Động lực tăng trưởng của FPT năm 2022 sẽ đến từ đâu?
2022, FPT kỳ vọng sẽ có những nền tảng số cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu người dùng, tạo động lực để tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn trong nhiều năm tới.
Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị, FPT liên tiếp tăng trưởng ổn định và duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cao trong nhiều năm. Với đà tăng trưởng này, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ĐHĐCĐ 2022) FPT đã thông qua kế hoạch tăng doanh thu 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1). Đồng thời, tái khẳng định theo đuổi mục tiêu Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới.
Cùng với việc công bố các mục tiêu tăng trưởng của năm, lãnh đạo FPT cũng chia sẻ kỳ vọng về các động lực giúp Tập đoàn tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn trong nhiều năm tới. Theo đó, FPT sẽ tiếp tục phát triển các gói giải pháp tiên tiến ứng dụng các công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI),Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)... Theo "chiến lược gia của FPT", Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình FPT, kiến tạo các nền tảng, giải pháp số phục vụ hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu người dùng và đạt đẳng cấp thế giới.
Năm 2021, doanh thu đến từ sản phẩm, giải pháp Made by FPT tăng 42,8% lên 713 tỷ đồng, góp phần giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cũng như tạo động lực mở rộng biên lợi nhuận cho FPT trong dài hạn. Mảng kinh doanh Cloud của Tập đoàn đã cho ra mắt 37 giải pháp Điện toán đám mây và 04 giải pháp trí tuệ nhân tạo, đặc biệt phục vụ những nhu cầu giải quyết công việc trực tuyến nhanh chóng và tối ưu. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng triển khai đầu tư chiến lược vào Base.vn, một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các phần mềm dạng dịch vụ (Software-as-a-Service) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Song song với việc đầu tư, nghiên cứu phát triển các nền tảng giải pháp số đẳng cấp, Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục thắt chặt sợi dây gắn kết với chính quyền các tỉnh thành, doanh nghiệp, khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT khẳng định, với sức trẻ, sự sáng tạo và công nghệ mới nhất, FPT sẽ tiếp tục mở rộng tập khách hàng, khai phá các cơ hội, bứt phá tăng trưởng trong dài hạn.
Năm 2021, chiến lược "săn cá voi" tại thị trường nước ngoài (khách hàng thuộc danh sách Fortune Global 500) đã ghi nhận những hiệu quả rõ rệt với số lượng khách hàng đóng góp doanh thu trên 1 triệu USD/khách hàng tăng lên 128 khách hàng và lần đầu tiên ghi nhận khách hàng đem về doanh số trên 70 triệu USD. Số lượng dự án có quy mô trên 5 triệu USD cũng tăng 111% với 19 dự án. Tại thị trường trong nước, mảng khách hàng doanh nghiệp khởi sắc với doanh thu ký mới tăng trưởng 45,9%. FPT mở rộng quan hệ với 05 bộ ngành mới, tiếp cận 40 tỉnh thành và kí kết, triển khai dự án, đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số cho 14 tỉnh thành trên toàn quốc.
Không chỉ kỳ vọng vào các nền tảng, giải pháp số đẳng cấp và "thắt chặt quan hệ với khách hàng", Tập đoàn cũng kỳ vọng với sự thay đổi nhân sự của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2027, FPT sẽ kiện toàn nội lực lãnh đạo, góp phần thúc đẩy chiến lược toàn cầu hóa, đón đầu thời kỳ tăng trưởng mới. HĐQT nhiệm kỳ mới 2022 - 2027 của FPT gồm 07 thành viên. Trong đó có 04 thành viên là những nhà sáng lập FPT, ông Trương Gia Bình sẽ tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Với 33 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT, ông không chỉ được xem là "linh hồn", là chiến lược gia của FPT mà còn là người có tâm huyết với đất nước và có ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Ba thành viên mới trong HĐQT quản trị FPT nhiệm kỳ 2022 - 2027 gồm: ông Hampapur Rangadore Binod, nguyên Phó Tổng giám đốc Infosys - công ty CNTT Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới (theo Brand Finance); ông Hiroshi Yokotsuka, cựu Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản và bà Trần Thị Hồng Lĩnh, đại diện SCIC.
Ông Hiroshi Yokotsuka, với gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, được kỳ vọng giúp FPT mở rộng hơn nữa quy mô trên toàn cầu. Ông HiroshiYokotsuka đã thực hiện cải cách toàn diện về công nghệ thông tin cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung tạo bước ngoặt về chuyển đổi số cho ngành bảo hiểm tại Nhật Bản. Từng là Chủ tịch của Hiệp hội CNTT Nhật Bản và là thành viên của một số ủy ban về chính sách CNTT của các cơ quan nhà nước, ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự thịnh vượng của ngành CNTT Nhật Bản. Hiện ông vẫn tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Nhật Bản với vai trò là Chủ tịch của CeFIL, một tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo có liên quan tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren).