"Donald Trump châu Á" lên làm Tổng thống, phép màu của kinh tế Philippines có hết?

14/05/2016 15:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Rodrigo Duerte đã thắng cử bằng những câu nói giật gân và có phần "điên rồ". Giờ đây khi những phấn chấn ban đầu qua đi, tân Tổng thống của Philippines sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước.

Ông Rodrigo Duerte, người sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines nhiệm kỳ tiếp theo vào ngày 30/6, được "thừa kế” một nền kinh tế khá vững chắc.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thổng sắp mãn nhiệm Benigno Aquino III, trong 6 năm qua Philippines đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng tăng nhanh nhất kể từ thập niên 1970 là 6,2%/năm để trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ tư trên thế giới. Philippines đã đạt thành tựu đáng kể trong lĩnh vực thâm hụt tài chính và cũng thực hiện được các cuộc cải cách cần thiết để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Song bên cạnh những thuận lợi trên, ông Duerte cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức đang đeo đẳng.

Hệ thống kinh tế cũng như chính trị Philippines nằm dưới sự kiểm soát của một số ít gia đình thuộc giới thượng lưu. Sự bất bình đẳng dễ nhận thấy và tình trạng nghèo đói ở nhiều nơi không còn là một vấn đề mới.

Chất lượng các dịch vụ công kém, cơ sở hạ tầng vật chất như đường xá, hệ thống cảng và sân bay, xuống cấp. Tỉ lệ tội phạm ở Philippines vẫn ở mức cao dưới thời ông Aquino, trong khi hệ thống hành pháp yếu kém và tỉ lệ kết án thấp.

Sau chiến thắng giành được, việc đầu tiên ông Duerte phải làm là tiến hành cải tổ nội các. Carloz Dominguez, cựu bộ trưởng nông nghiệp Philippines và là người bạn chí cốt đồng hành cùng ông Duerte trong suốt thời gian tranh cử trong vai trò giám đốc tài chính chắc chắn sẽ là sự lựa chọn nhân sự số một của ông Duerte.

Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế, ông Duterte sẽ tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ nhằm hàn gắn những "rạn nứt" sau một cuộc bầu cử gây nhiều chia rẽ.

Việc vắng bóng các kế hoạch kinh tế cùng với tầm nhìn kinh tế của vị tân tổng thống tương lai trong chương trình nghị sự tranh cử làm dấy lên mối lo ngại rộng khắp rằng những thành tựu kinh tế mà ông Aquino gây dựng có nguy cơ sụp đổ cũng như những hoài nghi về khả năng "chèo lái con thuyền kinh tế" của ông Duerte.

Đại diện Quỹ châu Á tại Philippines, Steven Rood, cho biết luồng đầu tư vào Philippines có thể dao động mạnh trong những tháng tới bởi hình ảnh của nước này chuyển từ cái nhìn khá tích cực về chính quyền của tổng thống sắp mãn nhiệm Aquino sang cái nhìn mới đầy thận trọng về chính phủ mới của ông Duterte, người tự xưng là "kẻ độc tài”.

Cho đến nay, ngành dịch vụ của Philippines, cụ thể là ngành Business Process Outsourcing (thuê ngoài một phần dịch vụ của doanh nghiệp) cùng với tiền gửi của người Philippines làm việc ở nước ngoài là những tác nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này. Song các nhà kinh tế cho rằng triển vọng việc làm và tăng trưởng kinh tế lâu dài của Philippines tuỳ thuộc vào khả năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo thông qua thu hút đầu tư nước ngoài.

Mặc dù giữ cái nhìn thận trọng về kinh tế Philippines trong trung hạn, song các nhà phân tích không dự đoán tăng trưởng kinh tế Philippines sụt giảm mạnh ngay. Nền kinh tế Philippines theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt mức 6,5% trong năm nay vì nguồn tiền gửi của người Philippines đi lao động biệt xứ ở nước ngoài và ngành BPO lớn mạnh ở nước ngoài có thể "miễn dịch” với bất kỳ cú sốc nào sau bầu cử.

Thành tích của ông Duterte ở Davao trong việc giảm tội phạm và khuyến khích đầu tư cho thấy có thể ông sẽ không chống lại doanh nghiệp. Và khác với Donald Trump, ông Duterte không có ý định thay đổi toàn diện đường lối kinh tế. Hơn nữa, ông còn tuyên bố sẽ tuyển dụng những bộ óc kinh tế lỗi lạc nhất để điều hành nền kinh tế.

Có lẽ đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán Philippines và đồng peso tăng giá mạnh sau khi có tin ông Duterte đắc cử. Điều đó cũng cho thấy các nhà đầu tư đã chuyển từ thái cực lo ngại trước những phát ngôn gây sốc của ông Duerte sang lạc quan một cách thận trọng. Song điều này chưa nói lên được gì bởi nhiều thứ vẫn còn mơ hồ.

Đương kim tổng thống Aquino đã từng khuyến cáo ông Duterte nếu trở thành tổng thống có thể đưa Philippines quay trở lại thời kỳ của chủ nghĩa độc tài Ferdinand Marcos (người đã tiến hành thiết quân luật, tra tấn hàng nghìn người...).

Cái mà người ta lo ngại nhất sau chiến thắng của ông Duerte có lẽ là vấn đề bất ổn chính trị sẽ tác động nên nền kinh tế trong thời gian dài bởi khuynh hướng đứng trên pháp luật của vị tân tổng thống tương lai này và nguy cơ phân hoá xã hội gia tăng ở Philippines. Vì vậy, nhìn bức tranh tổng thể của nền kinh tế Philippines trong tương lai, chúng ta chưa thể thấy những gam màu lạc quan.

Theo Xuân Hương

Cùng chuyên mục
XEM