"Đơn cam kết tự nguyện ăn nhậu": Thực tế chứ chẳng đùa!
"Đi nhậu phải làm đơn cam kết tự nguyện" là chuyện mà những ngày qua, nhiều người bàn thảo xôn xao khi các quy định liên quan có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Mới đây, nhân dịp đón chào năm mới 2020, tôi và nhóm bạn rủ nhau ra một quán ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP HCM. Chủ quán vừa mang thực đơn ra đã dọ hỏi: "Mấy anh có cần làm đơn tự nguyện hay không?".
"Đứng hình" vài giây, mọi người trong nhóm chúng tôi mới cười xòa nhớ ra rằng kể từ ngày 1-1-2020, ăn nhậu phải trên tinh thần tự nguyện, không bị mời gọi hoặc ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào.
Lá đơn tưởng đùa nhưng thực tế đúng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Chúng tôi nhớ ra rằng kể từ 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Bảng cam kết kia đúng chứ chẳng sai. Bởi lẽ, khoản 1, điều 5 của luật này nêu rõ "nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia".
Khi đi nhậu phải cam kết để tránh bị khép vào hành vi "ép buộc, lôi kéo người khác". Thực chất, quy định này rất khó xử lý, bởi người uống rượu bia chẳng ai ép được nếu bản thân họ không muốn. Hay chăng, đang nhậu say, người bạn cùng bàn ép nên chạy đến đồn công an tố cáo? Như vậy bằng chứng từ đâu, ai tin lời nói đó và có thể xử phạt được không?
Nói như vậy không phải bàn lùi mà là để chỉ ra những tình huống tréo ngoe, cần nói ra để ban hành các công cụ xử phạt kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Từ đó, có căn cứ vững chắc xử lý các hành động kém văn minh.
Cũng từ ngày 1-1-2020, Nghị định 100/2019 được áp dụng, có mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Chỉ cần người điều khiển phương tiện có hơi men là có thể bị phạt 40 triệu đồng, "giam" GPLX 2 năm.
Nhiều câu chuyện, hình ảnh, văn bản về viêc uống rượu bia vẫn lái xe do cộng đồng mạng, người dùng "chế" ra thể hiện rất đa dạng và phong phú được lan truyền nhanh chóng với dưới nhiều hình thức. Dù mang tính hài hước nhưng điều đó chứng tỏ những "đệ tử lưu linh" đã không khỏi lo lắng và bắt đầu dần thay đổi ý thức.
Vài quán nhậu, nhà hàng tại quận 1, 3, Bình Thạnh (TP HCM) đã mở dịch vụ "đưa người say về nhà miễn phí" nhằm thu hút thêm khách. Như vậy, Nghị định 100/2019 đã dần làm thay đổi ý thức của người dân. Từ chỗ không chấp hành, họ đã bắt đầu lo ngại và thực hiện nghiêm.
Thống kê hằng năm từ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho thấy tai nạn liên quan đến bia, rượu chiếm tỉ lệ rất cao. Nhiều vụ tai nạn đã để lại cho gia đinh và xã hội những câu chuyện đau lòng.
Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống bia (không cần nồng độ cồn) và xử phạt rất nặng. Có quốc gia phạt đòn roi, thậm chí phạt tù, cấm chạy xe suốt đời...
Với việc ban hành các quy định gần đây nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Dù còn nhiều ý kiến tranh cãi nhưng đây là xu thế văn minh. Đây chỉ là bước khởi đầu và dần dần được áp dụng rộng rãi, nâng cao ý thức người dân.
Chuyện này làm tôi liên tưởng đến quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện xe 2 bánh. Lúc đầu, đã có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng nó gây ra khó chịu, bệnh da đầu... Nhưng giờ, việc đội mũ bảo hiểm đã trở thành ý thức chung.
Phương Tây có câu thành ngữ "Thành La Mã không thể xây trong một ngày". Luật vừa mới ban hành chắc chắn sẽ chưa tạo sự đồng thuận cao. Khi số đông người dân nhận thấy được các quy định pháp luật mới tốt cho cuộc sống, lúc đó mọi thứ sẽ thành thói quen. Một khi thói quen đã có thì mọi thứ sẽ trở thành điều bất di, bất dịch.