"Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn": 3 việc thông minh bạn nên làm bây giờ để củng cố khả năng tài chính trong giai đoạn khủng hoảng
Bây giờ là lúc bạn có vô vàn thời gian ở nhà, tại sao không tận dụng thời điểm này để thực hiện những công việc giúp củng cố khả năng tài chính của bạn tốt hơn?
Hàng triệu người đang phải tạm dừng công việc và ở nhà vì khủng hoảng đại dịch Covid-19. Các chuyên gia dự đoán rằng tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần, hoặc tệ hơn là vài tháng.
Mặc dù đây là một “kì nghỉ” không ai mong muốn, nhưng không thể phủ nhận rằng bạn đang được trao cho rất nhiều thời gian rảnh. Đây là một cơ hội tốt để bạn nhìn lại tình hình tài chính của mình, lên danh sách những việc cần làm để thay đổi bản thân và thực hành những kế hoạch cải thiện tài chính mà bạn đã trì hoãn lâu nay. Dưới đây là 3 công việc thiết thực nhất bạn nên làm để bắt đầu khởi động việc cải thiện tình hình tài chính.
1. Học cách lên kế hoạch chi tiêu
Theo một khảo sát vào năm 2019 từ CFP - Hiệp hội Hoạch định tài chính, Mỹ, có tới gần 40% số người được hỏi chưa bao giờ chi tiêu theo một kế hoạch cụ thể. Nếu bạn là một trong số những người như vậy và luôn tự hỏi không biết tiền của mình trôi đi đâu, đây là lúc thích hợp nhất để bắt tay vào lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể. Nếu bạn đã thiết lập được thói quen chi tiêu có kế hoạch, bạn cũng có thể dành thời gian này để nhìn lại kế hoạch của mình và cải thiện nó hơn nữa, đặc biệt là nếu thu nhập của bạn bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.
Cách dễ nhất để bắt đầu là ghi chép lại các khoản thu chi, thống kê các nguồn thu bạn có và phân loại các khoản chi tiêu thường xuyên. Với những người bắt đầu, bạn có thể thử phương pháp 50/30/20. Đây là phương pháp đơn giản nhất để lập kế hoạch chi tiêu, trong đó bạn chia thu nhập của mình 50% cho các nhu cầu sống cơ bản, 30% cho các khoản chi giải trí và hưởng thụ, còn 20% cho tiết kiệm và đầu tư.
2. Lên kế hoạch trả các khoản nợ
Sau khi đã xây dựng được một kế hoạch chi tiêu, việc tiếp theo bạn cần làm là nghĩ tới phương án xử lý các khoản nợ, nếu có. Mục tiêu của bạn là xây dựng được một bức tranh chi tiết về cách bạn trả các khoản nợ như thế nào cũng như chọn được con đường tối ưu nhất để thực hiện việc đó.
Đầu tiên, hãy thống kê lại mọi khoản nợ mà bạn có, bao gồm cả lãi suất, thời hạn và số dư mà bạn còn đang thiếu.
Sau đó hãy xây một lộ trình để trả nợ. Có 2 con đường phổ biến nhất để đi: một là xử lý những món nợ nhỏ nhất cho đến lớn nhất, hai là xử lý những món nợ có lãi suất cao nhất trước cho đến những khoản nợ lãi suất thấp hơn.
3. Tìm hiểu về các biện pháp bảo vệ tài chính
Các biện pháp bảo vệ tài chính bao gồm việc mua bảo hiểm hay lập di chúc, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải suy nghĩ đến các tình huống xấu nhất sẽ xảy ra với mình. Do đó, nhiều người thường e ngại nhắc đến hoặc phớt lờ chủ đề này.
Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ tài chính chỉ có tác dụng nếu bạn thực hiện chúng trước khi một sự việc không may xảy ra. Do đó, xây dựng một phương án bảo vệ bản thân và gia đình sẽ không bao giờ là thừa, đặc biệt là khi bạn có những người phụ thuộc như con nhỏ hoặc bố mẹ già.
Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm phù hợp và chọn người thụ hưởng là những người bạn muốn chăm sóc, trong trường hợp bạn gặp bất trắc về sức khỏe hay có khó khăn về tài chính. Nếu bạn đã tích lũy được một khối lượng tài sản nhất định, bạn có thể sẽ muốn ủy thác quyền quản lí tài sản cho một người đáng tin cậy, phòng khi bạn cần có người chăm sóc bản thân.