Đóng cửa chợ truyền thống, tăng áp lực cho siêu thị - bài học lớn từ TP.HCM
Việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã làm tăng áp lực cho các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Do đó, các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đó là chưa kể đến nguồn thực phẩm được vận chuyển từ các tỉnh, thành phố trên cả nước vào các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn. Với quy mô dân số ước tính khoảng 10 triệu dân, mỗi ngày người dân Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ từ 9.000 tấn đến 10.000 tấn thực phẩm, nhưng năng lực cung ứng của toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng khác chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu, số còn lại phải thông qua các chợ đầu mối và chợ truyền thống.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động tâm lý mua hàng của người tiêu dùng. Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, hàng hóa đôi lúc vẫn bị thiếu cục bộ, mua bán bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng có những thời điểm tăng.
Chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 28/6
“Khi thực hiện Chỉ thị 16 thì áp lực về hàng hóa rất lớn, các chợ đóng cửa nên gây ra cung lẫn cầu có vấn đề, như ở các nước ngoài, người ta có kho hàng, hàng trăm tấn hàng hóa nông sản, nhưng ở Việt Nam thì bán hết lại chờ về như thế, gây ra căng thẳng thị trường. Về trước mắt, phải giải quyết “luồng xanh” hàng hóa, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Thứ hai là phải giải quyết bán hàng online, cả trực tiếp. Thứ 3 là bây giờ, có hội trường hay kho phải dành thời gian tập kết hàng, tất cả phải làm rõ ràng. Chúng ta phải tính toán trước mắt và lâu dài cho thành phố”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.
Thời gian qua, sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chính tại nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19. Dù cơ quan quản lý đã cố gắng bảo đảm nguồn cung hàng hóa, song việc phân phối đến tay người tiêu dùng lại trục trặc, trong khi đó, nguồn lực về con người và công nghệ của hệ thống phân phối hiện đại cũng chưa đủ để xử lý đơn hàng lớn. Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại và Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định, về lâu dài, cần nâng cao năng lực của hệ thống phân phối nhằm chuẩn bị sẵn tinh thần sống chung với Covid-19 hay ứng phó trong các tình huống bất thường khác.
“TP.HCM cũng như nhiều tỉnh khác thì cũng đã có những biện pháp để đảm bảo nguồn cung hàng hóa được ổn định, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân trong bối cảnh dịch như thế này. Tôi nói ví dụ như là tăng cường nguồn dự trữ cho các siêu thị, rồi có giải pháp tạo thuận lợi cho các lái xe vận chuyển hàng hóa, lập ra những điểm cung ứng hoặc cung cấp hàng hóa miễn phí cho người dân, mở cửa lại chợ, đấy là một số biện pháp tạm thời, nhưng mặc dù các biện pháp được đưa ra nhưng không đơn giản, tỉnh nào cũng phải lo chống dịch, thế thì các tỉnh đều lo lắng và phải ưu tiên tập trung vào việc chống dịch, đảm bảo cho phát triển kinh tế nói chung cũng như việc lưu thông hàng hóa nói riêng”, ông Lê Quốc Phương nói.
Do đó, ông Phương cho rằng, việc đưa ra các biện pháp là rất đáng hoan nghênh và góp phần giảm bớt khó khăn cho việc cung ứng hàng hóa nhưng không thể một sớm một chiều mà giải quyết được.
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, đến nay, nhìn chung, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Lượng hàng hóa cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh tăng gấp 5 lần. Thành phố đã triển khai nhiều phương án phụ trợ để tăng nguồn cung ứng hàng hóa với hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn, cung cấp thêm nhiều địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân. Thành phố cũng đã triển khai tàu cao tốc đầu tiên chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long về Thành phố Hồ Chí Minh, mở ra thêm con đường vận chuyển hàng hóa nhằm tăng nguồn cung hàng hóa nhất là nông sản thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc các bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho hệ thống siêu thị.
“Nếu chúng ta không làm tốt, không mở lại các chợ truyền thống cũng như là chợ đầu mối thì chắc chắn sẽ thiếu hàng mà không thể khắc phục được. Việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã làm tăng áp lực cho các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và người dân khó tiếp cận nguồn hàng. Qua kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua cũng đề nghị là không đóng cửa tất cả các chợ truyền thống và các chợ đầu mối, phải tăng cường việc đảm bảo các điều kiện chống dịch. Các tỉnh, thành phố khác cần cân nhắc việc đóng cửa chợ đầu mối, chợ truyền thống, tránh trường hợp người dân khó tiếp cận nguồn hàng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Thực tế cho thấy, vai trò của chợ truyền thống vẫn rất quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trong xã hội. Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng kết nối trực tiếp các đơn vị cung ứng thực phẩm với các đơn vị phân phối đang hoạt động. Nguồn hàng phải đảm bảo liên tục, phải thực sự có những “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu tiêu dùng của nhân dân. Có như vậy, hàng hóa sẽ không bị đứt đoạn, tạo ra tâm lý ổn định cho người tiêu dùng cũng như giải quyết đầu ra cho nhà sản xuất tại các địa phương./.