Đợt ô nhiễm mới ở Hà Nội nguy hiểm ra sao?
Từ sáng 14/1, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận tất cả các điểm quan trắc đều lên ngưỡng xấu với chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150 đến 200. Một số điểm ô nhiễm nhất như trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Mã, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp.
Điểm đo tại đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) của Tổng cục Môi trường cho thấy, chất lượng không khí lên ngưỡng xấu với khuyến cáo những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm nhạy cảm như người mắc bệnh hô hấp, tim mạch gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Rác thải không được che đậy, là nguồn gây ô nhiễm - Ảnh: Hồng Vĩnh
Hệ thống quan trắc PAM Air với mạng lưới rộng khắp cả nước còn ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ với mức độ ô nhiễm ở ngưỡng kém (chỉ số AQI từ 100 đến150, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm), ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người) và ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Sáng 14/1, TPHCM cũng ghi nhận ô nhiễm không khí với nhiều điểm đo, chất lượng không khí lên ngưỡng kém và xấu.
Điểm đáng lưu ý, đợt ô nhiễm này kéo dài gần như cả ngày, không theo quy luật thông thường là ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và sáng sớm, cải thiện vào trưa chiều.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu như hiện nay thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao được mà đọng lại ở bề mặt khiến nồng độ chất ô nhiễm tăng cao.
Tổng cục Môi trường cho biết, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.