Dự án 3.900 tỷ đồng, siêu cảng đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại ASEAN do Tập đoàn T&T của bầu Hiển đầu tư có gì?

24/10/2022 10:23 AM | Kinh doanh

Là một phần trong quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Siêu cảng cạn với mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam sẽ giảm xuống 16%-20% GDP

Đây là dự án do Công ty cổ phần T&Y Superport Vĩnh Phúc là liên danh của Tập đoàn T&T Group với Tập đoàn YCH và Công ty YCH Holdings (Singapore) làm chủ đầu tư.

Trung tâm có quy mô hơn 83 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, nằm tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo tập đoàn T&T, để phù hợp với xu hướng công nghệ trong logistics cùng nhu cầu phát triển của vận tải container, hoà nhập với xu thế container hoá mạnh mẽ của các nước trong khu vực cũng như toàn cầu, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được ứng dụng công nghệ IoT hiện đại hàng đầu thế giới, như dùng robot để tự động hóa trong kho hàng cùng hệ thống điều khiển bằng máy tính điện tử hiện đại. Lịch trình, thông tin của các container đến, đi khỏi trung tâm sẽ được số hoá và được gửi tới trung tâm điều khiển tại trung tâm bằng các mạng thông tin hiện có.

Dự án được chính thức khởi công vào ngày 23/12/2021 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 1 từ Quý III/2022 và đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ Quý IV/2024.

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể. Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam hiện đứng thứ 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi phí logistics ở Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới.

Theo số liệu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics ở Việt Nam bằng khoảng 20,9-25% GDP . Trong khi đó mức chi phí này ở Thái Lan là 19%, Malaysia là 13%, Singapore là 8% và Mỹ là 7,7%. Chi phí logistics tăng cao đẩy chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo đã làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia...

Ngành logistics cũng mới chỉ mang lại 4,4% cho tổng GDP của Việt Nam, trong khi ở Thái Lan và Singapore, ngành này mang lại 15% tổng GDP. 

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Group cho hay, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được kỳ vọng sẽ mở đầu cho sự đột phá của logistics Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics tại Việt Nam sẽ giảm xuống 16%-20% GDP và tỷ trong đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%.

Đồng thời, đây sẽ là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, các nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả. Qua đó góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và các thị trường quốc tế khác. Đồng thời, hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuỗi cung ứng logistics công nghệ cao thông minh 4.0.

“Đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ”, ông Đỗ Quang Hiển nhấn mạnh.

Dự án 3.900 tỷ đô, siêu cảng đầu tiên của mạng lưới logistic thông minh tại ASEAN do Tập đoàn T&T của bầu Hiển đầu tư có gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh thiết kế của dự án khi hoàn thành

Một ngành còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển

Các chuyên gia đánh giá logistic là một trong ba trụ cột trong chuỗi cung ứng của hoạt động xuất nhập khẩu cùng với hoạt động sản xuất và phát triển thị trường.

Theo nghiên cứu, cứ 1 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử sẽ cần 93.000 m2 kho bãi. Ước tính đến năm 2025 nhu cầu về kho bãi ở Việt Nam sẽ cần hơn 2 triệu m2 khi mà thương mại điện tử đạt 39 tỷ USD. Vì vậy, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.

Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics (có tài liệu nói 1.000 doanh nghiệp). Đây là một con số khá lớn nhưng trên thực tế đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.

Do vốn ít nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài nên nguồn thông tin bị hạn chế, các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu mà chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức.

Tuy có số lượng lớn, các công ty logistics Việt Nam mới đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỉ USD này.

Phát biểu trong diễn đàn "Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển" mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong giai đoạn hiện tại, ngành logistics cũng đã gặp một số khó nhăn như chuỗi cung ứng đứt gãy, sự liên kết và đa phần các doanh nghiệp trong ngành thuộc quy mô nhỏ và vừa năng lực tận dụng các cơ hội cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, cần có sự liên kết chuỗi chặt chẽ hơn, có sự đồng tâm vạch ra định hướng cho sự phát triển của ngành.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics của hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.

Tập đoàn T&T do chồng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh làm lãnh đạo: Đầu tư vào một ngành Việt Nam còn yếu, nhiều triển vọng cho tương lai - Ảnh 1.

Diễn đàn "Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển" do Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và SLP Việt Nam tổ chức

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics... khiến cho chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao.

" Chưa kể, việc thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hoá còn thấp, năng suất thực hiện dịch vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ số hoá chưa cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với thị trường quốc tế ", Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM