Đồng sáng lập Facebook Chris Hughes: Cuộc trò chuyện trong mưa với Mark Zuckerberg đã mở ra một tương lai mới cho cuộc đời của tôi!
Vào một đêm mưa tháng Ba năm 2004, Chris Hughes đã có một cuộc trò chuyện với người bạn cùng phòng của mình khi còn học tại Đại học Harvard, và cuộc trò chuyện này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời anh.
Hughes là một trong bốn người đồng sáng lập đã giúp biến một trong những dự án khi còn sống trong ký túc xá của Zuckerberg thành một công ty thực sự và mặc dù chỉ làm việc trên trang web trong ba năm, anh đã có những dấu ấn đóng góp quan trọng trong cuộc đời mình.
Hughes, 34 tuổi, từ tầng lớp trung lưu nhảy vọt lên trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ. Chính điều này cũng đã khiến anh phải xem xét lại về tầm quan trọng của mình với thế giới – đó cũng là lý do vì sao anh ủng hộ cho việc nên có một mức lương đảm bảo cho những người dân có thu nhập thấp ở Mỹ với dự án Economic Security Project của mình.
Trước đêm diễn ra cuộc trò chuyện "định mệnh" đó, Hughes từng làm công việc kiểm tra ID của sinh viên tại thư viện Hicks House với mức lương 10 USD / giờ. Sau đó, anh và Zuckerberg đã có cuộc trò chuyện với nhau qua tin nhắn nhanh Messenger về Facebook, với mục đích mở rộng mạng xã hội không chỉ trong khuôn viên Harvard mà còn sang các ngôi trường khác. Và họ quyết định gặp nhau để thảo luận về quyền sở hữu cổ phần mà Hughes sẽ nắm giữ nếu tham gia vào Facebook.
Trời mưa tầm tã, Hughes cầm theo chiếc ô của mình và gặp Zuckerberg ở lối vào ký túc xá của họ. Hai người đội chung một chiếc ô, vừa đi vừa trò chuyện. Đây là cuộc trò chuyện riêng tư của hai người, và họ không muốn có bất kỳ một người thứ ba nào biết về cuộc trò chuyện của họ, kể cả những người bạn cùng phòng.
"Ngay khi bước ra cổng, tôi liền đề nghị với Mark: ‘Tôi muốn 10% công ty’" – Hughes chia sẻ với Business Insider. "Tôi biết anh ấy đã căng thẳng, tôi cũng rất căng thẳng, bởi đó không phải là lời đề nghị tốt nhất".
Những nhà sáng lập Facebook: Dustin Moskovitz, Hughes, và Zuckerberg trong phòng ký túc xá tại Harvard.
Hughes có vai trò lớn trong việc giúp người dùng trải nghiệm mạng xã hội, và Zuckerberg cũng coi anh là một người lão luyện nhất về mặt xã hội của công ty, đã giúp đỡ trong việc tiếp thị và sắp xếp truyền thông sớm nhất của công ty. Hughes cho biết anh cảm thấy yêu cầu 10% của mình là "đầy tham vọng, nhưng không hoàn toàn là bất hợp lý".
Như Hughes đã nhớ và ghi lại trong cuốn sách của mình "Fair Shot", Zuckerberg đã trả lời rằng: "Tôi không nghĩ rằng bạn muốn kiếm được nhiều như thế. Tôi đánh giá cao những gì bạn đang làm, và tôi nghĩ bạn có thể làm được nhiều hơn nữa khi chúng ta cùng phát triển trang web, nhưng tôi cần phải giữ quyền kiểm soát , và những người khác cũng cần sự công bằng".
Hughes chia sẻ anh vẫn giữ im lặng, và nghĩ rằng cuộc trò chuyện này có ý nghĩa hơn bất kỳ cuộc thảo luận nào của bạn bè về một startup mới. Mưa vẫn rơi nặng hạt, và họ rảo bước đi quanh trường dưới tán ô duy nhất.
"Bản tính tôi luôn là người không ưa thích các xung đột", Hughes viết trong cuốn sách của mình, và nhận ra rằng anh cũng không đủ tự tin về yêu cầu của mình đưa ra như anh nghĩ. Anh cũng lưu ý rằng: "Vai trò của tôi trong công ty chỉ là thứ yếu và tôi biết điều đó. Tôi không có khả năng đưa ra đòi hỏi, nhưng tôi cũng rất lo lắng khi tham gia vào dự án này".
"Vậy hãy cho tôi từng nào mà bạn nghĩ là công bằng. Tôi biết thật khó để cân bằng giữa tất cả chúng ta", Hughes đã đánh vỡ sự im lặng giữa hai người khi bước đến trung tâm thư viện của Harvard. Zuckerberg liền trả lời bằng một câu "OK", và cứ thế bước đi trong mưa.
Vài tuần sau đó, Hughes phát hiện ra Zuckerberg đã cho anh 2%, mức cổ phần thấp nhất trong những người đồng sáng lập, và mức cổ phần này còn bị rút lại một chút khi Facebook được tái sáp nhập vào cuối năm đó.
Tuy nhiên cổ phần này vẫn mang lại cho Hughes khoảng 500 triệu USD sau khi công ty được phát hành lần đầu ra công chúng vào năm 2012. Anh nói với Business Insider rằng vì lý do đó, cuộc trò chuyện trong mưa với Mark Zuckerberg ngay lập tức "là một cuộc đàm phán thất bại nhưng cũng là cuộc trò chuyện thành công nhất trong cuộc đời tôi!"
Anh cũng chia sẻ thêm, tất cả những quyết định nhỏ, những cuộc trò chuyện nhỏ của chúng ta đều có thể mang đến những cơ hội, những tác động vượt trội cho cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, hãy luôn giữ một cái đầu tỉnh táo, hãy nắm bắt cơ hội thật tốt để không bao giờ phải hối hận bạn nhé!