"Đòn kép khủng khiếp" giáng xuống Ấn Độ: Dịch bệnh chưa qua, thảm họa lại ập tới
Theo các nhà chức trách bang, bão đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng trên khắp các bang ven biển Gujarat, Kerala, Karnataka, Goa và Maharashtra.
Hôm 17/5, cơn bão mạnh nhất lịch sử Ấn Độ đổ bộ vào bờ biển phía tây của nước này, cản trở nỗ lực của chính quyền trong việc chống lại đại dịch Covid-19 ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước.
Bão nhiệt đới Tauktae, một cơn bão với sức gió tương đương bão cấp 3 hình thành ở Biển Ả Rập, đã đổ bộ vào đêm 17/5 theo giờ địa phương ở Gujarat. Bão mạnh lên khi đổ bộ với sức gió duy trì tối đa là 205 km/giờ - theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp của Mỹ.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), đến sáng 18/5, bão đã suy yếu từ cấp độ "rất nguy hiểm" xuống còn cấp "nguy hiểm".
Các hình ảnh và video cho thấy đường cao tốc biến thành sông do mưa lớn, cây cối và đường dây điện bị gió dữ quật đổ. Theo các nhà chức trách bang, bão đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng trên khắp các bang ven biển Gujarat, Kerala, Karnataka, Goa và Maharashtra.
Các trường hợp tử vong có nhiều nguyên nhân, đa số chết đuối, thiệt mạng do nhà sập, sét đánh và các tai nạn khác liên quan đến thời tiết khắc nghiệt - theo cơ quan quản lý thiên tai của các bang.
Ảnh: AFP
Thảm họa xảy ra giữa lúc Ấn Độ phải hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2. Đã có hàng triệu người bị lây nhiễm và hàng chục nghìn người tử vong kể từ khi nó bắt đầu hồi giữa tháng 3. Mặc dù số liệu ca nhiễm mới hàng ngày bắt đầu giảm trong tuần qua, số ca tử vong liên quan đến Covid vẫn tiếp tục phá vỡ mức cao kỷ lục và cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc - đặc biệt là ở các khu vực nông thôn với ít nguồn lực và vật tư y tế hơn.
Các bệnh nhân Covid nằm trong số hàng trăm nghìn người được sơ tán khỏi các khu vực trũng thấp trong tuần này khi khu vực này chuẩn bị sẵn sàng cho sự xuất hiện của cơn bão. Tại Mumbai, 580 bệnh nhân từ các trung tâm chăm sóc tạm thời đã được chuyển đến các bệnh viện khác nhau.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ đối phó với thiên tai trong đại dịch - năm ngoái, quốc gia này đã phải đối mặt với các cơn bão vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 cũng khiến người dân phải sơ tán hàng loạt.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tỷ lệ ca bệnh ở Ấn Độ vẫn tương đối thấp, dưới 10.000 ca mỗi ngày và quốc gia này gỡ phong tỏa sau một đợt cấm vận nghiêm ngặt.
Lần này, Ấn Độ là điểm nóng đại dịch toàn cầu. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đã sụp đổ và bệnh nhân vẫn đang tử vong vì thiếu oxy và các nguồn cung cấp khác. Chính phủ đang phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát trong khi phải đối mặt với những chỉ trích nặng nề ở cả trong và ngoài nước.
Cơn bão này có thể chỉ là báo hiệu của nhiều thảm họa sắp xảy ra, khi mùa gió mùa kéo dài hàng tháng của Ấn Độ đến gần.
'Một đòn kép khủng khiếp'
Hơn 200.000 người ở Gujarat đã được sơ tán khỏi các khu vực ven biển, Thủ hiến bang Vijay Rupani cho biết hôm 17/5. Hơn 2.435 ngôi làng bị mất điện, và hiện tại mới chỉ khôi phục được điện tại 484 ngôi làng.
Trong số 400 bệnh viện Covid-19 ở Gujarat, nguồn cung cấp điện tại 100 bệnh viện đã bị gián đoạn ông Rupani cho biết. Tất cả các bệnh viện đều có máy phát điện dự phòng - nhưng các thiết bị này đã bị hỏng ở 4 bệnh viện.
Các nhà chức trách đang làm việc để sửa chữa các máy phát điện bị ảnh hưởng, Rupani cho biết. Việc tiêm chủng đã bị đình chỉ trên khắp Gujarat.
Udaya Regmi, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Nam Á, cho biết: "Cơn lốc xoáy này là một đòn kép khủng khiếp đối với hàng triệu người ở Ấn Độ có gia đình bị ảnh hưởng bởi các ca nhiễm trùng và tử vong do Covid".
"Nhiều gia đình hầu như không sống nổi", ông nói thêm.
Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng trên khắp 36 thành phố ở Gujarat như một phần của các hạn chế Covid. Giờ giới nghiêm đã được lên kế hoạch kết thúc vào ngày 18/5, nhưng hiện đã được kéo dài thêm 3 ngày vì cơn bão.
Gió mùa trở nên nguy hiểm hơn trong những năm qua, do biến đổi khí hậu đã làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt và khó dự đoán hơn. Trong năm 2018, hàng trăm người chết chỉ riêng ở bang Kerala do lũ lụt vào tháng 8. Năm 2019, hơn 1.600 người chết trên toàn quốc trong thời kì gió mùa.