Dự báo VND giảm giá so với USD trong năm 2022, lãi suất huy động tăng 1 - 1,5 điểm %
Theo VCBS, với ưu tiên chính sách hàng đầu là kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản VND dồi dào.
Trong báo cáo thị trường mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo VND có thể giảm giá khoảng 3% so với USD trong năm 2022.
Theo đó, nhóm phân tích đánh giá khả năng cao Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, do đó duy trì dự báo năm 2022, USD sẽ lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác. Trong khi, nguồn cung ngoại tệ trong nước cũng không thực sự thuận lợi do căng thẳng địa chính trị làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư và giá nguyên nhiên, vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước.
"Diễn biến này khiến cho quá trình tăng cường nguồn lực dự trữ ngoại hối của NHNN gặp khó khăn so với các năm trước đây," VCBS nhận định.
Mặc dù vậy, các yếu tố bất định vẫn diễn ra trên thế giới, và các nhà đầu tư sẽ dần làm quen với thực tế các yếu tố bất định luôn tồn tại và phải thích ứng với các sự kiện này. Do vậy, VCBS cho rằng dòng tiền vẫn sẽ tìm đến quốc gia đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cùng tăng trưởng khả quan như Việt Nam.
Nguồn: VCBS
Đối với lãi suất, các chuyên gia phân tích dự báo mức độ biến động lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng; và cho rằng thanh khoản các ngân hàng sẽ bị hút đi từ các công cụ tín phiếu hay bán ngoại tệ được sử dụng nhằm góp phần giảm áp lực lạm phát.
Theo VCBS, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng trở lại ngưỡng trung bình của năm 2021. Thay vào đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm 2022 có thể cao hơn 1,2-1,5 điểm % so với trung bình năm 2021.
Trong giai đoạn này, áp lực từ lạm phát kỳ vọng duy trì khi giá nguyên vật liệu thế giới vẫn neo ở mức cao. Điều này cũng khiến nhà điều hành có động thái thận trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với ưu tiên chính sách hàng đầu là kiểm soát lạm phát không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào.
Chuyên gia cho rằng thông qua công cụ bán ngoại tệ (đổi từ kỳ hạn sang giao ngay) và tín phiếu, thanh khoản sẽ bị hút đi góp phần giảm áp lực tỷ giá, lạm phát. VCBS cũng lưu ý đến các mốc sự kiện có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường như các quyết định chính sách tiền tệ của FED trên thị trường quốc tế. Mốc đáng chú ý ở trong nước là thời điểm NHNN cân nhắc điều chỉnh hạn mức tín dụng đối với một số NHTM với nguồn lực tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Nguồn: VCBS
Ngoài ra, với dự báo nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu huy động của NHTM có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới. Nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng; lãi suất cho vay do đó khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định.
''Áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng 1 – 1,5 điểm % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề'', VCBS nhận định.
Nguồn: VCBS