img

Năm 2010, ví điện tử MoMo chính thức ra mắt tại khách sạn Melia Hà Nội với phiên bản dịch vụ chuyển và nạp tiền qua điện thoại, thanh toán hóa đơn. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, ví điện tử này nhanh chóng đạt thêm 10 triệu người dùng chỉ trong năm 2020, con số mà mất 9 năm trước đó mới có được.

Hiện MoMo đã kết nối trực tiếp với 26 ngân hàng lớn trong nước và quốc tế, hệ sinh thái còn được mở rộng với hơn 22.000 đối tác ở nhiều lĩnh vực, hệ thống hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán từ nhà hàng sang trọng đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

"Đại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều ngành nghề đi xuống nhưng may mắn là lĩnh vực thanh toán điện tử, trong đó có ví MoMo đi lên rất mạnh. Lý do là trước đây người dân và doanh nghiệp chỉ mới sử dụng một phần, chưa nhiệt tình. Khi đại dịch ập đến, họ bắt đầu loay hoay và tìm đến thanh toán điện tử nhiều hơn", ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo mở đầu cuộc trò chuyện với Người Đồng Hành.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 1.

- Đại dịch Covid-19 đã làm thói quen thanh toán điện tử của người dân thay đổi như thế nào?

- Thứ nhất, dịch bệnh bùng phát khiến người dân ở nhà nhiều hơn, không đi đâu được nên họ bắt đầu tìm đến thanh toán điện tử. Trước đây họ có thói quen ra ngoài mua thẻ cào điện thoại, thanh toán tiền điện nước… thì bây giờ họ phát hiện hóa ra trên ví này cũng có hầu hết các dịch vụ họ muốn.

Thứ hai đối với doanh nghiệp, giãn cách xã hội thì làm cách nào để bán hàng? Họ bắt đầu nhận thấy online là phương án rất tốt, giúp cho họ ít nhất có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn. Họ bắt đầu "cổ xúy" cho việc này, mà thật ra theo tôi cũng chính là lối thoát cho doanh nghiệp.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 2.

Quan trọng hơn, Covid-19 cũng tạo nên "cú hích" về mặt nhận thức trong người dùng, doanh nghiệp đặc biệt là cơ quan Nhà nước. Đơn cử, Cổng dịch vụ công Quốc gia của Chính Phủ đã khai trương từ cuối 2019 nhưng chưa có nhiều hoạt động. Khi Covid-19 bùng phát, Chính phủ đẩy mạnh cổng để giúp các dịch vụ công không bị gián đoạn, xây dựng quy trình tốt hơn và được người dân ủng hộ. Khi Chính phủ nói thì niềm tin của người dân vào thanh toán điện tử lại càng được xây dựng.

Những con số về lượng khách hàng, lượng giao dịch hay số dịch vụ của MoMo là minh chứng cho những thay đổi đột biến của lĩnh vực thanh toán điện tử trong thời gian vừa qua. Riêng năm 2020, chúng tôi có thêm 10 triệu người dùng, con số mà mất 9 năm trước đó mới có được.

- Tăng trưởng nhanh như thế có khiến công ty gặp vấn đề nào không?

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 3.

- Dịch Covid-19 khiến lượng khách hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tăng vọt. Trước đây, chúng tôi phải đến từng người bán thuyết phục họ đưa dịch vụ lên MoMo thì bây giờ họ lại tìm đến mình, thậm chí là năn nỉ kết nối nhanh cho họ, khiến khối lượng công việc và nguồn lực đầu tư trở nên áp lực hơn.

Chính vì thế MoMo cũng phải tăng nhân sự. Chúng tôi là đơn vị hiếm hoi vẫn trả lương đầy đủ và thuê thêm vài trăm nhân sự để đảm bảo dịch vụ được thông suốt.

- Thanh toán điện tử đang phát triển rất nhanh tại khu vực đô thị, nhưng tại nông thôn - nơi mức độ thâm nhập của công nghệ còn thấp thì phương án như thế nào?

- Theo tôi nhu cầu dịch vụ thanh toán đối với vùng quê sẽ là rất lớn. Đây là cơ hội nhưng cũng là khó khăn. Hiện MoMo mới đang phát triển ở các thành phố cấp 1, cấp 2 và cần thời gian để xuống sâu hơn cấp 3, cấp 4. Lý do là người dân cần phải có smartphone, cần có tài khoản ngân hàng và có dịch vụ để sử dụng, điều này phải xây dựng từ từ. MoMo vẫn đang triển khai các kế hoạch để tiếp cận nhóm khách hàng này.

Gần đây Chính phủ cho phép áp dụng eKYC (định danh điện tử) để mở tài khoản ngân hàng điện tử. Điều này giúp MoMo có thể đi xuống tận vùng sâu vùng xa.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 4.

- Là những người tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, MoMo trong trí nhớ của ông từng có những phiên bản nào?

Giai đoạn sơ khởi khi chúng tôi làm Mobile Money (viết tắt của MoMo) hiểu đơn giản là dịch vụ chuyển tiền trên sim điện thoại. Lúc đó chúng tôi đã sang Kenya (Châu Phi) cả tháng trời để học mô hình mà lúc đó rất thành công ở trên thế giới là M-PESA. Về lại Việt Nam, anh em rất hào hứng bắt tay vào làm nhưng cuối cùng thất bại vì làm trên sim khó quá. Bởi vì mỗi lần muốn thay đổi ứng dụng chúng tôi phải viết rồi gửi cho công ty làm sim ở nước ngoài. Sau đó, vận chuyển theo đường biển về Việt Nam mất 3 tháng. Rồi nhà mạng nhập sim, phân phối ở các cửa hàng thêm 3 tháng nữa. Nghĩa là khách hàng muốn có một phiên bản mới thì mất một năm. Mô hình này vì vậy không thành công.

Tiếp đến vào năm 2011-2012, chúng tôi rẽ hướng đi theo mô hình chuyển tiền mặt, xây dựng một loạt các điểm giao dịch khắp các nơi, khách đến cứ đưa tiền mặt rồi đưa số điện thoại thế là đầu kia người nhận sẽ nhận được tin nhắn có mã chuyển tiền rồi cầm tin nhắn với chứng minh nhân dân ra điểm nạp rút gần nhà rút tiền. Dịch vụ nghe rất hay nhưng không thể đạt được quy mô lớn. Thành ra đầu tư mất mấy năm trời, mất nhiều công sức và tiền của nhưng lại không thành công, nhân sự chỉ còn khoảng 100 người. Đây như một cú đánh vào kỳ vọng của chúng tôi vậy.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 5.

Thú thật khi đó tôi rất hoang mang. Đây là mô hình đỉnh cao nhưng khi mình làm lại không như mong đợi. Vì vậy, ban điều hành mới ngồi lại và đi đến quyết định phải làm cái gì đó rất mới, rất đột phá.

Năm 2013, chúng tôi khởi đầu phiên bản thứ 3 của MoMo khi bắt đầu viết ứng dụng trên điện thoại thông minh. Việt Nam khi đó chắc chỉ khoảng 10% dân số có smartphone bởi giá rất đắt 1.000-1.500 USD/cái. Các dịch vụ trên ứng dụng chưa phổ biến. Ngay cả chúng tôi cũng chưa biết gì về lập trình ứng dụng. MoMo lập ra một đội lập trình và phải làm đi làm lại nhiều lần mới có một sản phẩm đầu tiên, khai trương vào tháng 6/2014.

Hồi đó MoMo làm ứng dụng bị người ta chê cười lắm vì toàn làm những gì không ai hiểu được, không ai làm thế này cả. Các đồng nghiệp được cấp phép làm ví điện tử khi đó đều chế giễu MoMo. Họ nghĩ mình làm điều kỳ quặc sẽ không thành công được, nhưng giờ chỉ còn MoMo sống được (cười).

Khi ngành công nghệ phát triển, điện thoại di động rẻ hơn, internet phổ biến tạo nền tảng cho MoMo phát triển. Chúng tôi là đơn vị đầu tiên viết ứng dụng tài chính trên app nên có sự phát triển hơn.

Tôi nghĩ rằng nếu mình làm cái gì mọi người đều biết, mọi người đều nghĩ ra được thì không độc đáo được. Mình dám làm những cái đột biến, rủi ro thật nhưng nếu làm được thì sẽ đạt những cái bùng phát, không ai có được.

- Hiện tại có đến vài chục ví điện tử cùng phát triển. Vậy sự khác biệt của MoMo là gì? MoMo sẽ cạnh tranh các ví điện tử nước ngoài như thế nào?

- Hiện thị trường Việt Nam có khoảng 38 ví điện tử hoạt động, trong đó 5 ví lớn nhất chiếm khoảng 95% thị phần. Mỗi đơn vị có một đường đi riêng nhưng đa số đang xây dựng hệ sinh thái đóng, riêng MoMo là hệ sinh thái mở, tức là tất cả các đối tác có thể kết nối vào.

Theo tôi, với thị trường khoảng 100 triệu dân thì thường phân bổ tối đa là 3 đơn vị lớn, như Việt Nam có 3 nhà mạng, 3 hãng truyền hình hay 2-3 hãng dầu gội đầu lớn…Vì vậy, trong 3 năm tới chắc chỉ còn khoảng 2-3 ví có thể tồn tại, chiếm khoảng 95% thị phần. Những ví nhỏ còn lại phải tìm thị trường rất riêng biệt, nhỏ hơn để tồn tại.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 6.

Cái khó trong cạnh tranh là phải giữ được khách hàng, duy trì sản phẩm để họ trung thành và hạnh phúc khi sử dụng thì rất khó. MoMo luôn nghĩ phải làm sao để người dùng cảm thấy vui. Đó là lý do MoMo đưa rất nhiều chương trình giải trí như Lắc Xì, Học viện MoMo, Ngày hội Siêu Deal… để khách hàng cảm thấy đây không chỉ là sản phẩm thanh toán khô cứng mà là sản phẩm có thể tương tác được, vui được.

MoMo tự hào khi là sản phẩm duy nhất do người Việt Nam tự xây dựng và thiết kế 100%. Đây là điều rất khác biệt so với các đơn vị khác. Các đơn vị có tính chất toàn cầu nên cái dở là làm chung 1 sản phẩm cho tất cả các thị trường, khiến đôi khi không phù hợp.

Trải nghiệm người dùng MoMo cũng được thiết kế riêng cho người Việt Nam. Chúng tôi có một đội ngũ mấy chục nhân sự hàng ngày chỉ xem xét dữ liệu, nghiên cứu trải nghiệm khách hàng để tư vấn các giải pháp tốt nhất.

Công nghệ của MoMo bao giờ cũng phát triển trước mấy năm. Những cái gì chúng tôi đang làm bây giờ là phục vụ cho 2 năm tới. Hơn thế, sản phẩm của chúng tôi được thiết kế từ đầu chứ không phải chắp vá.

- MoMo đưa ra mục tiêu 50 triệu khách hàng, theo ông mất bao lâu để đạt được con số này?

- Công ty có mục tiêu mang dịch vụ tài chính đến người dân Việt Nam và là công cụ hỗ trợ Chính Phủ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, phát triển kinh tế số. Để thực hiện được nhiệm này, MoMo phải có độ phủ rất lớn, phải phát triển tối thiểu 50 triệu khách hàng. Với đà tăng trưởng đang có, tôi nghĩ chắc khoảng 2 năm nữa chúng tôi sẽ đạt được con số này.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 7.

- Thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh nhưng chi phí rất lớn, ông có cho rằng đây là cuộc chơi "đốt tiền" không?

- Nhiều người cho rằng ví điện tử là đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm. Để phát triển khách hàng mới thì phải tốn chi phí, đây là điều hiển nhiên đối với tất cả các dịch vụ. Đơn giản như bán dầu gội đầu phát sampling (mẫu dùng thử), phát triển thẻ tín dụng tốn chi phí đi tìm khách hàng, dịch vụ bảo hiểm trả phí cho một kênh nào đó để tiếp cận khách hàng… thì ví điện tử cũng như vậy.

Với riêng MoMo, công ty có chính sách khuyến khích nhất định cho khách hàng mới. Khi họ dùng thử thấy ổn rồi thì họ mới dùng tiếp. Còn với khách hàng cũ, MoMo phối hợp với siêu thị, cửa hàng… để các đơn vị đó tặng khuyến mãi cho khách hàng.

Bản chất khi cung cấp thanh toán điện tử là giúp cho các chi phí liên quan đến dịch vụ được giảm đi. Giả sử một công ty tài chính tiêu dùng, công ty bảo hiểm cử nhân viên đến nhà khách hàng để thu tiền thì chi phí sẽ cao hơn thanh toán điện tử. Việc đó giúp chi phí thay vì 10 đồng thì bây giờ chỉ còn 2-3 đồng. Chi phí giảm xuống thì toàn bộ hệ sinh thái này cùng có lợi.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 8.

MoMo còn là một doanh nghiệp có nhiều cổ đông nên không thể vác tiền đi tiêu vô tội vạ. Hết tiền thì công ty làm sao hoạt động được nữa nên ban lãnh đạo cũng luôn phải chứng minh được tính hiệu quả trong mỗi phương án kinh doanh.

- Với startup phát triển nhanh người ta hay nghĩ về "kỳ lân", còn với MoMo ông nghĩ sẽ trở thành điều gì?

- Con kỳ lân thì tôi không rõ lắm vì là của phương Tây. Còn giấc mơ của MoMo là thành con "đại bàng". Nhà nước đang chào đón các đại bàng trên thế giới về làm tổ, thì tại sao MoMo lại không trở thành đại bàng của Việt Nam, trên đất nước quê hương mình?

Đại bàng là sinh vật kiêu hãnh, tự do, dũng cảm và quan trọng là có thật. Ngoài ra, đại bàng cũng có quá trình "lột xác" khi về già. Chúng dám bẻ móng, nhổ lông để có thể hùng mạnh trở lại. Cũng giống như công ty này, chúng tôi thất bại với Mobile Money nhưng đã tái sinh lại thành con đại bàng mới hùng mạnh hơn.

Tôi hy vọng MoMo đủ lớn đủ mạnh để có thể bay trên lãnh thổ của mình và cạnh tranh không thua kém bất kỳ đối thủ nào trong lĩnh vực này.

Đồng sáng lập MoMo: Nhiều người cho rằng ví điện tử đốt tiền, thực ra là họ chưa bao giờ làm - Ảnh 9.

- MoMo tự xem mình là "kẻ mở đường mộng mơ". Vậy giấc mơ lớn nhất của ông là gì?

- Vào thời điểm khởi đầu, giấc mơ lớn nhất của chúng tôi đó là người Việt nào cũng dùng ví điện tử. Giấc mơ này đã đi được phân nửa khi người dân thành phố dùng rồi, giờ chỉ còn vấn đề phát triển ở nông thôn. Thực tế với hơn 20 triệu người dùng thì đây không còn là giấc mơ mà bây giờ đã là quá trình.

Tôi còn muốn MoMo không chỉ là sản phẩm cho người dùng Việt mà là một sản phẩm quốc tế, phục vụ mục tiêu chung thay đổi cuộc sống của con người. Tuy nhiên, việc đầu tiên của MoMo vẫn phải xây nhà cho chắc đã.

- Xin cảm ơn ông.

NDH