi trẻ? Tất cả đều không đúng. Anh chấp nhận đánh đổi mạng sống, trao vận mệnh đời mình vào những cỗ máy lạnh lùng với một mục tiêu duy nhất: chiến đấu chống lại cái ác.
Lúc thứ huyết thanh thần kì ấy được tiêm vào người, cơ thể Steve biến đổi và anh có tất cả mọi thứ: sức mạnh, sức bền, sự tin tưởng người khác và cả cơ hội gặp được người phụ nữ mình yêu suốt cuộc đời. Nhưng rồi cuộc đời của người anh hùng ấy lại trật nhịp, khiến anh trở thành một kẻ bơ vơ và lạc lõng sau một chiến thắng lịch sử.
Sinh ra trong thế chiến nhưng lại được đặt lên vai sứ mệnh của một siêu anh hùng ở thời hiện đại, thế giới của 70 năm sau khi "ngủ đông" xa lạ và đáng sợ một cách khủng khiếp với Steve Rogers. Phản xạ đầu tiên khi biết mình đã trở thành "người của tương lai", đối mặt với thế hệ mà đáng lí ra họ phải gọi anh là cha chú. Anh tiếp tục sống trong nhân diện của một người trẻ, đồng vai phải lứa với những người ở thời đại mới. Rốt cuộc ở mốc thời gian nào, anh cũng phải đón lấy cái trách nhiệm mà thế giới gọi là "siêu anh hùng" ấy, bởi nếu không, anh chẳng là gì cả.
Hình ảnh của Captain America chính là một biểu tượng và là niềm khát khao của bao thế hệ người Mỹ. Anh là Đội trưởng Mỹ, là biểu tượng cho tất cả những hoài bão và điều tốt đẹp mà đất nước này hướng tới. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một nhân vật anh hùng, một huyền thoại mà họ gửi gắm tất cả niềm tin và hi vọng. Captain America chính là một hình tượng như thế, nhưng dưới góc nhìn của thế giới hiện đại, khi những pho sử thi được thay thế bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Trong biệt đội Avengers, cả 6 người đều có những lí tưởng và mục đích chung, nhưng dám chắc chỉ Captain America là làm mọi thứ với một con tim vẹn nguyên, không tính toán và không vướng bận. Đến tận những giây phút cuối cùng, mọi điều anh muốn chỉ là sự chiến thắng của cái thiện, chiến đấu chống lại cái ác. Một trái tim có thể xem là thuần khiết với một lí tưởng vĩ đại, đôi khi bị đẩy lên đến mức cực đoan hóa.
Tâm niệm trở thành một người hùng, đấu tranh chống lại cái ác lúc nguyên sơ đã đeo bám anh suốt cả cuộc đời, qua bao thăng trầm, qua bao kẻ thù hùng mạnh, và ngay cả với đồng đội của mình. Đúng như vậy, chiến đấu với kẻ thù chưa bao giờ là một điều dễ dàng, Captain America luôn phải đụng độ với những kẻ thù chỉ chực chờ xé nát trái đất ra làm hai mảnh. Trong Avengers, anh là người hiểu luật nhất, nhưng Captain America đã dám đứng lên, phá luật, chống lại chính đồng đội và bè bạn của mình, để bảo vệ cho "đức tin" của bản thân, điều này càng khiến anh trở nên vĩ đại hơn. Trong "Civil War", đó chính là lúc chúng ta thấy niềm tin và ý chí quyết tâm chống lại cái xấu đã mạnh hơn tất cả mọi thứ, và đó cũng là lúc mà lập trường của Steve trở nên rõ ràng nhất.
Steve Rogers, hay Captain America bước vào "đại gia đình" Avengers bằng một tâm trạng lạc lõng, nhưng thứ chảy trong huyết quản anh vẫn là của một anh hùng. Qua những cuộc chiến từ lớn đến nhỏ, không ít lần phải chứng kiến mất mát hay những sự thật dối trá mang tính đả kích, Steve dần thích nghi với hiện tại và nhận thức rõ ràng hơn vị trí cũng như sứ mệnh mà anh gánh vác. Thời chiến hay thời bình cũng chẳng khác gì nhau, khi kẻ thù lớn nhất của nhân loại vẫn luôn là sự ích kỷ và ham muốn thống trị. Chính những nỗi đau và sự bạo tàn của chiến tranh cùng những người đồng đội lạ kỳ đến từ khắp nơi, đã kiến tạo nên một Captain America thực sự của nhân loại, một thủ lĩnh mạnh mẽ của Avengers, một biểu tượng quan trọng của "đế chế điện ảnh Marvel".
Rõ ràng, khi người ta sáng tạo ra vũ trụ điện ảnh Marvel, Iron Man và Captain America đã được xây dựng là hai hình ảnh đối lập nhau đến mức tưởng như khó có thể hòa hợp được, như lửa và nước. Một Tony Stark ồn ã, luôn kiêu hãnh đối đầu với một Steve Roger trầm tĩnh, luôn dành trái tim vì mọi người hơn. Nhưng cuối cùng, đứng trước đại cục, cả hai sẵn sàng gạt bỏ tất cả tình riêng và chiến đấu chung vì một mục đích. Âu cũng là một cách xây dựng tinh tế và ấm lòng.
Đơn giản thôi, trong một nhóm bạn, hai người thân thiết với nhau đôi khi chẳng vì tính nết giống nhau hay thế giới quan giống nhau, chỉ đơn thuần là thích cùng một điều gì đó, hay... ghét chung một ai đó. Những xung đột, căng thẳng, mâu thuẫn, thậm chí "ẩu đả" giữa cả hai khiến cho câu chuyện trở nên rất "người", và không hề xa lạ với bất kì ai. Dù gì đi nữa, họ không phải là những bậc thánh nhân, nên họ vẫn có những lúc mắc sai lầm.
Bạn vẫn còn nhớ cảnh anh hùng của chúng ta đơn đả độc đấu với đám kẻ thù trong thang máy ở Winter Soldier chứ? Trong Endgame, Cap cũng gặp lại tình huống tương tự, nhưng lần này Cap uyển chuyển hơn, thay vì để cho khán giả thấy lại một màn tả xung hữu đột, Cap trở nên mánh mung, biết dùng những cú lừa hơn. "Hail Hydra", "Bucky vẫn còn sống"... không chỉ đơn thuần là câu thoại khiến khán giả cười nghiêng ngả trong rạp. Ở Endgame, nó còn chứa đựng cả sự trưởng thành rất sâu sắc của nhân vật này. Từ một gã không thích chửi thề, cứng đầu đến cực đoan về chủ nghĩa anh hùng, nay đã biết dùng một chút thủ đoạn trong chiến đấu, thú vị chứ! A, hoá ra anh ấy cũng bị ảnh hưởng bởi cái gã tỉ phú suốt ngày ra vẻ ta đây, người mà Steve từng cãi nhau chí choé lúc mới gặp hồi năm 2012 đây mà!
Không những về tính cách, mà cả những thay đổi về sức mạnh của Cap cũng khiến khán giả vỗ tay ầm ầm và há hốc mồm trong Endgame. Ngay khi trận "giáp lá cà" với Thanos vừa diễn ra, bộ ba quan trọng nhất của Avengers là Iron Man, Thor và Captain America đã có một màn hợp sức vô cùng mãn nhãn. Cap cầm được cả chiếc búa của Thor và xoay mòng mòng như chơi yoyo, sức mạnh bất ngờ ấy chẳng cần phải giải thích mà vẫn khiến người ta phải hú hét. Là vì trong cả 3 nhân vật ấy, Cap là người mang biểu tượng anh hùng kiểu mẫu rõ nét nhất. Ở Cap, sức mạnh ấy hình thành từ cái gốc rễ của hai chữ "anh hùng".
Đây là câu hỏi âm ỉ mà bất kì người hâm mộ nào của Marvel cũng tự đặt ra khi xem xong ENDGAME, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai cố tìm ra lời giải thích. Vì sao Steve được trở về quá khứ để sống một cuộc sống mà anh hằng mong muốn? Tôi vẫn xem đó là một sự xứng đáng, và một món quà tưởng thưởng sau cùng trước những hi sinh và mất mát của Steve. Steve đã sống cả một cuộc đời vì mọi người, đã gồng gánh tất cả mọi thứ, và đã chọn vĩnh viễn rời xa Peggy Carter đồng nghĩa với hi sinh tất cả niềm vui của cuộc sống, tất cả đều đặt mọi người, đều đặt lợi ích của mọi người lên trên cả bản thân.
Có thể bạn sẽ phản đối vì bạn nghĩ Tony Stark hy sinh nhiều hơn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi tin là nếu ở những phút cuối cùng của trận chiến ấy, nếu Cap là người ở gần chiếc găng tay trong tình huống đó, anh cũng sẽ không ngại ngần mà hy sinh. Vì cả hai người bọn họ suy cho cùng chẳng khác gì nhau, họ đều là những người hùng. Nhưng buộc phải thừa nhận, Steve dũng cảm hơn Tony kể từ sau cái búng tay oan nghiệt của Thanos, anh buộc phải đối diện với trách nhiệm của tương lai. Đây là hai cảm xúc mãnh liệt nhất trong Endgame ở hồi kết của hai nhân vật này.
Sự hy sinh của Tony Stark có thể viết ra thành cả trường ca bi tráng, với đầy đủ sự ngưỡng mộ và lòng yêu mến dành cho nhân vật đặt nền móng cho MCU, nhưng đoạn kết của Steve Rogers cũng mãnh liệt đâu kém? Giây phút anh khoác lên bộ giáp lượng tử rồi biến mất sau 5 năm giây ấy, chúng ta giật mình nhận ra, anh ấy đã được giải thoát rồi.
Chẳng ai có thể yêu thương cả nhân loại nếu không biết yêu thương một ai đó, với Cap, người đó chính là Peggy. Ngỡ như sau ca khúc khải hoàn đầu đời ở cương vị một biểu tượng nước Mỹ, anh chàng Steve Rogers đã có thể cùng người mình yêu trăm năm hạnh phúc, nhưng không, cuộc đời bắt anh phải đi đến 70 năm sau, làm người mà cả thế giới yêu mến còn bản thân phải nhìn người mình yêu già đi và qua đời.
Nỗi thống khổ đó có lẽ ngoài bản thân Steve, chỉ có Tony là người hiểu rõ nhất. Steve càng thấm thía nó hơn khi nhìn thấy người bạn của mình có một tổ ấm thực sự. "Tôi muốn một lần sống như cách mà anh ấy bảo" và Steve đã thấy nó thật đẹp. Lấy được người mình yêu rồi cùng nhau già đi, một cuộc đời bình thường và đôi khi chán ngắt với chúng ta nhưng lại là một sự bình yên tuyệt đối, một lựa chọn sau cùng và dũng cảm nhất mà Steve Rogers chọn cho chính mình sau tất cả mọi chuyện.
Giây phút Bucky mỉm cười rồi quay đi vì anh biết chắc bạn mình sẽ làm điều gì đó rất khác, chi tiết này vô thức làm chúng ta chột dạ vì hoá ra lâu nay vẫn chưa thực sự hiểu hết về Steve. Để rồi chẳng một chút tiếc nuối nào nữa, ai nấy đều muốn Steve được hạnh phúc, bởi chỉ có lựa chọn “đi đến quá khứ”, đó mới là tương lai khiến anh bình yên mà thôi.
Steve Rogers, anh ấy vốn không thuộc về thời đại này. Nhân loại đã mượn anh chàng Captain America ấy suốt một thập kỉ qua và bây giờ, sau tất cả những trận hào kiếp, anh ấy nên được trở về với nơi vốn dĩ, với người mà anh yêu thương nhưng chưa kịp có được. Nỗi đau khổ mà Cap trải qua suốt hành trình làm một Avenger, chính là sự hy sinh cho một hiện tại đáng lý không phải là của mình. Thế nên sau tất cả những mất mát và kiến thiết, Steve xứng đáng được trả lại cái quyền sống cho bản thân và cho thời đại của chính mình. Đừng nghĩ anh yếu đuối hay bỏ trốn, vì dù là thời đại nào đi nữa, điều tồn tại bất biến qua thời gian, kể cả khi anh đã già đi và nằm xuống với cát bụi, chính là sự quả cảm và bi thống của một người anh hùng tuyệt vời xứng đáng cho chúng ta yêu mến.
Lời cuối cùng, Captain America vẫn là một trong những nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất đến với khán giả đại chúng, và với fan của MCU nói chung. Mà thôi, có lẽ lúc này, ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, anh đang khiêu vũ đầy say đắm bên Peggy Carter, vô tư và vô lo, chẳng cần phải vướng bận và nghĩ suy về bất kì điều gì nữa, đúng không? Captain America à, anh đã sống một cuộc đời thứ nhất đầy trọn vẹn, những gì anh đã làm chính là niềm tôn vinh cao cả nhất cho cả cuộc đời mình. Nhưng có lẽ đến lúc, anh xứng đáng có được một cuộc đời thứ hai. Dù là Captain America hay chỉ là một Steve Rogers, anh đã sống như một người đàn ông chân chính, nên hãy nhận ở đây cái cúi đầu, niềm kính phục và sự vinh danh sau cùng!