Đồng sáng lập Grab nói gì về giả thuyết Uber và Grab sẽ được sáp nhập sau khi cùng được cá mập Softbank đầu tư?

23/11/2017 09:56 AM | Kinh doanh

“Chúng tôi biết là thị trường phát triển rất năng động. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến đối thủ cạnh tranh mà chỉ quan tâm đến chuyện phục vụ cho khách hàng, đối tác lái xe một cách tốt hơn”.

Đó là chia sẻ của bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab về câu chuyện Softbank của Nhật Bản vừa đầu tư cả tỷ đô vào cả Uber và Grab khi bà Tan Hooi Ling đến Việt Nam ngày 21/11.

Trước đó, theo CNN, Uber cho biết sẽ chấp nhận khoản đầu tư hàng tỷ USD từ người khổng lồ công nghệ Nhật Bản - Softbank.

SoftBank hiện là nhà đầu tư lớn của các đối thủ chính của Uber trên toàn cầu như Didi Chuxing ở thị trường Trung Quốc, Ola ở thị trường Ấn Độ, Grab ở Đông Nam Á, và 99 ở Brazil.

Tại buổi gặp mặt, phóng viên đã đặt ra câu hỏi về các câu chuyện liên quan đến Grab và việc SoftBank đầu tư vào cả Grab và đối thủ của Grab.

* Chào bà, GrabPay và GrabShare đã hoạt động tại Việt Nam. Vậy hiệu quả của 2 mảng này ra sao?

- Mảng GrabPay mới khởi đầu ở Việt Nam nên chúng tôi vẫn phải theo dõi, xem sẽ thay đổi như thế nào dựa trên nền kinh tế tiền mặt.

GrabShare thì chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan quản lý sao cho hoạt động phù hợp và phù hợp với quy định. Vì mục đích của GrabShare là nâng cao hiệu quả, sử dụng xe tốt hơn. Khi sử dụng GrabShare thì tăng lên 2 lần hiệu suất dùng xe, góp phần giảm ùn tắc giao thông và lượng khí CO2 thải ra môi trường.

* Hiện tại ở thị trường Việt Nam, nhiều ý kiến đưa ra là nên chuyển Grab sang công ty vận tải chứ không đơn thuần là công ty công nghệ. Grab đã triển khai ở Thái Lan và Singapore. Vậy chính phủ ở các quốc gia đó đã thực hiện như thế nào?

- Mục sở thị thì các bạn sẽ thấy nếu thay đổi thì Grab không phải là Grab nữa. Chúng tôi dựa trên nền tảng công nghệ để làm đối tác với chủ xe hơi, xe hai bánh. Cho nên, chúng tôi mang lại khả năng kiếm thu nhập nhiều hơn cho lái xe.

Một mô hình mới thì ở đâu cũng gặp khó, không riêng gì ở Việt Nam, chẳng hạn như việc định nghĩa, phân loại ra sao. Vì vậy, chúng tôi làm việc chặt chẽ với cơ quan quản lý ở các nước khác nhau.

Như ở Singapore, chúng tôi có giấy phép hoạt động hoàn toàn chính thức. Ở Việt Nam chúng tôi có chương trình được nhà nước cấp phép thí điểm. Chúng tôi rất cảm kích khi chính phủ hiểu chúng tôi là công ty công nghệ và áp dụng công nghệ mới để phát triển kinh tế tri thức.

* Ông lớn của Nhật Bản, Softbank, vừa đầu tư cả tỷ vào Grab. Và mới đây, SoftBank cũng đầu tư vào Uber hơn 1 tỷ đô. Liệu thời gian tới có cuộc sáp nhập đình đám nào giữa Uber và Grab không?

- Chúng tôi biết là thị trường phát triển rất năng động. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến đối thủ cạnh tranh mà chỉ quan tâm đến chuyện phục vụ cho khách hàng, đối tác lái xe một cách tốt hơn.

* Cảm ơn bà!

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM