Đón sóng công nghệ 4.0, Việt Nam đã có trường Đại học đào tạo chuyên ngành Kinh tế số
"Chúng tôi là một trong những trường đầu tiên được tiên phong đào tạo ngành Kinh tế số", ông Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - chia sẻ tại một hội thảo mới đây.
"Muốn tận dụng công nghệ phải biết về công nghệ và sử dụng được công nghệ đã, ở cả cấp độ cá nhân và cấp độ tập thể", ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định.
Chia sẻ dưới góc độ phát triển nguồn nhân lực trong kinh tế số, ông Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - cho biết trong ngắn hạn, cần có nhiều hơn chương trình bồi dưỡng, đào tạo, các hội thảo... để làm sao lan tỏa kiến thức để mọi người có nhận thức về kinh tế số từ cấp lãnh đạo, quản lý đến người triển khai thực hiện.
Thứ 2, ông Nguyên cho rằng phải có chiến lược phát triển nhân lực phục vụ cho nền kinh tế số.
"Phải có chiến lược từ cấp trung ương, và chiến lược phát triển này phải bao gồm cả đào tạo nghề", ông Nguyên nói.
Ở cấp phổ thông, ông Nguyên cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng tới phát triển đào tạo nhân lực kỹ thuật số từ việc thúc đẩy đào tạo STEM (*), tăng cường kiến thức công nghệ và nền tảng Toán học cho học sinh sau tốt nghiệp có những nền tảng có thể tiếp cận kỹ năng số.
Ở cấp đại học, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng các trường đại học về kinh tế cũng cần tăng cường môn học liên quan đến nền tảng công nghệ cũng như kinh tế số.
"Trước nay khi đào tạo kinh tế, có vẻ các trường không chú trọng nhiều các môn khoa học có liên quan nền tảng công nghệ, toán học. Nhưng nay để phát triển kinh tế số, nắm vững khoa học công nghệ thì những kiến thức về công nghệ cũng như kiến thức nền tảng về Toán học, Thống kê rất quan trọng", ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho biết, Học viện Chính sách và Phát triển là một trong những trường đầu tiên được tiên phong đào tạo ngành Kinh tế số, trong năm 2021. Trước đó, trường cũng đã mở chuyên ngành đào tạo về phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh năm 2019.
Bên cạnh việc đào tạo ở các cấp học, ông Nguyên cho rằng chúng ta cần tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cũng như lao động nghề để có thể làm việc trong các lĩnh vực về kinh tế số.
Khái quát nền kinh tế số Việt Nam, ông Jacques Morisset cho rằng để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: Nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và Tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.
Những điểm sáng trong cuộc khủng hoảng COVID-19 được ông Jacques Morisset phân tích có thể kể đến như: 60% các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam...
Báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" cho thấy nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
Báo cáo cũng nêu ra một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số, bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.
(*) STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math) theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.